AEC: Không hàng rào thuế quan nhưng vẫn còn các biện pháp phi thuế

Theo Hiến chương ASEAN có hiệu lực từ tháng 12/2008, mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN trên nền tảng ba trụ cột: Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN (APSC) và Cộng đ

Theo đó, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015, được coi là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á, hòa nhập nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một khối sản xuất thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỉ USD.

Theo ông Hoàng Văn Phương - Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), về cơ bản, khi thành lập AEC sẽ không còn hàng rào thuế quan. Như vậy, thị trường ASEAN với trên 600 triệu dân sẽ thông thương. Tuy nhiên, các nước vẫn có quyền đánh thuế nội địa như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt. Các nước cũng có quyền quy định về tiêu chuẩn hàng hóa, đưa các biện pháp vì mục tiêu an toàn sức khỏe con người, động vật, thực vật bảo vệ môi trường... còn gọi là các biện pháp phi thuế trên cơ sở không phân biệt đối xử. Về lao động, AEC sẽ cho phép các nhà đầu tư, lao động chuyên môn có tay nghề được di chuyển tự do có điều kiện để tìm kiếm cơ hội đầu tư, cung cứng dịch vụ theo hợp đồng. Nhưng các nước vẫn có quyền quy định riêng về xuất nhập cảnh, về thị trường lao động, về quyền công dân và tạm trú, thường trú...

Việc hình thành AEC vào năm 2015 được đánh giá sẽ góp phần đưa ASEAN thực hiện 4 trụ cột chính gồm: Cơ bản xóa bỏ hàng rào thuế quan; đạt được mức độ đáng kể trong việc xóa bỏ các hạn chế, phân biệt đối xử trong lĩnh vực dịch vụ đầu tư, di chuyển con người; có một nền tảng vững chắc trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển; đạt được mức độ hội nhập đáng kể với các đối tác FTA và hợp tác sâu sắc với các đối tác đối thoại khác. Tuy nhiên, việc xây dựng AEC làm một tiến trình tiếp diễn cần tiếp tục rà soát hàng rào phi thuế quan, tiếp tục rà soát, xóa bỏ các ngoại lệ, linh hoạt, bảo lưu của các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, di chuyển con người... Tiếp tục mở rộng các lĩnh vực có ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cấp hội nhập với các đối tác FTA khác...

AEC sẽ giúp xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa những nước thành viên nhưng các rào cản kỹ thuật sẽ xuất hiện nhiều hơn (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, AEC sẽ giúp các doanh nghiệp trong ASEAN mở rộng trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm, tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi lớn, các doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như: cạnh tranh về dịch vụ đầu tư của các nước ASEAN dẫn đến một số ngành, các sản phẩm chịu cạnh tranh, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường.

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để nâng cao vị thế xuất khẩu của Việt Nam hướng tới AEC, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần tận dụng chuỗi cung ứng nguyên vật liệu trong ASEAN, tăng cường cộng gộp xuất xứ ASEAN. Trong đó tập trung hình thành các chuỗi cung cứng nguyên vật liệu, phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ cho các ngành dệt may, da giày, linh kiện điện tử, phụ tùng... Đồng thời, các doanh nghiệp cũng lưu ý tổ chức sản xuất theo hướng tận dụng nguồn nguyên liệu từ ASEAN cũng như tăng cường xuất khẩu sang ASEAN. Về phía doanh nghiệp, cơ hội đến từ quy mô thị trường nhưng thách thức cạnh tranh cũng đến từ nhiều nước khác. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng các nền tảng thương mại để mở ra liên kết, xúc tiến thương mại và đầu tư. Các doanh nghiệp cần cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua các nỗ lực bền bỉ về cải thiện chất lượng, xây dựng thương hiệu...