Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Công ty TNHH GreenYellow Smart Solutions Việt Nam (GreenYellow) mới đây đã ký một hiệp định vay trị giá 13,8 triệu USD cho các hệ thống quang điện mặt trời áp mái nhằm giúp tăng nguồn cung năng lượng sạch với giá cả phù hợp cho các khách hàng kinh doanh và sản xuất ở Việt Nam.
Khoản vay này sẽ hỗ trợ việc xây dựng và vận hành các hệ thống quang điện đặt trên mái của các cơ sở kinh doanh và sản xuất trên khắp cả nước.
Hỗ trợ nguồn lực phát triển các công trình điện mặt trời
Gói tài trợ bao gồm khoản vay loại A trị giá 3 triệu USD từ quỹ nguồn vốn thông thường của ADB và các khoản vay song song trị giá 10,8 triệu USD từ FMO, Quỹ responsAbility và Société Générale, do ADB là bên chủ trì thu xếp.
Một khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 3 triệu USD cũng sẽ được cung cấp từ Quỹ Đổi mới khí hậu và phát triển (CIDF) do ADB quản lý. Khoản viện trợ sẽ giúp thu hút sự tham gia của một ngân hàng thương mại quốc tế thông qua giải quyết hai rào cản quan trọng đối với việc tài trợ các công trình điện mặt trời có vòng đời kinh tế lâu dài ở Việt Nam: thiếu nguồn tài trợ bằng tiền đồng trong dài hạn với mức lãi suất cố định, và khả năng biến động tiềm tàng của tỷ giá hối đoái giữa tiền đồng và USD.
Bà Suzanne Gaboury, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ Khu vực tư nhân của ADB, cho biết: Với vai trò là ngân hàng tài trợ khí hậu của Châu Á và Thái Bình Dương, ADB ngày càng tập trung vào việc huy động nguồn vốn tư nhân để tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo mà khu vực đang rất cần. Điện mặt trời áp mái là một giải pháp hiệu quả để Việt Nam hiện thực hóa khối lượng đáng kể công suất năng lượng tái tạo bổ sung, trong khi cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy với chi phí thấp cho người tiêu dùng, giúp thu hút và duy trì hoạt động kinh doanh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam.
Đây là khoản tài trợ đầu tiên của ADB trong danh mục đầu tư điện mặt trời áp mái dành cho phân khúc kinh doanh và sản xuất tại Việt Nam. Điện mặt trời áp mái là một hình thức cung cấp năng lượng tái tạo mới nổi ở Việt Nam; việc áp dụng trong phân khúc khách hàng này gặp trở ngại do chi phí đầu tư cao và các kênh tài trợ hạn chế.
Tăng nguồn cung năng lượng sạch cho sản xuất kinh doanh
Với tổng công suất lắp đặt theo kế hoạch lên tới 32,3 MW lúc cao điểm, dự kiến dự án sẽ tăng nguồn cung năng lượng sạch cho phân khúc này thêm ít nhất 31,5 GW giờ mỗi năm, giảm 15.530 tấn khí thải carbon vào năm 2025.
Ông Sebastien Prioux, Tổng Giám đốc điều hành GreenYellow Việt Nam, chia sẻ: Hoạt động kinh doanh cốt lõi của chúng tôi có cam kết mạnh mẽ đối với tác động phát triển, và hoạt động hợp tác của chúng tôi với ADB đặc biệt phù hợp với sứ mệnh của công ty là hướng tới phân phối điện năng theo cách đổi mới và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, nhằm hỗ trợ kết nối các đối tác trong hành trình chung tích cực thúc đẩy phát triển bền vững.
Quỹ Đổi mới khí hậu và phát triển (CIDF) là một quỹ tài chính hỗn hợp do ADB quản lý, được thành lập vào tháng 9/2021 với cam kết tài trợ từ thiện ban đầu trị giá 25 triệu USD từ Quỹ từ thiện Bloomberg Philanthropies và Goldman Sachs. CIDF có tiềm năng huy động tới 500 triệu USD vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và chính phủ để hỗ trợ phát triển kinh tế carbon thấp bền vững.
Trong khi đó, GreenYellow được thành lập vào năm 2007, là đối tác chuyển đổi năng lượng của Pháp, chuyên về sản xuất điện mặt trời phi tập trung và các dịch vụ giám sát, lưu trữ và tiết kiệm năng lượng. Công ty hiện hoạt động tại 16 quốc gia trên khắp châu Á, châu Phi, châu Âu, Nam Mỹ và hoạt động tại Việt Nam từ năm 2019. GreenYellow chịu trách nhiệm phát triển, cấp vốn và vận hành các dự án cơ sở hạ tầng, cho phép khách hàng của mình sản xuất điện xanh tại chỗ với giá cả cạnh tranh, giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng và đẩy nhanh quá trình khử carbon.