3,5 triệu giờ trên giàn HRD

Thật tình cờ, không hẹn mà gặp, ngày tôi gõ cửa làm việc với Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ khí hàng hải (PTSC M&C) lại chính là một ngày không thể quên của tập thể CBCNV PTSC M&C: Tổng kết 3,5 triệu giờ

Lần đầu thắng thầu quốc tế

Khi được chiêm ngưỡng cái gọi là “Dự án HRD” khổng lồ ba tầng màu vàng xậm xen lẫn màu đỏ với hàng ngàn tấn kết cấu thép sừng sững hiên ngang giữa biển xanh Vũng Tàu, cảm giác trong tôi vô cùng choáng ngợp. Đặt chân lên chiếc cầu thang sắt vững chãi, leo lên tầng cao nhất của giàn để rồi phóng tầm mắt nhìn xuống đại công trường, trước mắt tôi là hàng trăm kỹ sư, công nhân với trang bị bảo hộ màu trắng cùng các chuyên gia Ấn Độ trong bộ trang phục bảo hộ lao động màu đỏ đang tiến về vị trí làm Lễ tổng kết, khen thưởng, niềm xúc động trong tôi càng thêm dâng tràn. Phải, không tự hào sao được khi Dự án HRD là một dự án đấu thầu quốc tế đầu tiên của PTSC, là một công trình thi công quan trọng vào bậc nhất trong hơn 50 dự án cơ khí trên biển mà PTSC M&C đã thực hiện trong nhiều năm qua!

Nhớ lại cách đây gần 2 năm, vượt qua nhiều nhà thầu nước ngoài, PTSC đã trúng thầu chế tạo Dự án HRD nặng gần 11.000 tấn với giá trị hợp đồng 70 triệu USD. Chỉ riêng chuyện thắng thầu thôi cũng đã có thể… viết thành sách. Được biết, tham gia đấu thầu dự án này còn có các nhà thầu lớn dày dặn kinh nghiệm quốc tế như McDermott (Mỹ), Huyndai Heavy Industries (Hàn Quốc), L&T (Ấn Độ/Trung Đông) và các đối thủ khác từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… Vậy, PTSC M&C phải chuẩn bị những gì?

Ông Đồng Xuân Thắng - Giám đốc PTSC M&C bồi hồi nhớ lại: Nhận thấy tầm cỡ đáng gờm của các đối thủ, PTSC M&C đã chọn giải pháp nghiên cứu, đánh giá chi tiết về các ưu điểm, nhược điểm của từng đối thủ để từ đó lựa chọn phương án cạnh tranh từ công nghệ, kỹ thuật thực hiện dự án cho tới giá thành thực hiện.

Đấu thầu quốc tế, kinh nghiệm thi công là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Với Dự án Biển Đông1 (còn được coi là con khủng long biển), PTSC M&C đã thuyết phục hoàn toàn các đối tác. Đây được coi là dự án phức tạp nhất của ngành Dầu khí về mọi mặt: tiến độ, công nghệ và quy mô. Toàn bộ thiết kế chi tiết, mua sắm và thi công chế tạo được người Việt Nam thực hiện trong vòng 30 tháng. Chỉ riêng việc gia cố mặt bằng sản xuất (nền bãi), tăng sức chịu tải từ 4 tấn lên 50 tấn/m2 để đặt lên đó các đường trượt hạ thủy chịu được trọng lượng 1.720 tấn/m (dài) đã là việc đầy cam go, phức tạp. Bằng trí tuệ và các giải pháp thi công tối ưu chưa được sử dụng ở Việt Nam, những kỹ sư và công nhân PTSC M&C đã tạo ra mặt bằng có sức chịu tải lớn nhất Việt Nam -53 tấn/m2. Các cần cẩu siêu trọng tay với dài có sức nâng 1.200 tấn có thể hoạt động an toàn trên nền móng này. Đây là một kỷ lục mà không nhiều nhà thầu trên thế giới thực hiện được. Thành công ở Biển Đông 1 đã tạo dựng cho PTSC M&C vị thế của một trong những tổng thầu EPCI hàng đầu trong nước và vươn ra tầm khu vực. Và ngày hôm đó, nó đã trở thành điểm cộng lớn nhất, chiếm ưu thế nhất trên bàn cờ đấu thầu Dự án HRD.

Cuối cùng, sau đúng 8 tháng theo đuổi và đấu thầu với quyết tâm cao độ cùng với những đánh giá, phân tích để lựa chọn phương án hợp tác, hình thức hợp đồng, xây dựng đơn giá… PTSC M&C đã cùng các đối tác trong tổ hợp thắng thầu!

Chuyện nhặt trên dàn HRD

Nhắc lại kỷ niệm “ngày này năm xưa”, Giám đốc PTSC M&C Đồng Xuân Thắng chợt trầm ngâm: “Thắng thầu Dự án HRD trước các nhà thầu sừng sỏ nước ngoài đã khó, nhưng thi công dự án đầy phức tạp cam go này còn khó hơn. Bởi vậy, lúc đầu không ít người đã hoài nghi về thành công của nó”.

Dự án gồm 3 hạng mục chính là: chân đế (Jacket), cầu dẫn (Link Bridge) và khối thượng tầng (Topside). Trong đó, PTSC M&C phụ trách thực hiện khối thượng tầng - là hạng mục lớn và phức tạp nhất. Đối với việc thi công giàn công nghệ trung tâm, các yêu cầu cần có là: cầu cảng nước sâu, đường trượt có tải trọng lớn để hạ thủy, nền bãi có sức chịu tải cao và hệ thống cẩu hạng nặng… Tuy vậy, đây cũng là lần thứ hai tại cảng hạ lưu PTSC, PTSC M&C thực hiện loại giàn công nghệ CPP và lắp đặt ngoài khơi bằng phương án Float over. Chính những yếu tố “vừa lạ vừa quen” này đã vô cùng kích thích dàn kỹ sư PTSC trên con đường thiết lập khối thượng tầng vĩ đại này.

Khi những khó khăn về công nghệ đã có lời giải đáp, thử thách thứ hai mà PTSC M&C vượt qua được là thời gian thi công. Chủ đầu tư đặt ra chỉ có 17 tháng, trong khi việc thực hiện chế tạo đối với khối thượng tầng giàn công nghệ (CPP) có khối lượng tương tự thường mất từ 20 - 22 tháng. Chính vì vậy, khi nhận thi công dự án cũng có nghĩa là PTSC M&C đã “cưỡi trên lưng hổ”. Do vậy, vào thời điểm giữa năm 2014, tại công trường thi công PTSC M&C đã xuất hiện câu chuyện “90 ngày đêm”.

Đó là ngày 21/7/2014, Công đoàn Công ty đã phối hợp với Ban Dự án HRD phát động phong trào thi đua “90 ngày đêm hoàn thành công tác thi công, tiền chạy thử giàn công nghệ Dự án HRD”. Và rồi, mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày dài cả bằng tháng đối với tập thể người lao động có mặt trong Dự án lịch sử HRD đó. Với ý chí, lòng quyết tâm, trái tim và khối óc, Dự án thắng thầu quốc tế đầu tiên của PTSC có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp đã hoàn thành tốt đẹp trong khoảng thời gian thi công nhanh và đảm bảo an toàn. Đại diện Chủ đầu tư ONGC, Tổng thầu AFCONS cũng như các đối tác, nhà thầu giám sát đều đánh giá rất cao năng lực của PTSC M&C, đặc biệt là năng lực quản lý dự án chuyên nghiệp, an toàn tuyệt đối theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Vươn dài trên biển Đông

Cho đến nay, những tập đoàn, công ty có khả năng đảm đương tổng thầu EPCI và chế tạo giàn khoan dầu khí trên biển trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kinh nghiệm ở các nước như Mỹ, Italia, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... và thực tế ở Việt Nam mấy năm qua cho thấy, tổng thầu EPCI và chế tạo, đóng mới giàn khoan dầu khí đã mang lại cho doanh nghiệp và quốc gia lợi ích rất lớn. Nó không chỉ tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước như vật tư, nhân công, máy móc, chi phí thiết kế, tư vấn, quản lý dự án so với tổng thầu nước ngoài, giảm chi phí, đào tạo được đội ngũ kỹ sư quản lý, điều hành dự án, công nhân chuyên nghiệp… mà còn giúp doanh nghiệp trong nước có tích lũy, thúc đẩy các ngành cơ khí, tự động hóa, luyện kim… cùng phát triển. Các doanh nghiệp muốn vươn lên trở thành các tập đoàn công nghiệp mạnh, nắm giữ những lĩnh vực xương sống của một nền công nghiệp phát triển thì không thể không thực hiện vai trò tổng thầu EPC, EPCI. Đó chính là ý chí quốc gia và tự hào dân tộc.

Làm được điều này, PTSC M&C không chỉ là “chim đầu đàn” của PTSC mà đã trở thành một niềm tự hào lớn của ngành Cơ khí Dầu khí Việt Nam. Giờ đây, giàn công nghệ HRD đang hiên ngang trên biển Đông đã khẳng định năng lực, ý chí, trí tuệ của nền công nghiệp dầu khí nước nhà trên bản đồ thế giới!

Ông Đồng Xuân Thắng, Giám đốc PTSC M&C: Cách đây 3 - 4 năm, việc thiết kế giàn khai thác hầu hết được thực hiện ở nước ngoài bởi một số nhà thầu thiết kế tên tuổi thực hiện. Nhưng, “nếu cứ phụ thuộc vào các nhà thiết kế nước ngoài thì mãi mãi chúng ta chỉ là một xưởng gia công kết cấu không hơn không kém!