UAE cho rằng nước này cần được nâng thêm sản lượng khai thác trong thời gian tới thay vì tiếp tục kéo dài thời gian duy trì sản lượng ở mức thấp như hiện nay như kế hoạch do Ả-rập Xê-út và Nga đề xuất. Nếu tuân thủ theo kế hoạch mới thì sản lượng khai thác của UAE sẽ thấp hơn công suất tối đa khoảng 30% từ nay cho đến tháng 12/2022 thay vì đến tháng 4/2022 như kỳ vọng trước đây.
Sự phản đối của UAE về kế hoạch nâng sản lượng khai thác đã khiến phiên họp điều hành chính sách khai thác dầu thô cho tháng 8/2021 và nửa cuối năm nay của liên minh OPEC+ kéo dài sang ngày thứ ba. Điều này cho thấy sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ trong việc đảm bảo lợi ích quốc gia sau thời gian dài cắt giảm mạnh sản lượng khai thác với việc cân bằng giá dầu thô khi nhu cầu sử dụng dầu thô đang tăng mạnh trở lại.
Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga dẫn đầu. Trong đó, UAE là quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ ba trong khối OPEC và là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ 7 thế giới.
Với việc chi phối hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu, những thay đổi trong chính sách khai thác dầu thô của liên minh OPEC+ sẽ chi phối mạnh diễn biến giá dầu thô trong nửa cuối năm nay.
Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết việc kéo dài thời gian duy trì sản lượng thấp là điều tiên quyết hiện nay. Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết “Chúng ta (liên minh OPEC+) cần đáp ứng thực trạng thị trường hiện nay cũng như duy trì khả năng phản ứng với những vấn đề xảy ra trong tương lai. Nếu như ai cũng muốn nâng sản lượng khai thác thì chúng ta bắt buộc phải kéo dài thời gian duy trì sản lượng khai thác ở mức thấp”.
Phát biểu của Hoàng tử Abdulaziz bin Salman ngụ ý đến khả năng Iran và Venezuela có thể đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô trong tương lai gần. Iran đang đàm phán với Hoa Kỳ và các cường quốc hạt nhân trên thế giới về một thoả thuận hạt nhân mới; nếu thoả thuận này đạt được, Iran sẽ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và gia tăng đáng kể lượng dầu thô xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nhấn mạnh “Chúng ta đã nỗ lực trong 14 tháng qua và đạt được những kết quả tuyệt vời, sẽ thật đáng xấu hổ nếu như những kết quả này không được duy trì. Sự thoả hiệp và tuân thủ là điều cần thiết để giúp chúng ta thành công”.
Nhằm ngăn chặn giá dầu thô sụp đổ dưới các tác động của đại dịch Covid-19, liên minh OPEC+ đã thống nhất cắt giảm sản lượng khai thác ở mức cao kỷ lục 10 triệu thùng/ngày trong suốt giai đoạn từ tháng 4/2020 – 4/2021. Liên minh OPEC+ đã bắt đầu nâng dần sản lượng khai thác trở lại kể từ tháng 5/2021.
Bên cạnh thị trường dầu mỏ, Ả-rập Xê-út hiện đang thách thức vị trí thống trị của UAE trong khu vực đối với lĩnh vực dịch vụ kinh doanh và du lịch. Ả-rập Xê-út hiện tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ như cách UAE đã thực hiện thành công trong những năm gần đây.
Việc Ả-rập Xê-út công khai chỉ trích UAE có thể khiến những bất đồng nội bộ liên minh OPEC+ trở nên căng thẳng hơn. Một số nhà phân tích nhận định đây là bài kiểm tra quan trọng cho thấy liệu Ả-rập Xê-út muốn duy trì sự gắn kết giữa các thành viên trong liên minh kiểm soát giá dầu thô đến đâu. UAE có thể rời bỏ khỏi liên minh như cách Nga đã làm hồi tháng 3/2020 khi những bất đồng về chính sách khai thác dầu thô nổ ra.