Piano: Rẻ và dễ
Âm nhạc càng tiếp xúc sớm càng tốt. Bố mẹ hiện đại hiểu được điều này nên đã sớm cho các em bé của mình làm quen với các nhạc cụ âm nhạc.
Khác với suy nghĩ “gán” piano với sự sang trọng, quý tộc, kén người chơi, thực ra cho trẻ học đàn piano hiện nay lại được xem là dễ và rẻ. Piano khá phổ biến nên cha mẹ dễ tìm lớp, tìm trung tâm, còn trẻ thì dễ chơi, dễ vui và dễ có thành quả. Cũng do sự cạnh tranh này nên các trung tâm, các thầy cô giáo luôn rất chịu khó “chăm sóc khách hàng”. Nhận dạy trẻ từ 4 tuổi - piano là nhạc cụ “thân thiện” hơn cả so với hầu hết các loại nhạc cụ còn lại. Trừ những trường hợp đặc biệt như luyện “gà” để đi thi đấu, còn lại thì piano nên học tại lớp tập thể khoảng từ 10-12 bạn nhỏ để vừa đỡ tốn chi phí lại vừa tạo môi trường cho các con cùng chơi, cùng học, cùng cảm thụ âm nhạc và cùng thi đua. Thế nên tài năng không cần phải xuất chúng, các con đều có thể vui chơi cùng âm nhạc trong những buổi đầu đến lớp và làm quen với những phím đàn.
Để tránh việc “gây áp lực” cho “nghệ sĩ tương lai”, cha mẹ đừng vội mua đàn piano vì tốn rất nhiều tiền. Có thể mua đàn organ cho bước khởi đầu của con, sau 2 năm mà thấy có triển vọng thì hẵng đầu tư hoành tráng.
Các lớp học piano cho trẻ nhỏ thường đan xen các buổi học cảm thụ âm nhạc và kiến thức âm nhạc. Thế là các bạn nhỏ vừa được học đàn vừa được học kiến thức âm nhạc. Xét ở góc độ tài chính thì “nhất cử lưỡng tiện”, học piano rẻ và dễ là vì vậy.
Guitar: nghệ sĩ đường phố
So với piano nhận dạy trẻ từ 4 tuổi “lò thò mũi xanh” thì guitar lại đòi “nghệ sĩ nhí” phải trưởng thành hơn với lứa tuổi từ 6 - 7 trở lên. Còn độ tuổi được xem là tốt nhất để học nhạc cụ này là 12-13.
Điều này lại không phù hợp với các cha mẹ nôn nóng muốn ươm mầm âm nhạc cho các con từ khi còn học mẫu giáo.
Chính vì vậy, giải pháp tình thế là cứ cho các con học piano “chạy chỗ” trước đã, rồi sau đó tính tiếp.
Thật ra các cha mẹ có con học piano rồi đều tâm đắc một điều: Khi đứa trẻ học piano hay bất kể một nhạc cụ nào khác mà đã đạt đến một trình độ nhất định nào rồi, nó sẽ dễ dàng làm quen với một nhạc cụ thứ 2.
Điều này cũng tương tự như học tiếng Anh sau đó học thêm tiếng Pháp và ngược lại vậy.
Và càng ngày càng có nhiều khóa học guitar ứng dụng phù hợp với sở thích của đại đa số người chơi nhạc không chuyên muốn đàn và hát để có thể tham gia các sân chơi văn hóa cho thỏa sức đam mê. Học phí của mỗi khóa cũng rất vừa phải. Các con khi nhỏ được cha mẹ ươm mầm âm nhạc, còn khi là những thanh thiếu niên sẽ lựa chọn học thêm thứ gì mình yêu thích. Điều đó thật tuyệt vời!
Ukulele – mang “hương vị phượt” tới mọi gia đình
Âm nhạc cũng có những “vô lý” của nó. Đàn dương cầm oai vệ, bề thế đến vậy mà bé 4 tuổi đã có thể học. Trong khi đó, chiếc ukulele bé xíu xinh xẻo vậy mà muốn học cũng phải 5 tuổi các trung tâm mới nhận. Chắc là do piano tuy to và nặng như vậy nhưng không phải bê vác, còn ukulele hay guitar, kèn, violon… thì dù nhỏ mấy nhưng lại vẫn phải vác trên tay, nên các “nghệ sĩ nhí” phải đủ sức cái đã rồi mới bàn đến việc đủ lực.
Ngày càng có nhiều em bé được cha mẹ cho học ukulele bởi tính chất vui tươi, trong trẻo, hồn nhiên của nhạc cụ này. Nhìn một cô bé nói còn chưa sõi hẳn vừa đàn vừa hát những bài hát thiếu nhi lời có thể đi trước không cần đợi nhạc ai mà không nở nụ cười cơ chứ.
Theo năm tháng lớn lên, cô bé đó sẽ cùng chiếc đàn bé nhỏ làm bạn trên mọi hành trình. So với các nhạc cụ phổ biến khác như guitar, keyboard nếu muốn di chuyển xa cũng rất bất tiện, đặc biệt là dân phượt thì việc mang theo thôi cũng đủ để tốn rất nhiều công sức. Ukulele nhỏ gọn, thậm chí có thể bỏ vào vừa một chiếc balo du lịch, mang đi khắp nơi lên núi xuống biển mà chẳng ngại phiền phức. Giữa thảo nguyên mênh mông, được hòa ca cùng tiếng đàn vui tươi rộn ràng xen trong từng làn gió quả là một cách refrest tâm hồn không thể tuyệt vời hơn!