Việt Nam thuộc nhóm có tỷ lệ thực hiện các biện pháp xây dựng AEC ở mức cao nhất

Đó là đánh giá của các Bộ trưởng tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á lần thứ 46 (AEM-46). Theo đó, mặc dù là một trong bốn nước gia nhập ASEAN sau nhưng Việt Nam thuộc nhóm

Theo đánh giá tại AEM-46, Việt Nam đã chủ động cùng các nước ASEAN thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy ưu tiên cao nhất hiện nay là xây dựng AEC 2015 và thúc đẩy hợp tác với các nước ngoại khối. Các nước đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc hội nhập ASEAN. Mặc dù là một trong bốn nước gia nhập ASEAN sau, nhưng Việt Nam thuộc nhóm một số ít nước có tỷ lệ thực hiện các biện pháp xây dựng AEC ở mức cao nhất. Cho đến nay, ASEAN đã thực hiện được 82,1% các biện pháp ưu tiên đề ra năm 2013 theo Chương trình nghị sự Phnôm Pênh 2012, nhằm xây dựng AEC 2015. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong hai nước có mức độ thực hiện cao nhất, đạt 90%.

Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, các Bộ trưởng ghi nhận kết quả tích cực về tự do hóa thuế quan mà các nước ASEAN đạt được, quan trọng nhất là việc xóa bỏ thuế nhập khẩu với mức bình quân 89% biểu thuế về mức 0%. Các nội dung hợp tác khác như xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ, cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN, cơ chế hải quan một cửa, hệ thống quá cảnh hải quan, hài hòa hóa các tiêu chuẩn... cũng đạt được nhiều tiến triển tích cực.

Tại “Hội thảo nâng cao vị thế của Việt Nam hướng về Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 và sau 2015”  tổ chức tại Hà Nội, ông Lê Lương Minh - Tổng thư ký ASEAN đánh giá: Hiện nay, ASEAN là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu về thương mại và đầu tư với Việt Nam. ASEAN hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của các doanh nghiệp Việt Nam và là đối tác cung cấp nguồn hàng hóa lớn thứ 2 cho các doanh nghiệp Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với các nước ASEAN năm 2013 đạt 40,1 tỷ USD.

Nhằm tiến tới tự do hóa hoàn toàn về thuế quan, ASEAN đã thống nhất sẽ xóa bỏ toàn bộ thuế quan, đối với ASEAN 6 (gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) vào năm 2010 và với các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) vào năm 2015 với một số linh hoạt đến 2018 (khoảng 7% tổng số dòng thuế).

Chia sẻ trong một hội thảo gần đây tại TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các nước để xây dựng cơ chế vận hành và các vấn đề kỹ thuật khác liên quan đến cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN (ATR). Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển các mạng lưới sản xuất, thương mại trong khu vực, bên cạnh việc cắt giảm thuế quan, các nước ASEAN cũng đang nỗ lực cắt giảm các hàng rào phi thuế quan (NTM). Các nước đang tiếp tục trao đổi về mặt kỹ thuật đối với việc xác định và loại bỏ các hàng rào phi thuế quan này.

Việt Nam cũng đang tích cực triển khai các biện pháp khác để thực hiện cam kết về dịch vụ và đầu tư trong ASEAN để hướng tới hình thành một thị trường đơn nhất, một cơ sở sản xuất và phân phối chung. Thực hiện Quyết định 48/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm cơ chế một cửa quốc gia, ngày 26/2/2014, Việt Nam đã chính thức khởi động hệ thống một cửa quốc gia với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông-Vận tải và Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan). Hiện nay các bộ, ngành có liên quan khác cũng đang chuẩn bị các công việc phục vụ kết nối giai đoạn 2 của Quyết định 48/2011/QĐ-TTg nêu trên. Việt Nam đang cân nhắc để tham gia dự án tự chứng nhận xuất xứ số 2 trong ASEAN.

Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ cho phép các DN được chứng nhận, bao gồm các nhà xuất khẩu, thương nhân, các nhà sản xuất đã chứng minh được khả năng tuân thủ các yêu cầu về xuất xứ để có thể tự xác định rõ nguồn gốc của hàng hóa thay vì phải có giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ cấp.

Tới nay có 5 nước là Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Myanmar đã hoặc sẽ tham gia dự án thí điểm tự chứng nhận thứ nhất (SCPP 1). Indonesia, Lào, Philippines sẽ thực hiện thí điểm tự chứng nhận số 2 (SCPP 2).

Theo các chuyên gia, AEC sẽ giúp các doanh nghiệp trong ASEAN mở rộng trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm, tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi lớn, các doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như: cạnh tranh về dịch vụ đầu tư của các nước ASEAN dẫn đến một số ngành, các sản phẩm chịu cạnh tranh, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường.