1. Nguy cơ nhiễm virus từ không khí trên khoang máy bay gần bằng 0
Theo ông David Powell, bác sỹ kiêm cố vấn y tế của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA, máy bay sở hữu hệ thống cung cấp và lọc khí hiện đại và khác biệt so với môi trường văn phòng thông thường.
Không khí trong máy bay là sự kết hợp của không khí trong lành và không khí tuần hoàn liên tục với bên ngoài. Không khí tuần hoàn sẽ đi qua các bộ lọc, đảm bảo vô trùng tới 99,995% và gần như không có virus hoặc các hạt bụi. Do đó, việc lây nhiễm virus từ không khí trên khoang máy bay hầu như là không xảy ra.
“Bầu không khí trên máy bay vô trùng giống hoàn toàn như trong phòng mổ. Vì vậy, rủi ro lây nhiễm không đến từ bầu không khí trong khoang hành khách”, bác sĩ Powell nhấn mạnh.
Các máy bay thương mại thế hệ mới đều được trang bị hệ thống lọc không khí sử dụng bộ lọc HEPA giúp lọc sạch đến 99,995% vi khuẩn. Bộ lọc HEPA (High Efficiency Particulate Air - bộ lọc không khí hiệu suất cao) giống như một chiếc lưới có các sợi thủy tinh và sợi vải không dệt sắp xếp ngẫu nhiên sẽ khuếch tán, chặn và lọc các vi khuẩn, virus có trong không khí.
Không những vậy, theo Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO), các luồng khí trong cabin máy bay được thiết kế để đưa vào tàu bay theo chiều thẳng đứng từ trên xuống dưới và lưu thông theo chiều ngang giúp hạn chế tối đa không khí lan tỏa theo chiều dọc, vì thế nguy cơ lây lan virus trên tàu bay vô cùng nhỏ.
2. Mở lỗ thông hơi trên máy bay
Việc mở lỗ thông hơi ở trần máy bay, ngay phía trên đầu của bạn cũng giúp ích cho việc lưu thông không khí nơi bạn ngồi, giúp đào thải bớt vi khuẩn và virus, làm chỗ ngồi của bạn thông thoáng và dễ chịu hơn.
Theo USA TODAY, ông Henry Harteveldt, nhà phân tích và cố vấn ngành công nghiệp du lịch đang công tác tại Tập đoàn Atmosphere Research ở San Francisco – Mỹ, cũng là người thường xuyên di chuyển bằng máy bay, chia sẻ rằng ông luôn mở các lỗ thông hơi ở chỗ ngồi trên máy bay của mình để làm lưu thông không khí trên mỗi chuyến bay, giúp ông có hành trình bay khỏe mạnh hơn.
3. Hạn chế dùng khẩu trang và găng tay cao su trên máy bay
Khẩu trang đã được chứng minh là giúp ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ những người bệnh. Tuy nhiên, lạm dụng hoặc “thần thánh hóa” khẩu trang lại là không đúng. Sau quá trình sử dụng, khẩu trang chứa khá nhiều vi khuẩn và virus. Khi hơi thở chứa ẩm bám vào khẩu trang sẽ tạo môi trường lý tưởng cho chúng sinh sôi.
Trong khi đó, găng tay không hề an toàn, mà ngược lại, chúng là vật dụng tiềm ẩn rủi ro gây bệnh cao vì tiếp xúc trực tiếp với các mầm bệnh, vi khuẩn và virus. Nếu không xử lý đúng cách, gang tay sẽ là nguồn lây nhiễm nguy hiểm. Đồng thời, sử dụng găng tay quá lâu sẽ khiến bàn tay ra mồ hôi, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Như vậy, khẩu trang và găng tay tuy có thể giúp bạn tránh bị nhiễm virus, nhưng lại vô tình làm virus lây lan nhanh hơn nếu chúng bám được vào bề mặt của các vật dụng đó. Bác sĩ David Powell nhấn mạnh, việc ít sử dụng khẩu trang và găng tay trên máy bay lại giúp giảm nhiều nguy cơ virus, vi khuẩn bám dính và lây lan.
4. Thường xuyên rửa sạch bàn tay
Thay vì đeo khẩu trang và găng tay y tế trên máy bay, biện pháp tốt nhất mà bác sĩ Powell đưa ra để phòng, tránh dịch Covid-19 là thường xuyên rửa tay sau khi tiếp xúc với mọi người; lấy tay che miệng hoặc sử dụng tay áo để che mặt khi ho hoặc hắt hơi, hoặc khi có ai đó ho hoặc hắt hơi trước mặt bạn. Nếu không có các dung dịch rửa tay chuyên dụng, các loại nước rửa tay khô hoặc chất khử trùng có cồn cũng rất hữu ích.
Bác sĩ E Hanh Le, Giám đốc Trang báo điện tử về y tế nổi tiếng thế giới “healthline.com” có văn phòng trụ sở tại Mỹ, cũng khẳng định: “Hãy rửa tay với xà phòng ít nhất 20 giây ngay sau khi bạn tiếp xúc với những vật dụng nơi công cộng như nhà ga, sân bay, quầy check-in để đảm bảo loại bỏ hết vi khuẩn, virus qua quá trình tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật khác.”
“Một trong những cách quan trọng nhất để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh là rửa tay thật sạch”, giáo sư David Heymann, chuyên gia dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, cho biết trong một cuộc họp báo tại Luân Đôn, Anh hồi đầu tháng 2/2020.
5. Tận hưởng chuyến bay với tâm lý thoải mái
Theo trang thepointsguy.com, trong buổi phỏng vấn với Tiến sĩ Wai Haung Yu, hiện là Giáo sư trợ lý về bệnh học và sinh học tế bào (thuộc Viện nghiên cứu bệnh Alzheimer và lão hóa não) tại Trung tâm Y tế đại học Colombia (Columbia University Medical Center - CUMC), ông đã khuyên hành khách di chuyển bằng máy bay rằng: “Hãy tận hưởng chuyến bay của bạn và đối đãi với bản thân như thể bạn sẽ không bao giờ gặp vấn đề gì về sức khỏe.”
Tâm lý đóng vai trò rất quan trọng đến sức khỏe thể chất của con người. Do đó, thay vì luôn lo sợ mình sẽ gặp vấn đề gì đó, hãy thoải mái tận hưởng chuyến bay của mình sau khi đảm bảo rằng bạn đã tuân những các lời khuyên từ bác sĩ.