Theo các nhà phân tích năng lượng, Ả-rập Xê-út có lẽ được xem là kẻ chiến thắng trong cuộc chiến giá dầu thô lần này qua việc giá dầu thô tại Hoa Kỳ sụp đổ, lần đầu tiên trong lịch sử xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng trong ngày 20/4 và hiện vẫn đang ở mức rất thấp.
“Chiến thắng” của Ả-rập Xê-út đến khi thị trường đang tràn ngập dầu thô, các kho chứa dầu thô trên toàn cầu được dự báo sẽ bị lấp đầy trong vài tuần tới và đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục khiến nhu cầu sử dụng dầu thô trên toàn cầu sụt giảm mạnh.
Cú sốc giá dầu ngày 20/4
Yếu tố kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2020 giảm xuống mức -37,63 USD/thùng vào ngày 20/4. Hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 5/2020 hết hạn giao dịch vào ngày 21/4 do đó khi thị trường mở cửa giao dịch vào ngày 20/4, giới đầu tư đang nắm giữ loại hợp đồng này đã tìm mọi cách để tất toán trạng thái giao dịch. Áp lực cắt lỗ cộng hưởng với các áp lực khác đã tồn tại sẵn trên thị trường, sức ép giảm giá lên dầu thô tháng 5/2020 đã được “phóng đại” lên nhiều lần.
Giá dầu thô WTI là mức giá chuẩn cho dầu thô được khai thác tại Hoa Kỳ. Với mức giá -37,63 USD/thùng đồng nghĩa với việc người bán sẽ phải trả cho người mua gần 60 USD/thùng, bao gồm 37,63 USD/thùng giá trị hợp đồng hiện tại và 20 USD/thùng giá trị hợp đồng ban đầu, để dầu thô WTI được đem đi. Thị trường hiện tập trung quan sát diễn biến giá dầu thô WTI giao tháng 6/2020, hợp đồng dầu thô hiện được giao dịch nhiều nhất trên thị trường.
Giá dầu thô WTI giao tháng 6/2020 hiện phản ánh diễn biến thị trường gần thực tế hơn do loại bỏ yếu tố cận ngày hết hạn như trường hợp của giá dầu thô WTI giao tháng 5/2020. Chốt phiên giao dịch ngày 21/4, giá dầu thô WTI giao tháng 6/2020 đạt 11,57 USD/thùng, giảm tới 43% so với phiên giao dịch trước đó.
Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tháng 6/2020 giảm 24% xuống mức 19,33 USD/thùng. Giá dầu thô Brent được sử dụng rộng rãi hơn trên thị trường quốc tế để làm mức giá chuẩn cho các giao dịch dầu thô.
Cuộc chiến giá dầu và nạn nhân Hoa Kỳ
Cuộc chiến giá dầu thô giữa Ả-rập Xê-út và Nga bùng phát hồi đầu tháng 3/2020 không chỉ đơn thuần là sự cạnh tranh thị phần và bất đồng về cắt giảm sản lượng khai thác giữa Ả-rập Xê-út và Nga mà còn gián tiếp nhắm đến “kẻ thù chung” – ngành dầu mỏ của Hoa Kỳ, đặc biệt là ngành khai thác dầu đá phiến. Ả-rập Xê-út và Nga đã có hơn 3 năm sát cánh bên nhau trong việc kiểm soát thị trường dầu mỏ thế giới thông qua việc hình thành liên minh OPEC+.
Trong thời gian dài, Ả-rập Xê-út và Nga đều coi ngành khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ là đối thủ tiềm tàng cạnh tranh với hoạt động khai thác dầu truyền thống của hai nước này. Nhờ sự bùng nổ của công nghệ khai thác dầu đá phiến, sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ đã gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây và dần vượt Ả-rập Xê-út và Nga để trở thành quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới.
Trong tháng 9/2019, lần đầu tiên kể từ năm 1949, Hoa Kỳ đạt trạng thái xuất khẩu ròng dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ. Lượng xuất khẩu dầu mỏ ròng của Hoa Kỳ đạt 771.000 thùng/ngày trong tháng 11/2019, dự kiến sẽ đạt mức 1,16 triệu thùng/ngày trong năm 2021, theo dự báo của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) đưa ra trước khi xảy ra cú sốc giá dầu ngày 20/4.
Hoa Kỳ hiện cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô sang khu vực Châu Á – thị trường chiến lược của Ả-rập Xê-út và Nga.
Trong cuộc chiến giá dầu giữa Ả-rập Xê-út và Nga, các hãng khai thác dầu đá phiến Hoa Kỳ là những nạn nhân sớm nhất do đa phần các hãng này đều cần giá dầu thô tại mức ít nhất 68 USD/thùng để đạt điểm hoà vốn; giá dầu thô xuống càng thấp thì mức lỗ càng tăng mạnh. Trong khi đó, mức hoà vốn khai thác của Ả-rập Xê-út chỉ là 17 USD/thùng và với Nga là 31,90 USD/thùng.
Bên cạnh đó, đa phần các hãng khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ mở rộng tăng trưởng trong những năm qua là nhờ gia tăng vay nợ. Các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ đang gánh số nợ lớn, với 86 tỷ USD nợ đến hạn thanh toán trong vòng 4 năm tới, 55% trong số nợ này sẽ cần thanh toán trong 2 năm nữa, theo hãng xếp hạng tin nhiệm Moody’s. Đặc biệt, gần như toàn bộ số nợ này đều là nợ xấu.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu giá dầu thô tiếp tục đi xuống trong thời gian dài thì nhiều doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ sẽ không tiếp cận được các khoản vay mới để duy trì sản xuất và buộc phải phá sản hoặc sát nhập.
Hãng Rystard Energy cho biết, với mức giá 20 USD/thùng thì sẽ có 533 doanh nghiệp khai thác và sản xuất dầu thô tại Hoa Kỳ phải nộp đơn phá sản vào cuối năm 2021. Nếu giá xuống còn 10 USD/thùng thì số doanh nghiệp phá sản này sẽ tăng lên hơn 1.100 doanh nghiệp. Con số dự báo này chưa tính đến việc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ dầu khí sẽ chịu thua lỗ nặng khi mất đi các khách hàng hiện tại.
Ả-rập Xê-út – Kẻ chiến thắng
Nhận định về diễn biến giá dầu thô trong những ngày vừa qua, ông Dave Ernsberger, trưởng ban định giá hàng hoá toàn cầu tại hãng tư vấn thị trường S&P Global Platts, cho biết “Cả Ả-rập Xê-út và Nga đều giành chiến thắng trong cuộc chiến giá dầu thô lần này, mặc dù đây là một chiến thắng “cắt cổ” khi cả Ả-rập Xê-út và Nga đều phải trả giá đắt”.
Trong khi đó, ông Christian Male, trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phiếu dầu và khí gas tại ngân hàng đầu tư JP Morgan, cho biết “Đến phút cuối Ả-rập Xê-út là kẻ chiến thắng. Ả-rập Xê-út đã kịp xuất khẩu dầu thô đến những nơi có nhu cầu trước khi đồng ý thoả thuận cắt giảm sản lượng”.
Trước áp lực giải cứu ngành dầu khí, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gia tăng áp lực, tích cực xúc tiến Ả-rập Xê-út và Nga ký kết thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác vào ngày 12/4 với mức cắt giảm lớn nhất lịch sử liên minh OPEC+, giảm gần 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Tuy nhiên, các dữ liệu cho thấy, trong 1 tháng diễn ra cuộc chiến giá dầu thô với Nga, Ả-rập Xê-út đã đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô đến rất nhiều khách hàng trên toàn cầu. Trong tháng 3/2020, lượng xuất khẩu dầu thô của Ả-rập Xê-út đến Hoa Kỳ đạt hơn 800.000 thùng/ngày, tăng 227% so với hồi tháng 2/2020. Tính chung cả tháng 3/2020, Ả-rập Xê-út xuất khẩu sang Hoa Kỳ 25 triệu thùng dầu, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018.
Dữ liệu của trang TankerTrackers.com – theo dõi hành trình của các tàu chở dầu cho thấy lượng dầu thô được Ả-rập Xê-út xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong 2 tuần đầu của tháng 4 đã đạt mức 1,46 triệu thùng/ngày – mức cao nhất kể từ năm 2014. Tập đoàn khai thác dầu thô quốc doanh Ả-rập Xê-út Saudi Aramco cho biết, chỉ riêng trong ngày 1/4, hãng này đã xuất 15 lô hàng dầu cho các khách hàng quốc tế với tổng mức xuất đạt 18,8 triệu thùng, mức xuất khẩu cao kỷ lục trong 1 ngày.
Trong khi đó, thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ sẽ chỉ bắt đầu kể từ tháng 5/2020. Giới phân tích nhận định giải pháp duy nhất để cứu thị trường dầu mỏ hiện nay là các quốc gia khai thác dầu thô cần đẩy mạnh cắt giảm sản lượng hơn nữa để tương ứng với sự sụt giảm nhu cầu sử dụng trên toàn cầu và điều này phần lớn phụ thuộc vào Ả-rập Xê-út và liên minh OPEC+.
Việc giá dầu thô WTI nói riêng và giá dầu thô nói chung sụt giảm nghiêm trọng giúp Ả-rập Xê-út gia tăng tiếng nói của mình trong các mối quan hệ với Hoa Kỳ tại khu vực Trung Đông.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Cyril Widdershoven, chuyên gia tư vấn cấp cao thị trường dầu mỏ, cho biết các cuộc khủng hoảng dầu mỏ và khí gas vào những năm 1980 và 2010 cho thấy việc các hãng khai thác dầu thô bị phá sản và lao động ngành dầu khí bị mất việc diện rộng khiến cho việc phục hồi của ngành dầu mỏ sau khi khủng hoảng qua đi gặp nhiều khó khăn.
Với việc độ tuổi trung bình của người lao động ngành dầu khí Hoa Kỳ ở mức trên 45 tuổi, thì việc bị sa thải lần này đồng nghĩa với việc hiếm người sẽ quay trở lại lĩnh vực làm việc cũ. Bên cạnh đó, việc các hãng khai thác dầu thô phá sản kéo theo đó là các hãng dịch vụ dầu khí, đặc biệt là các hãng dịch vụ quy mô vừa và nhỏ; điều này cũng khiến ngành công nghiệp mất đi “lượng chất xám” vốn đã phải tích luỹ qua nhiều năm. Khi nhu cầu sử dụng dầu thô tăng trở lại thì ngành dầu mỏ Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn để nắm bắt cơ hội, Tiến sĩ Cyril Widdershoven nhận định.