Trong Dự thảo Ngân sách 2018-2019, Bộ tài chính Ấn Độ đã đưa ra một số qui định mới liên quan đến ngành Điều của nước này, đáng chú ý là: (i) Giảm thuế nhập khẩu đổi với hạt Điều nguyên liệu từ 5% như hiện nay xuống 2,5%; (ii) Yêu cầu các nhà nhập khẩu điều vào Ấn Độ để chế biến (tạo thêm giá trị gia tăng), phải tái xuất lô hàng đó trong vòng 90 ngày.
Đây được coi là biện pháp nhằm hỗ trợ cho ngành Điều Ấn Độ phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chính sách đổi tiền (11/2016). Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu Điều của Ấn Độ cho rằng, các biện pháp này chưa đủ sức để vực dậy ngành Điều nước này, vì:
(i) Việc cắt giảm một nửa thời gian chế biến (từ 6 tháng xuống 90 ngày) sẽ tạo áp lực cho các nhà nhập khẩu điều nguyên liệu và ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp. Hiện nay, các công ty của Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu điều nguyên liệu từ châu Phi (thu hoạch trong khoảng từ tháng 3- tháng 8) để chế biến, sau đó xuất khẩu trong vòng 6 tháng sau khi nhập. Tuy nhiên, qui định mới buộc họ phải xuất khẩu trong vòng 3 tháng gây khó khăn trong việc ký kết và chuẩn bị các đơn hàng.
(ii) Việc cắt giảm thuế nhập khẩu điều nguyên liệu từ 5% xuống 2,5% là chưa đủ khi giá điều nguyên liệu đang tăng cao. Các doanh nghiệp chế biến điều tại Kerala kêu gọi giảm thuế nhập khẩu Điều về 0%. Theo lãnh đạo của Samson Traders và Kailas Cashew Exports (hai trong số các nhà xuất nhập khẩu điều lớn tại Kerala) cho biết, hiện nay, 60% hạt Điều nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu của Ấn Độ là từ nguồn nhập khẩu, chủ yếu từ châu Phi. Giá Điều nguyên liệu đang ở mức cao, dao động từ 2.100 - 2.400 USD/tấn, khiến giá hạt Điều nhân xuất khẩu của Ấn Độ phải ở mức trên 5,5 USD/pound, tuy nhiên giá Điều thế giới hiện chỉ ở mức 4,75 - 4,9 USD/pound. Trong khi đó, các nhà chế biến Điều Ấn Độ khó có thể cạnh tranh được với Việt Nam trong việc thu mua điều nguyên liệu tại Đông Phi (như: Ghana, Bờ Biển Ngà và Nigeria) và giá điều tại khu vực này khá cao; Ấn Độ đang hy vọng vào nguồn nguyên liệu từ khu vực Tây Phi, với giá thành thấp hơn.
(iii) Sự chậm trễ trong việc hoàn thuế GST đối với các lô hàng xuất khẩu đang ảnh hưởng lớn tới khả năng tài chính và dòng tiền của các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu Điều. Kailas Cashew Exports cho biết, chỉ tính riêng tại bang Kerala, số tiền thuế phải hoàn lại cho doanh nghiệp trước tháng 7/2018 là khoảng 1 tỷ Rupi.