Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2019, giá mủ cao su nguyên liệu tại Đắk Lắk có xu hướng tăng. Ngày 30/9/2019, tại Đắk Lắk giá thu mua mủ cao su nước tại vườn và nhà máy đạt lần lượt 245 Đ/độ TSC và 250 Đ/độ TSC, giảm tới 25 Đ/độ TSC so với cuối tháng 8/2019.
Ước tính, xuất khẩu cao su trong tháng 9/2019 đạt 160 nghìn tấn, trị giá 209 triệu USD, giảm 11,8% về lượng và giảm 14,3% về trị giá so với tháng 8/2019, nhưng tăng 5% về lượng và tăng 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su ước đạt 1,12 triệu tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng 9% về lượng và tăng 7,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Trên thị trường thế giới, trong tháng 9/2019, giá cao su trên thị trường thế giới biến động không đồng nhất, so với cuối tháng 8/2019, giá tại TOCOM tăng nhẹ, trong khi tại Thượng Hải và Thái Lan giá giảm nhẹ.
Giá cao su trên thị trường giảm trong những phiên giao dịch gần đây do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc lại có dấu hiệu gia tăng, gây quan ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu và giá dầu thô giảm cũng có tác động bất lợi đến giá cao su tự nhiên. Cùng với đó, thị trường cao su còn chịu áp lực bởi sự trì trệ của thị trường ô tô.
Cơ cấu chủng loại cao su xuất khẩu gần đây đã có những thay đổi phù hợp hơn với nhu cầu thị trường thế giới. Theo đó, xuất khẩu các chủng loại mủ cao su tiêu thụ thông dụng trên thế giới dùng để sản xuất lốp ô tô như SVR 10 và SVR 20 có xu hướng tăng trưởng khả quan. Đây là 2 chủng loại cao su chiếm hơn 60% lượng tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ lệ mủ khối SVR 3L, một loại cao su sơ chế phổ biến vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Để phát huy hết tiềm năng, ngành cao su cần tiếp tục thay đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng mủ SVR 10, SVR 20..., giảm tỷ trọng mủ cao su SVR 3L.