ADB: Khai trương trung tâm năng lượng bền vững khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Ngày 18/6/2014, tại Diễn đàn Năng lượng Sạch châu Á lần thứ 9 đã chứng kiến lễ khai trương Trung tâm Năng lượng Bền vững cho mọi người ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm huy động các nguồn vốn đ

Ông Bindu Lohani, Phó Chủ tịch của ADB phụ trách về Quản lý Tri thức và Phát triển Bền vững, phát biểu: “Khu vực châu Á đang phát triển là mái nhà của đa số những người dân không được cung cấp đủ năng lượng trên thế giới, với trên 600 triệu người không được cung cấp điện và khoảng 1,8 tỷ người vẫn còn sử dụng các nguồn nhiên liệu như củi và than để nấu nướng và sưởi ấm. Nhưng chúng ta có thể vượt qua tình trạng thiếu thốn năng lượng đó thông qua các nguồn năng lượng bền vững ít phát thải khí các-bon và thông qua trung tâm mới này chúng ta sẽ mời gọi các nhà đầu tư, các nhà sáng chế và các chuyên gia ngồi lại với nhau để biến điều đó thành hiện thực”.

Trung tâm này là một mối quan hệ đối tác giữa Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đơn vị sẽ quản lý và tổ chức cơ sở vật chất, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (UNESCAP) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).

Đây là một trong số ba trung tâm khu vực theo Sáng kiến Năng lượng Bền vững cho mọi người được triển khai trên toàn cầu do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đưa ra với ba mục tiêu cần đạt được vào năm 2030: đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng hiện đại trên toàn thế giới; tăng gấp đôi tốc độ cải thiện chỉ số hiệu suất năng lượng trung bình năm trên toàn cầu; và tăng gấp đôi tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng toàn cầu.

Trung tâm sẽ thúc đẩy những cơ chế hiện tại theo các chương trình năng lượng của ADB, UNDP và ESCAP, đồng thời hỗ trợ các quốc gia thực hiện các đánh giá nhanh, xây dựng các đối thoại chính sách mang tính xây dựng và làm xúc tác cho các khoản đầu tư, huy động các nguồn vốn song phương và đa phương cho việc phát triển năng lượng sạch.

Nhu cầu năng lượng của châu Á đang tăng mạnh do các nền kinh tế trong khu vực đang phát triển nhanh chóng và người dân đổ về các thành phố nơi nhu cầu sử dụng năng lượng cao hơn. Đến năm 2035, khu vực châu Á đang phát triển sẽ chiếm đến 56% nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp trên toàn thế giới so với tỷ lệ 34% vào năm 2010. Điều này cần phải được đáp ứng bằng cách tăng việc sử dụng năng lượng tái tạo và đạt được hiệu suất sử dụng năng lượng lớn hơn nếu như muốn bảo vệ được môi trường.

Tổ chức Năng lượng Quốc tế ước tính khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần một lượng vốn đầu tư trên 200 tỷ USD để đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ với các nguồn năng lượng vào năm 2030.

Diễn đàn Năng lượng Sạch châu Á lần thứ 9 tổ chức tại trụ sở chính của ADB tại Ma-ni-la từ ngày 16 đến ngày 20/6 để thảo luận về vấn đề phát triển năng lượng bền vững trong khu vực. Một diễn đàn đối thoại cấp cao bao gồm bộ trưởng năng lượng của Bu-tan, Nhật Bản, Man-đi-vơ, Phi-líp-pin và Ta-di-ki-xtan sẽ thảo luận về 3 mặt của vấn đề năng lượng: tính kinh tế, tính bền vững và an ninh năng lượng.

Trong các cuộc gặp trước diễn đàn, ADB đã ký một bản ghi nhớ với Tổ chức Năng lượng Tái tạo Quốc tế có trụ sở tại Abu Dhabi để chia sẻ kiến thức về các giải pháp năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Tiếp cận với năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả là những ưu tiên của ADB. Năm 2013, ADB đã đầu tư 2,3 tỷ USD cho năng lượng sạch và đã cam kết sẽ tiếp tục đầu tư với mức ít nhất là 2 tỷ USD mỗi năm.