PV: Xin ông cho biết những kết quả chính của Đề án Phát triển Nhiên liệu sinh học sau thời gian triển khai Quyết định 53?
Ông Nguyễn Phú Cường: Cần khẳng định, phát triển xăng nhiên liệu sinh học E5 là một chủ trương đúng của Chính phủ, và trong 4 năm qua, Bộ Công Thương cùng các cơ quan ban ngành đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định 53 và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, có thể nói gọn lại trong 4 điểm chính sau đây.
Thứ nhất, phải khẳng định, năng lực sản xuất ethanol nhiên liệu của các cơ sở sản xuất trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu phối trộn để thay thế hoàn toàn xăng khoáng A92 bằng xăng sinh học E5.
Thứ hai, chúng ta đã xây dựng và ban hành đầy đủ hệ thống các cơ chế, chính sách, rà soát và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, định mức hao hụt, quản lý chất lượng về kinh doanh, sản xuất, phân phối để phục vụ quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng sinh học E5, E10. Chất lượng sản phẩm xăng E5 được kiểm soát tốt, không xảy ra khiếu nại của người tiêu dùng trong suốt thời gian qua.
Thứ ba, xu thế sử dụng xăng E5 có chiều hướng tăng dần thể hiện ở lượng xăng E5 tiêu thụ tháng 12 năm 2016 đạt gần 50.000m3/tháng, chiếm 9,14% so với tổng lượng xăng khoáng A92. Số cửa hàng kinh doanh xăng dầu có bán xăng E5 đạt 1.256 cửa hàng, chiếm 11% so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó có những tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Cần Thơ đạt tỷ lệ 100%.
Thứ tư, trong công thức tính giá của xăng E5 đã thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường cũng như đã cho phép tăng chi phí định mức phù hợp để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công ThươngPV: Cụ thể tình hình tiêu thụ xăng E5 tại 08 tỉnh thí điểm và các địa phương khác sau 01 năm như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Phú Cường: Cuối năm 2016, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh xăng sinh học E5 trên cả nước. Số liệu đến 31/10/2016 cho thấy, sau 01 năm triển khai thí điểm tại 08 tỉnh mục tiêu Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, tổng lượng xăng E5 bán ra có xu hướng tiếp tục tăng lên. Các địa phương có tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 so với xăng khoáng A92 cao là Quảng Ngãi (100%), Cần Thơ (100%), Quảng Nam (100%) và Đà Nẵng (100%). Một số địa phương có tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 so với xăng khoáng A92 vẫn còn thấp nhưng cũng đã có những cải thiện trong những tháng cuối năm 2016, tính đến tháng 12, tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 so với xăng khoáng A92 tại Hải Phòng là 29,49%, Bà Rịa – Vũng Tàu 19,69%, TP.Hồ Chí Minh 15,53%, Hà Nội 10,44%.
Cũng tại 8 tỉnh triển khai thí điểm, tính đến ngày 31/10/2016 có 978 cửa hàng bán lẻ xăng E5 trên tổng số 2.057 cửa hàng, chiếm 47,54%. Các địa phương có tỷ lệ cửa hàng bán lẻ xăng E5 cao là Quảng Ngãi (100%), Đà Nẵng (82,00%), các cửa hàng bán lẻ còn lại chỉ bán dầu diesel và xăng A95. Các địa phương có tỷ lệ cửa hàng bán lẻ xăng E5 đã có sự chuyển biến tăng trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn thấp là Hải Phòng (19,44%), Bà Rịa - Vũng Tàu (28,99%) và Hà Nội (28,96%).
Còn tại các địa phương khác, tổng lượng xăng E5 bán ra có xu hướng tiếp tục tăng lên, đến tháng 10/2016, tổng lượng xăng E5 bán ra tại các địa phương chiếm khoảng 15,73% so với tổng lượng xăng khoáng A92. Số cửa hàng bán lẻ xăng E5 trên cả nước là 1.256 cửa hàng, chiếm 11%. Số cửa hàng ở các tỉnh trong cả nước ổn định hoặc tăng nhẹ, cá biệt các tỉnh Tiền Giang, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre đều có số cửa hàng bán xăng E5 thấp dưới 1%.
Từ tháng 11/2014 đến tháng 10/2016, các cơ quan chức năng tại 8 địa phương triển khai thí điểm và Bộ Khoa học và Công nghệ đã định kỳ thanh tra, kiểm tra về đo lường chất lượng sản phẩm xăng dầu lưu thông trên thị trường nói chung và xăng sinh học E5 nói riêng. Kết quả kiểm tra cho thấy, các mẫu xăng sinh học E5 đạt chất lượng theo quy định, đồng thời các địa phương cũng không nhận được khiếu nại của người tiêu dùng về chất lượng xăng sinh học E5.
PV: Có thể thấy ngoài 8 tỉnh mục tiêu (mà chỉ có 4 tỉnh thực sự làm tốt) thì việc tiêu thụ xăng E5 trên thị trường vẫn chưa thực sự phổ biến. Việc người tiêu dùng khó tìm được cây xăng bán xăng E5 là có thật. Một số nhà máy sản xuất ethanol đã phải ngừng hoạt động vì không có đầu ra. Theo ông, đâu là rào cản của việc phát triển xăng nhiên liệu sinh học E5?
Ông Nguyễn Phú Cường: Như tôi đã nói ở trên, chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng pháp lý để việc sản xuất và tiêu thụ xăng sinh học E5 đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, việc triển khai E5 chưa thực sự hiệu quả như mong muốn là bởi 3 nguyên nhân.
Thứ nhất là hệ thống phân phối: Lợi nhuận doanh số và chiết khấu chưa đủ mạnh để khuyến khích các đại lý và cửa hàng xăng dầu tham gia kinh doanh xăng E5. Bên cạnh đó, việc xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, phụ trợ, bồn bể, các cột bơm xăng E5 tại các đại lý và cửa hàng xăng dầu đòi hỏi đầu tư về mặt bằng cũng như nguồn vốn, dẫn đến các chủ cửa hàng còn nhiều do dự, ngần ngại đầu tư. Chưa kể, việc vận chuyển xăng E5 từ các đầu mối kinh doanh xăng dầu đến các đại lý, tổng đại lý và các cửa hàng xăng dầu ở các vùng xa xôi, địa hình phức tạp gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho trong thời gian dài dẫn đến chi phí và hao hụt cao.
Thứ hai là nguyên liệu đầu vào để sản xuất ethanol: Với công nghệ sản xuất ethanol ở Việt Nam chủ yếu là dùng nguyên liệu sắn. Giá sắn lát khô trước khi có các nhà máy sản xuất ethanol, đầu năm 2009 khoảng 1.500-1.700 đồng/kg. Từ khi nhà máy sản xuất ethanol sinh học đầu tiên bắt đầu đi vào hoạt động đến nay, giá sắn lát luôn trên mức 3.500 đồng/kg, có thời điểm lên đến 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá dầu thô liên tục giảm chính là nguyên nhân dẫn đến các nhà máy trong nước không cạnh tranh được với xăng khoáng, phải hoạt động cầm chừng, sản lượng tiêu thụ rất thấp so với công suất, thậm chí ngừng hoạt động.
Sắn lát là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất ethanolThứ ba là người tiêu dùng: Do tâm lý còn e ngại về chất lượng xăng E5 khi sử dụng vẫn còn trong một bộ phận người tiêu dùng, cộng thêm với việc độ chênh lệch về giá cả giữa xăng E5 và xăng truyền thống chưa đủ lớn để khuyến khích khách hàng chuyển đổi thói quen sử dụng từ xăng truyền thống sang xăng E5.
Đây chính là những rào cản thực sự trong phát triển xăng sinh học E5 mà cần phải có những biện pháp quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới mới có thể giải quyết được.
PV: Với vai trò là chủ trì Đề án Phát triển Nhiên liệu sinh học, Bộ Công Thương có những giải pháp gì để cải thiện tình hình sản xuất và kinh doanh xăng E5 trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Phú Cường: Qua 04 năm triển khai thực hiện Quyết định 53, Bộ Công Thương cho rằng việc thay thế xăng khoáng A92 bằng E5 cần được thực hiện cẩn trọng theo lộ trình, tiến đến thay thế hoàn toàn vào thời điểm thích hợp. Để đạt được mục tiêu đưa xăng E5 ra thị trường thay thế dần xăng khoáng A92, đồng thời thực hiện Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải động cơ, Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ thực hiện một số giải pháp.
Chính phủ yêu cầu các địa phương trong cả nước cần tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm túc Quyết định số 53, đặc biệt là 8 tỉnh thí điểm. Cho phép tồn tại song song hai loại xăng khoáng A92 và E5 đến hết ngày 31/12/2017. Kể từ ngày 01/01/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 và xăng khoáng A95.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu đảm bảo nguồn cung ethanol, mở rộng thêm trạm phối trộn xăng E5 trên địa bàn khu vực miền Bắc và các địa phương khác. Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, hướng dẫn cách tính giá cơ sở xăng E5 bảo đảm kết cấu đủ khoản chi phí tăng thêm so với xăng khoáng để doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án kinh doanh phù hợp. Mặt khác, giao Bộ Tài chính xem xét nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách thuế nhập khẩu ethanol nhiên liệu E100 phù hợp để chống độc quyền của các doanh nghiệp sản xuất ethanol trong nước. Tiếp tục giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở, hướng dẫn việc quản lý, trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Và cuối cùng, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu xây dựng và đẩy mạnh công tác truyền thông về nhiên liệu sinh học.
Nếu triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp này, tôi tin chúng ta sẽ làm được, và việc sản xuất kinh doanh xăng sinh học E5 sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ
Cụ thể, đối với loại xăng E5, từ ngày 1/12/2014, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E5.
Từ ngày 1/12/2015 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E5.
Đối với xăng E10, từ ngày 1/12/2016, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu là xăng E10.
Từ 1/12/2017 xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên toàn quốc là xăng E10.
Trong thời gian chưa thực hiện áp dụng tỷ lệ phối trộn theo Lộ trình, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, phối chế và kinh doanh xăng E5, E10 và diesel B5 và B10.