Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu trụ sở các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố.
Cùng tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; các đồng chí bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06; lãnh đạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhà nước; thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đại diện một số doanh nghiệp.
Hội nghị đã nghe báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Đề án 06, phát biểu, tham luận của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Các ý kiến tập trung nêu rõ những kết quả rất đáng ghi nhận, đồng thời chỉ ra những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong triển khai Đề án 06 trong 2 năm qua, cũng như đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc triển khai Đề án 06 nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung.
6 kết quả chính trong triển khai Đề án 06 trong 2 năm qua
Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục, bài bản với quyết tâm chính trị cao từ cấp Trung ương đến địa phương. Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành 6 chỉ thị, 23 nghị quyết, 4 công điện với 413 nhiệm vụ; lãnh đạo Chính phủ đã họp giao ban 33 buổi. Mô hình Tổ công tác triển khai Đề án 06 được kiện toàn ba cấp với 63 tổ công tác cấp tỉnh, 705 tổ công tác cấp huyện và 10.599 tổ công tác cấp xã. Nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về thực hiện Đề án 06 ngày càng được nâng cao, đồng tình hưởng ứng và tham gia tích cực.
Thứ hai, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng được triển khai tích cực, hiệu quả. Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Căn cước; hoàn thành 4 văn bản quy phạm pháp luật và sửa đổi, bổ sung 19 nghị định liên quan.
Thứ ba, triển khai dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng Cơ sở Dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đã có hơn 11,2 triệu tài khoản và hơn 35,4 triệu hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai 38/53 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm hằng năm trên 2.500 tỷ đồng.
Thứ tư, đẩy mạnh kết nối, chia sẻ giữa CSDLQG về dân cư với các cơ sở dữ liệu các bộ, ngành, địa phương. CSDLQG về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 15 bộ, ngành, 63 địa phương, 1 doanh nghiệp nhà nước và 3 doanh nghiệp viễn thông với hơn 1,3 tỷ lượt tra cứu, khai thác thông tin công dân. Bên cạnh đó, các CSDLQG về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch, đất đai, tài chính, cán bộ, công chức, viên chức đang được hoàn thiện, kết nối, chia sẻ với CSDLQG về dân cư.
Thứ năm, tạo lập nền tảng quan trọng để hình thành hệ sinh thái công dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử. Đẩy mạnh sử dụng nền tảng định danh điện tử (VneID), như đã tích hợp 2,2 triệu dữ liệu đăng ký phương tiện, 10,2 triệu dữ liệu giấy phép lái xe, 16,8 triệu dữ liệu bảo hiểm y tế; làm thủ tục hàng không cho chuyến bay nội địa; khai báo lưu trú; giấy chứng nhận tiêm vaccine phòng chống COVID-19; tích hợp thông tin cư trú của công dân …
Thứ sáu, công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân được được quan tâm, chú trọng. Hiện có 63% hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước được phê duyệt cấp độ an toàn, tăng 32,5% so với năm 2022.
Những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai Đề án 06
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế chủ yếu. Theo đó, việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý để triển khai Đề án 06 còn chậm.
Chất lượng dịch vụ công trực tuyến, tỉ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao; còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức (chỉ tiêu giao năm 2023 là 40% nhưng tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại bộ, ngành mới đạt 31,7%). Nhiều thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa theo yêu cầu của Chính phủ.
Nhiều nhiệm vụ đề ra triển khai còn chậm. Còn 16/63 địa phương chưa tham mưu với HĐND cấp tỉnh ban hành Nghị quyết về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến...
Công tác chỉ đạo, điều hành nhiều nơi chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị nhiều nơi còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ.
Phát triển hạ tầng số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, hạ tầng số, nền tảng số của nhiều bộ, ngành, địa phương đầu tư manh mún, thiếu đồng bộ, không bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDLQG về dân cư; chưa chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Còn nhiều thôn lõm sóng, lõm điện. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu còn nhiều hạn chế, bất cập.
Công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội nhằm thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, triển khai Đề án 06 nhiều lúc, nhiều nơi chưa được coi trọng.
Phân tích thêm về các bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh 3 nội dung: Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; sự chủ động, tích cực vào cuộc của những người đứng đầu và việc làm lợi cho người dân, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, kết quả đến nay mới chỉ là bước đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước. Thủ tướng đồng ý lựa chọn chủ đề của năm 2024 là "Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hoá dữ liệu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh triển khai Đề án 06, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp".
Thủ tướng nêu rõ, những nhiệm vụ cần phải hoàn thành sắp tới sẽ khó hơn, phức tạp hơn, nhưng càng khó càng phải quyết tâm, khó mấy cũng phải làm, vướng mắc thì tháo gỡ, thách thức phải vượt qua.
4 nhóm giải pháp trọng tâm của Đề án 06 trong năm 2024
Cơ bản nhất trí với các đề xuất về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024 của Tổ công tác Đề án 06 (với 18 nhiệm vụ chung, 52 nhiệm vụ cụ thể), Thủ tướng nhấn mạnh 4 nhóm nhiệm vụ chủ yếu.
Thứ nhất, về triển khai các nhiệm vụ cấp bách từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND 12 địa phương (Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Đắk Lắk, Hưng Yên, Kiên Giang, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Trị, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc) sớm triển khai chi trả chế độ an sinh xã hội qua hình thức không dùng tiền mặt theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại Thừa Thiên Huế trong quý I/2024 để hoàn thiện nhân rộng trên toàn quốc.
Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và TP. Hà Nội tổ chức hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID, hoàn thành trong tháng 1/2024.
Về tiếp cận tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Công an tiếp tục tích cực triển khai giải pháp chấm điểm khả tín để người dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nhanh chóng, hiệu quả. Sớm triển khai thí điểm tại Vietcombank đầu năm 2024.
Về phủ sóng viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương triển khai phủ sóng viễn thông toàn bộ các điểm lõm để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng, không ai bị bỏ lại phía sau, không để phát sinh thêm các điểm lõm sóng mới, hoàn thành trong quý I/2024.
Thứ hai, các bộ, ngành khẩn trương, tập trung giải quyết 10 nhiệm vụ chậm tiến độ theo lộ trình Đề án 06 và 17 nhiệm vụ chậm tiến độ theo các chỉ thị, nghị quyết, công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan, như về quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký, nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông (sửa đổi), quy định Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia, cập nhật, ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam - phiên bản 3.0…
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hoàn thiện CSDLQG về cán bộ, công chức, viên chức, kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDLQG về dân cư, hoàn thành trong tháng 1/2024.
Bộ Tư pháp đề xuất các phương án xử lý đối với 558 thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa theo 19 Nghị quyết của Chính phủ, hoàn thành trong tháng 1/2024.
UBND 15 địa phương (An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Nông, Hải Phòng, Kiên Giang, Phú Yên, Sóc Trăng, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Trà Vinh) trình HĐND cùng cấp có chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, hoàn thành trước tháng 6/2024.
Thứ ba, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình của Đề án 06 năm 2024.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án 06 trong năm 2024, trong đó đề ra lộ trình chi tiết để hoàn thành 09 nhóm chỉ tiêu cơ bản về giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho Đề án 06. Bộ Công an nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, cố gắng hoàn thành trong năm 2024; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc sử dụng dữ liệu công dân qua khai thác CSDLQG về dân cư, bảo đảm đúng mục đích, chống lộ lọt dữ liệu, cố gắng hoàn thành trong quý II/2024.
Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng quy chuẩn mới về dữ liệu và hướng dẫn việc tổ chức tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ, sử dụng lại dữ liệu. Hoàn thành trong quý I/2024.
Thủ tướng cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, báo cáo Chính phủ về kế hoạch đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, xây dựng 1 mô hình mẫu về Bộ phận một cửa cung cấp dịch vụ công theo hướng kết hợp bộ phận một cửa của các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn. Sớm cung cấp 15/53 dịch vụ công thiết yếu còn lại trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm cắt giảm giấy tờ, thời gian đi lại và chi phí thực hiện.
Đẩy mạnh cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên ứng dụng VNeID (quản lý xã hội như tố giác tội phạm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng…; người dân như dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, tiện ích cho đối tượng yếu thế…). Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng "Tài khoản an sinh xã hội" để mỗi người dân Việt Nam có tài khoản an sinh xã hội trên ứng dụng VneID.
Thứ tư, triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình tại Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia, tập trung vào phương án xây dựng, triển khai, tổ chức bộ máy của Trung tâm. Đồng thời, sớm xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh yếu tố quyết định thành công của Đề án 06 là sự vào cuộc của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và phải làm lợi cho người dân và doanh nghiệp, tất cả vì nhân dân phục vụ.
Vì vậy, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, triển khai có hiệu quả để người dân và doanh nghiệp thấy được sự tiện ích, tiết kiệm, hiệu quả, từ đó đồng tình ủng hộ, hưởng ứng tham gia thực hiện.