Nhưng khi nhắc tới hình ảnh người thợ lò, khán giả yêu nhạc cả nước sẽ nghĩ ngay tới ca khúc “Tôi là người thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Thật tình cờ, trong chương trình Gala Giai điệu tự hào phát sóng trên VTV1 tối ngày 21/2/2015 (mùng 3 Tết), tôi được nghe lại ca khúc này qua giọng ca của NSND Quang Thọ. Ngay khi giai điệu bài hát cất lên, cảm xúc dâng trào và tươi mới lại tràn ngập trong tôi. Qủa thật “Tôi là người thợ lò” xứng đáng là giai điệu tự hào. Và khi nhắc đến những giai điệu tự hào trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam sẽ không thể không nhắc tới “Tôi là người thợ lò”.
“Tôi là người thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Vân được giới chuyên môn đánh giá là tác phẩm âm nhạc tiêu biểu cho một giai đoạn âm nhạc viết về thợ mỏ. Trên thực tế, đây cũng là ca khúc nhiều lần được chọn vào các cuộc thi âm nhạc uy tín. Cho dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, mỗi khi nghe giai điệu bài hát tôi đều cảm thấy xúc động, tự hào. Và tôi tin rằng, đó cũng là cảm xúc chung của những con người vùng Mỏ, cũng như rất nhiều khán giả yêu nhạc khác. Càng nghe càng thấy ngấm, càng thấy hay. Ngay cái tên bài hát “Tôi là người thợ lò” đã như một lời giới thiệu chân thành, mộc mạc nhưng đầy tự tin. Không phải tự nhiên mà ca khúc này lại đem đến cảm xúc thăng hoa cho khán giả yêu nhạc, nhất là khán giả vùng Mỏ. Bên cạnh kết cấu âm nhạc vững vàng thì cái đẹp về ca từ là yếu tố tạo nên sức sống mãnh liệt cho ca khúc. Sự dung dị, mộc mạc trong ca từ đã khắc họa chân thực và đậm nét hình ảnh người thợ. Người nghe cũng dễ dàng cảm nhận hình ảnh người thợ lò trong mỗi ca sản xuất rất gần với hình ảnh người lính khi ra trận:
“Tiếng máy reo hay tiếng bước đoàn thợ mỏ tiến quân?
Kìa, tiếng búa khoan reo như tiếng trống trận
Kìa! Nghe tiếng mìn nổ như tiếng súng công đồn”
Công việc gian khó, nguy hiểm là thế, nhưng thợ lò chưa bao giờ lùi bước, họ vẫn kiên cường bám trụ trước mỗi gương than, đường lò. Vì họ hiểu rằng “Càng gian khổ càng nhiều vinh quang”. Và cũng bởi, thợ lò luôn lạc quan vào cuộc sống. Dưới môi trường làm việc hầm lò với bộn bề tiếng máy, tiếng khoan, họ vẫn nghe rõ những âm thanh tươi đẹp của cuộc sống:
“Dưới
hầm lò mà nghe rõ làm sao:
Tiếng chim hót trên cánh đồng lúa chín
Tiếng trẻ thơ cắp sách đến trường làng
Tiếng còi tàu sớm mai rộn ràng
Trong tiếng máy giục ăn than...”
Phần kết của ca khúc mang đến một thông điệp nhẹ nhàng, sâu lắng tới những người trẻ:
“Vùng mỏ ngày nay lớn lên
Bạn trẻ ta ơi chớ quên
Bước đường đấu tranh đang còn lâu dài
Càng gian khổ càng nhiều vinh quang…”
Hơn nửa thế kỷ qua đi, nhưng ca khúc “Tôi là người thợ lò” vẫn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng các thế hệ khán giả yêu nhạc. Thời gian là thước đo công bằng nhất khẳng định sức sống mãnh liệt của một tác phẩm âm nhạc. Và các thế hệ thợ mỏ hôm nay vẫn miệt mài lao động sáng tạo, viết tiếp những giai điệu tự hào!