10 điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, năm 2021 trong bối cảnh nhiều khó khăn, chúng ta đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng với 10 điểm sáng.

Ngày 5/1, Chính phủ tổ chức Hội nghị với các địa phương đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của năm 2021, triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ. Dự Hội nghị tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố có Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Hội nghị đã tập trung phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2021, khẳng định những ưu điểm và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan. Đồng thời, đề xuất những giải pháp khắc phục, thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, nhất là Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức.

Cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, khẩn trương hoàn chỉnh các báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Về cơ bản, các ý kiến nhất trí và đánh giá cao các dự thảo Nghị quyết và các báo cáo đã được trình bày tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu với những định hướng, gợi mở, chỉ đạo rất quan trọng, sát sao, toàn diện, xuyên suốt. Thủ tướng khái quát, nhấn mạnh thêm một số nội dung về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

TTg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương

Thủ tướng nêu rõ, năm 2021, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thử thách, chúng ta đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ vững quốc phòng - an ninh, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, khẳng định vai trò là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Nhìn chung, chúng ta đã cơ bản hoàn thành nhiều mục tiêu các cấp giao Chính phủ và chính quyền địa phương, với 10 điểm sáng.

Một là, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đẩy nhanh ngoại giao và tiến trình tiêm vaccine; điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, ban hành các gói hỗ trợ, tạo điều kiện khôi phục kinh tế - xã hội.

Khi dịch COVID-19 với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm xâm nhập sâu vào nước ta, khi chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế, chúng ta bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Dịch bệnh và các biện pháp hành chính đã ảnh hưởng tới đời sống người dân, các hoạt động kinh tế - xã hội.

Chúng ta đã đưa ra chiến lược vaccine, lập quỹ vaccine, đẩy mạnh ngoại giao vaccine, triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất từ trước tới nay. Các biện pháp phòng, chống dịch được kế thừa và liên tục được điều chỉnh, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn. Đến nay, chúng ta đã đúc kết được các công thức, phương châm phòng chống dịch, cộng với độ bao phủ vaccine, Chính phủ đã điều chỉnh sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tạo điều kiện khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội theo tinh thần Kết luận của Trung ương.

Hai là, tăng trưởng GDP phục hồi trong quý IV là mức đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Kinh tế nước ta đang phục hồi tích cực. Tăng trưởng GDP quý IV/2021 ước tăng 5,22% so cùng kỳ. Tính chung cả năm 2021, GDP tăng 2,58%, thấp hơn kế hoạch đề ra, song vẫn cao hơn năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp.

Ba là, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm. CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84%, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm. Kết quả tích cực này đã khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát lạm phát, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn giá cả (đặc biệt các mặt hàng thiết yếu ở những lúc cao điểm), trong bối cảnh giá cả hàng hóa và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu toàn cầu tăng mạnh trong năm 2021.

Mặt bằng lãi suất giảm nhẹ và duy trì ở mức thấp. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,8% so với đầu năm (năm 2020 giảm 1%), thấp nhất trong vòng 20 năm. Tín dụng năm 2021 ước tăng khoảng 13,5%, cao hơn so với mức 13% năm trước. Huy động vốn có tốc độ tăng chậm hơn, tăng khoảng 9%, thấp hơn mức tăng 13-14% các năm trước, nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo, do điều hành linh hoạt hơn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải luôn lưu ý cơ cấu tín dụng vào các ngành, lĩnh vực để phòng ngừa, kiểm soát rủi ro, bảo đảm phát triển bền vững. Tỷ giá tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, ổn định.

Bốn là, đầu tư trực tiếp nước ngoài hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới có nhiều biến động. Vốn FDI đăng ký ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Giải ngân vốn FDI cả năm 2021 đạt gần 20 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với năm trước, nhưng đặc biệt, tình hình đã cải thiện trong quý IV khi Việt Nam thay đổi chiến lược phòng chống dịch và đẩy nhanh tiến trình vaccine.

“Trong tháng 8, tháng 9, Chính phủ nhận được các kiến nghị hằng ngày của các nhà đầu tư. Qua 10 cuộc đối thoại liên tục của Thủ tướng Chính phủ, họ nhận thấy sự cầu thị, lắng nghe của Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu của họ trong điều kiện rất khó khăn, đồng thời chúng ta cũng rất minh bạch, thể hiện chính kiến, bản lĩnh trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng nêu rõ.

Năm là, xuất khẩu là điểm sáng, thặng dư thương mại ở mức khá, góp phần phục hồi kinh tế. Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 668 tỷ USD, tăng 22,6%; thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, trong đó xuất khẩu ước đạt 336,3 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước; nhập khẩu đạt 332,3 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước, duy trì xuất siêu.

Sáu là, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đạt nhiều tiến bộ vượt bậc, dù so với mong muốn, yêu cầu thì chưa đạt được. Theo báo cáo của một số tổ chức nghiên cứu quốc tế, Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN (sau Indonesia và Thái Lan) và xếp hạng 14/50 trong khu vực châu Á về quy mô kinh tế internet. Kinh tế internet Việt Nam ước đạt 21 tỷ USD năm 2021 (khoảng 5,8% GDP năm 2021), tăng 31% so với năm 2020. Về đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á (sau Indonesia và Singapore) về thu hút vốn đầu tư vào Fintech, chiếm 11% tổng số vốn của khu vực, đạt khoảng 4 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2020...

Bảy là, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân được chú trọng. Đã dành gần 71,5 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 742 nghìn lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn. “Những năm trước, mỗi năm, bình thường chúng ta cố gắng làm an sinh xã hội nhiều nhất cho 1 triệu người, đã thấy khó khăn. Năm nay chúng ta tổ chức lo an sinh xã hội cho 42,8 triệu người trong thời gian kéo dài với khối lượng công việc rất gấp rút, “đường dài nhưng tốc độ phải nhanh”.  Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị”, Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó, đã tổ chức rất thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Dạy và học được tổ chức linh hoạt, phù hợp, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Tám là, tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng thể chế; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ tướng đã yêu cầu phải xác định quan điểm đầu tư cho xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển; tập trung nhân lực, đầu tư về cơ sở vật chất, chế độ, chính sách ưu tiên để thu hút nguồn nhân lực cho xây dựng thể chế, trên cơ sở bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường chuyển đổi số; đã hoàn thành một số cơ sở dữ liệu lớn, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 02 luật và xem xét, cho ý kiến 06 dự án Luật. Chính phủ xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 23 đề nghị xây dựng luật; ban hành 74 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; ban hành 200 nghị quyết, 153 nghị định. Thủ tướng Chính phủ ban hành 42 quyết định quy phạm pháp luật; 36 chỉ thị. Các Bộ, ngành ban hành 773 thông tư.

Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được thực hiện quyết liệt. Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng. Trong các cuộc họp, Thủ tướng luôn nhấn mạnh yêu cầu phải chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm trong phòng chống dịch. Với các vụ án tiêu cực, tham nhũng trong phòng chống dịch như vụ Việt Á, dứt khoát phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của  pháp luật.

Chín là, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Chú trọng xử lý các tình huống phát sinh trên biển, biên giới đất liền, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. “Thông thường, càng khó khăn càng xuất hiện nhiều tội phạm nhưng năm nay, trong điều kiện khó khăn như thế, chúng ta vẫn bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân”, Thủ tướng phát biểu.

Mười là, hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó chiến lược ngoại giao vaccine giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng tại Việt Nam. Hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực và Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, tham dự và có tiếng nói tích cực tại Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN và giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế đang được quan tâm….

Trong bối cảnh nguồn cung vaccine còn khan hiếm, chính sách ngoại giao vaccine đã được đẩy mạnh, giúp Việt Nam có nguồn vaccine để đẩy mạnh chương trình tiêm chủng. Chúng ta đã làm tất cả các biện pháp có thể để có được vaccine tiêm miễn phí cho người dân. Điều này đã giúp Việt Nam tự tin thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, thay đổi căn bản chiến lược phòng chống dịch, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội từ quý IV/2021. 

Những khó khăn, thách thức trong năm 2022

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Nguyên nhân cơ bản của những kết quả đạt được là nhờ sự đoàn kết, thống nhất dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự giám sát và đồng hành quyết liệt của Quốc hội, sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, chính quyền địa phương, cùng với sự vào cuộc, đồng lòng chung sức vượt qua khó khăn, thách thức của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và của toàn dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi chưa phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, còn trông chờ, ỷ lại…

Về rủi ro, thách thức đối với hoạt động kinh tế - xã hội năm qua và dự báo 2022, Thủ tướng nêu rõ, có thể nhận thấy 5 rủi ro chính bên ngoài trong năm 2021- 2022. Dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến rất phức tạp, tiếp cận vaccine không đồng đều, dẫn đến kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, bất bình đẳng gia tăng. Kinh tế thế giới, trong đó có các nước lớn dự báo tăng trưởng chậm lại, sẽ giảm sức cầu thương mại, đầu tư đối với nước ta. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn còn rất phức tạp, khó lường. Rủi ro địa chính trị và thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế. Sức ép giá cả, lạm phát ở mức cao, một số nước bắt đầu thu hẹp các gói hỗ trợ, tăng lãi suất - đây là vấn đề Việt Nam chúng ta cần hết sức lưu tâm.

Cùng với đó, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với 6 khó khăn, thách thức lớn. 

Một là, dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp. Chúng ta cần theo dõi và sớm có phương án, kịch bản ứng phó phù hợp.

Hai là, thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp nhất trong nhiều năm. Giải ngân đầu tư công còn chậm, dù có nhiều chỉ đạo, đôn đốc và giải pháp quyết liệt (một phần là do dịch bệnh, phần khác là do nguyên nhân chủ quan...).

Ba là, thu ngân sách đạt kết quả tốt, nhưng nhiều khoản thu thiếu bền vững, áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng.

Bốn là, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Năm là, rủi ro nợ xấu gia tăng, đòi hỏi quyết sách rất khôn khéo.

Sáu là, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, một phần do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Hoàng Phương