Chốt phiên giao dịch ngày 2/7 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai tiếp tục tăng 33 cents lên 76,17 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm nhẹ 7 cents về mức 75,16 USD/thùng. Trong phiên giao dịch ngày 1/7, giá dầu thô Brent đã tăng 1,6% và giá dầu thô WTI tăng tới 2,4%, chạm mức giá cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Giá dầu thô được giữ tương đối ổn định trong phiên giao dịch cuối tuần này khi thị trường tập trung quan sát diễn biến phiên họp chính sách điều hành khai thác dầu thô của liên minh OPEC+ đang diễn ra. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga dẫn đầu.
Phiên họp của liên minh OPEC+ hiện đã phải kéo dài sang ngày thứ 2 sau khi Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) phản đối kế hoạch nâng sản lượng khai thác do Nga và Ả-rập Xê-út đề xuất vốn đã được các quốc gia thành viên khác đồng ý.
UAE hiện là quốc gia khai thác dầu thô lớn thứ 3 trong khối OPEC và quốc gia này đang yêu cầu liên minh OPEC+ cần hạ thấp hơn nữa mức sản lượng khai thác dự kiến sẽ tăng thêm trong thời gian tới. Trước đó, các thông tin cho thấy liên minh OPEC+ có thể nâng mức sản lượng khai thác hiện tại lên thêm 0,4 triệu thùng/ngày kể từ tháng 8 – tháng 12/2021.
Hiện vẫn chưa rõ liên minh OPEC+ sẽ làm thế nào để thực hiện kế hoạch khai thác mới nếu như UAE không đồng ý với kế hoạch này; thông thường, các kế hoạch khai thác của liên minh OPEC+ đều cần sự chấp thuận của tất cả các quốc gia thành viên. Giới phân tích nhận định tình huống này sẽ cho thấy liệu Ả-rập Xê-út có quyết tâm duy trì tính đoàn kết của liên minh hay không.
Ông Louise Dickson, chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ tại hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy), cảnh báo “Nếu như liên minh OPEC+ bất đồng và tan vỡ, thị trường dầu mỏ có thể chứng kiến tình trạng giá dầu thô lao dốc tương tự như trường hợp Nga rời liên minh OPEC+ sau phiên họp diễn ra hồi tháng 3/2020, khởi đầu cho cuộc chiến giá dầu thô sau đó”.
Đà tăng của giá dầu thô Brent trong tuần này đã hạ nhiệt khi thị trường lo ngại việc đại dịch Covid-19 với các biến chủng mới tái bùng phát nghiêm trọng tại khu vực Châu Á và bắt đầu xuất hiện tại Châu Âu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu.
Tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, các quan điểm chính trị về dầu thô đang thay đổi đáng kể trong thời gian gần đây. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden hiện đang đẩy mạnh việc thực hiện các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và chống biến đổi khí hậu. Ông Joe Biden đã đặt mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí phát thải của Hoa Kỳ vào năm 2030 và trở thành nền kinh tế trung hoà carbon vào năm 2050.
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, hoạt động khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ đã bùng nổ và đưa nước này trở thành quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới, nắm quyền chi phối lớn hơn trên thị trường dầu mỏ. Sự trỗi dậy của Hoa Kỳ trên thị trường dầu mỏ cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hai cuộc chiến giá dầu thô gần đây.
Ông Donald Trump cũng được xem là nhân tố tác động lớn đến thị trường dầu mỏ khi thường xuyên yêu cầu Ả-rập Xê-út, quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ tại khu vực Trung Đông, cần giữ giá dầu thô ở mức chấp nhận được.
Trưởng ban chiến lược thị trường toàn cầu Helima Croft của tập đoàn ngân hàng RBC (Canada) nhận định các chiến lược ngoại giao dầu thô của Hoa Kỳ hiện nay đã thay đổi và vẫn chưa rõ liệu chính quyền của Tổng thống Joe Biden có để khối OPEC tự do nâng giá dầu thô lên mức quá cao hay không.
Tuy nhiên, một bộ phận giới phân tích nhận định giá dầu thô cũng có thể bật tăng mạnh nếu như mức tăng sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ ở mức thấp. Mức giá dầu thô hiện nay đang phản ánh kỳ vọng liên minh OPEC+ sẽ nâng sản lượng khai thác thêm 500.000 thùng/ngày.
Trong ngày 29/6, Uỷ ban Kỹ thuật của liên minh OPEC+ đã dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô trong nửa cuối năm nay sẽ tăng mạnh thêm 5 triệu thùng/ngày và lượng tồn trữ dầu thô trên toàn cầu sẽ giảm xuống. Nguồn cung dầu thô sẽ thiếu khoảng 2,2 triệu thùng/ngày so với nhu cầu sử dụng trên toàn cầu trong quý 4/2021.