Theo ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, từ năm 2009, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu và Tiêu chuẩn nhiên liệu sinh học TCVN 8063:2009 về xăng E5, qua các thử nghiệm nghiên cứu khoa học và thử nghiệm thực tế đã chứng minh rằng xăng E5 phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật. Do đó, người dân hoàn toàn yên tâm sử dụng. Xăng E5 đảm bảo đầy đủ các quy chuẩn, giúp tăng tuổi thọ động cơ và vận hành êm hơn. Ngoài ra, lượng khí độc hại thải ra môi trường của xăng sinh học E5 ít hơn so với xăng truyền thống góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giúp môi trường được an toàn và trong sạch hơn. Qua đó sức khỏe của người dân cũng được tăng lên.

Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường bằng việc sử dụng năng lượng sạch, tháng 11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 177/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2025. Đề án nêu rõ nhiên liệu sinh học là một dạng năng lượng mới, tái tạo, cần được phát triển để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế phát triển chung trên thế giới. Phát triển nhiên liệu sinh học cũng sẽ nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp vốn là thế mạnh của Việt Nam. Chương trình nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng, cải thiện môi trường không khí và góp phần tạo nguồn thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp; đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ với quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Ông Nguyễn Sinh Khang - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, xăng sinh học thân thiện với môi trường, việc đẩy mạnh tiêu thụ sẽ góp phần nâng cao thu nhập của nông dân, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt.

TS. Phạm Hữu Tuyến, Giảng viên - Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, động cơ sử dụng xăng E5 tạo ra rất ít khí thải CO và HC so với các loại xăng thông dụng như A92 và A95 tới 20%. Bên cạnh giảm đáng kể thành phần khí CO và HC, khả năng tăng tốc của xe cũng tốt hơn đối với xăng E5. Như chúng ta đã biết thì, khí thải CO là một khí rất độc, mức phát thải CO rất cao ở động cơ xe máy. Quá trình cháy trong động cơ sử dụng xăng E5 được cải thiện nhờ hỗn hợp giữa không khí và nhiên liệu đồng đều hơn do khả năng bay hơi tốt của E5. Ngoài ra, sự có mặt của thành phần oxy trong xăng E5 là yếu tố giúp cho nhiên liệu được cháy trong điều kiện không quá thiếu oxy (cháy với hỗn hợp nhạt hơn so với trường hợp động cơ xăng dùng bộ chế sử dụng nhiên liệu xăng RON92) và cháy kiệt. Thêm vào đó, các loại xe mới hiện nay có bộ phận xử lý khí thải, kết hợp với sử dụng xăng E5 thì lượng khí độc thải ra môi trường sẽ giảm đáng kể.

Trong điều kiện nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, giá nhiên liệu liên tục tăng như trong thời gian qua thì việc tăng cường sử dụng xăng sinh học E5 là một giải pháp khả thi để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Để đảm bảo cho nguồn phối trộn xăng sinh học tăng nhanh, chuẩn bị cho lộ trình đến năm 2016 sẽ đưa xăng sinh học E10 vào sử dụng rộng rãi trong cả nước, từ cuối năm 2007, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến 2015 và tầm nhìn đến 2025”. Theo báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng một số nhà đầu tư khác đã đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu từ nguyên liệu là sắn tại ba vùng sắn nguyên liệu lớn, đó là Phú Thọ, Quảng Ngãi và Bình Phước, mỗi nhà máy với công suất thiết kế 100 triệu lít ethanol nhiên liệu/năm. Đến nay cả nước đã có 7 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đi vào hoạt động, tổng năng lực sản xuất ethanol để pha chế xăng E5 là 535 triệu lít/năm. Cùng với việc các nhà máy đang được đầu tư xây dựng, khả năng cung cấp ethanol để pha chế xăng E5 và E10 trong năm 2015 và các năm tới theo lộ trình là hoàn toàn khả thi.

Trên thế giới có nhiều nước trong đó có Mỹ, châu Âu, ASEAN đang sử dụng phổ biến các loại xăng sinh học E5, E10, có nước đã sử dụng từ cách đây hơn 40 năm. Qua đó cho thấy, ứng dụng nhiên liệu sinh học cụ thể là xăng E5 đối với phát triển kinh tế xã hội không còn phải bàn cãi. Nhận thức đúng và tăng cường tham gia sử dụng nhiên liệu sinh học của mỗi công dân sẽ tiết kiệm được rất lớn về nguồn năng lượng của đất nước và bảo vệ chính môi trường sống tương lai của chúng ta.