Trong công nghệ Bayer, việc tận dụng kiềm tuần hoàn lại sau khi kết tinh và lọc nhôm hydroxit được đưa đi cô đặc, quay lại dây chuyền là một yếu tố rất quan trọng để tính lợi nhuận trong sản xuất.
Tuy nhiên, do đặc điểm địa lý của tỉnh Lâm Đồng với lượng mưa cao đã khiến lượng kiềm trong quá trình sản xuất chưa được tận thu tối đa. Bên cạnh đó, lưu trình công nghệ này còn khiến tiêu hao hơi nước cho việc vận hành trạm Cô đặc còn ở mức cao, việc gia tăng sản lượng alumin gặp nhiều trở ngại. Ngoài ra, Công ty cũng đối mặt nhiều khó khăn trong công tác dừng, sửa chữa bảo dưỡng khi các thiết bị bị đóng bám nhiều.
Thực tiễn trên đã thôi thúc ban lãnh đạo, đội ngũ cán bộ công nhân viên Công ty tìm các giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy. Trong năm 2018, Công ty đã thành lập nhóm cải tiến với mục tiêu nâng cao hiệu quả tách nước của trạm Cô đặc.
Nhóm cái tiến đã nghiên cứu và đề xuất thay đổi lưu trình công nghệ, tiến hành các cải tiến kỹ thuật nhằm giảm tiêu hao hơi nước mới, giảm tiêu hao than cho phân xưởng nhiệt điện, tăng công suất trạm Cô đặc. Sau khi được áp dụng, các cải tiến này đã đem lại những kết quả tích cực, cụ thể:
- Tăng công suất tải cấp liệu trạm cô đặc thêm 72%, lên mức 860 m3/h;
- Giảm tiêu hao hơi nước mới từ 0,26 tấn hơi xuống mức 0,23 tấn hơi/tấn nước;
- Giảm thời gian rửa nước từ 10 ngày/lần xuống còn 60 ngày/lần;
- Giảm thời gian rửa axit từ 6 lần/năm xuống còn 3 lần/năm;
- Sản lượng alumin tăng thêm khoảng 60.000 tấn/năm.
Sáng kiến kỹ thuật này còn giúp Công ty tối ưu hoá công tác vận hành, chủ động bảo dưỡng sửa chữa thiết bị, giúp tăng sản lượng alumin với tổng giá trị làm lợi của sáng kiến đạt hơn 5,4 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, giải pháp này cũng có thể nhân rộng áp dụng tại các đơn vị có dây chuyền công nghệ tương tự như Nhà máy alumin Nhân Cơ, Đắk Nông. Qua đó, đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên Công ty trong việc làm chủ công nghệ sản xuất alumin – ngành công nghiệp mới xuất hiện tại Việt Nam.