Cụ thể, giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) giao ngay tại khu vực Châu Á trong tuần này đã đạt trên 13 USD/mmBtu – mức cao nhất vào thời điểm này kể từ năm 2013. Mức giá bán buôn khí LNG tại Hà Lan và Hoa Kỳ hiện cũng đã ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Ngân hàng đầu tư Liberum (Anh) nhận định sự phục hồi nhu cầu sử dụng khí LNG trên toàn cầu sau đại dịch Covid-19 cùng với một loạt tác động ngoại cảnh đã ảnh hưởng đến nguồn cung khí LNG trên toàn cầu và đẩy giá mặt hàng này tăng mạnh từ đầu năm đến nay trên tất cả các thị trường chính.
Dữ liệu cho thấy lượng khí LNG được Nhật Bản nhập khẩu trong tháng 6 vừa qua đã đạt 6,01 triệu tấn, tăng 18% so với hồi tháng 5 và chạm mức cao nhất trong 3 tháng trở lại đây. Các nhà máy điện tại Nhật Bản hiện đang nỗ lực đảm bảo cung ứng đủ điện khi nhiệt độ mùa hè tại nước này cao hơn so với trung bình các năm trước cũng như phục vụ nhu cầu năng lượng khi Olympic Tokyo 2020 diễn ra vào ngày 23/7 tới đây.
Lượng khí LNG được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 6/2021 đạt 6,4 triệu tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Một hãng giao dịch khí LNG tại Singapore cho biết Trung Quốc đang tích cực tăng cường tích trữ lượng khí đốt cho năm nay bất chấp việc giá giao ngay hiện tại đang ở mức cao hơn nhiều so với mức giá bán buôn khí LNG trên thị trường nội địa Trung Quốc.
Một hãng giao dịch khí LNG tại Trung Quốc cho biết nhiều doanh nghiệp nước này tích cực thu mua dự trữ khí đốt cho mùa đông sắp tới do áp lực phải đảm bảo an ninh năng lượng. Trong năm ngoái, việc dự báo sai nhu cầu đã khiến Trung Quốc đối mặt tình trạng thiếu hụt khí đốt trầm trọng và đẩy giá khí LNG giao ngay lên đến trên 30 USD/mmBtu.
Tại Hoa Kỳ, giá khí tự nhiên giao tương lai trong tuần này đã chạm mức cao nhất trong vòng 30 tháng trở lại đây với dự báo nhu cầu sử dụng điện để làm mát tại nước này sẽ tăng vọt so với mức bình thường trong vòng 2 tuần tới. Khu vực miền Tây Canada và Tây Bắc Hoa Kỳ đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục với những mức nhiệt cao chưa từng có.
Mức giá khí tự nhiên giao tương lai Dutch TTF tại khu vực Châu Âu cũng đạt mức cao kỷ lục 36,25 EUR/MWh. Dự báo thời tiết cho thấy nhiệt độ mùa hè năm nay tại Châu Âu sẽ đạt mức cao nhất chưa từng thấy kể từ năm 2019.
Giới phân tích nhận định việc giá khí tự nhiên giao ngay tại khu vực Châu Á ở mức cao kỷ lục đang khiến nguồn cung khí toàn cầu đổ dồn về khu vực Châu Á. Điều này càng khiến mức tồn trữ khí tại các khu vực khác như Châu Âu giảm mạnh. Châu Âu cũng đang đối mặt với việc thiếu hụt nguồn cung khi một số đơn vị cung cấp khí lớn tại đây tiến hành bảo dưỡng.