Chính phủ Ấn Độ vừa cho biết nước này đã thoát ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế đầu tiên kể khi nước này giành độc lập vào năm 1947. Theo đó, nền kinh tế Ấn Độ trong quý cuối của năm tài khoá 2020/2021 (kết thúc vào ngày 31/3/2021) đã ghi nhận mức tăng trưởng dương 0,4% so với cùng kỳ năm tài khoá 2019/2020.
Trước đó, nền kinh tế Ấn Độ đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật với 2 quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng âm dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Dự báo GDP cả năm tài khoá 2020/2021 của Ấn Độ sẽ giảm 8%. Theo đánh giá của giới phân tích, với hơn 1,3 tỷ dân và 11,1 triệu ca nhiễm bệnh, Ấn Độ là nền kinh tế chịu tác động nặng nề thứ hai trên thế giới vì đại dịch Covid-19.
Chính phủ Ấn Độ cho biết các lĩnh vực chủ chốt tạo động lực giúp nền kinh tế nước này phục hồi là xây dựng và sản xuất. Việc nới lỏng một số biện pháp hạn chế cũng cho phép các nhóm ngành dịch vụ tại nước này dần hoạt động trở lại.
Dữ liệu mới nhất của Chính phủ Ấn Độ cũng cho thấy trong 3 quý đầu năm tài khoá 2020/2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ đã đạt 67,54 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm tài khoá trước. Đây cũng là lượng vốn FDI lớn nhất trong 3 quý đầu năm tài khoá mà Ấn Độ từng ghi nhận.
Ấn Độ hiện đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi, thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. FDI được xem là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và là nguồn tài chính phi nợ quan trọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế Ấn Độ phục hồi sau đại dịch Covid-19. Nền kinh tế Ấn Độ được dự báo sẽ bật tăng 11% trong năm tài khoá 2021/2022.
Tuy nhiên, đà phục hồi kinh tế yếu của Ấn Độ đang đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 4 ngày càng lớn với các biến thể mới của virus Covid-19. Ấn Độ cũng đối mặt với bài toán giải quyết việc làm cho hàng chục triệu lao động trẻ đang có nhu cầu trở lại các thành phố để kiếm sống.
Ngày 1/3 vừa qua, Ấn Độ đã bắt đầu giai đoạn 2 của chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 trên cả nước và dỡ bỏ quy định hạn chế về thời gian tiêm phòng, giúp người dân có thể đi tiêm bất kỳ lúc nào.
Trong giai đoạn này, chiến dịch sẽ tập trung vào những người trên 60 tuổi và những người trên 45 tuổi nhưng có bệnh lý nền. Ước tính trong giai đoạn 2, Ấn Độ sẽ tiêm phòng cho gần 270 triệu người. Việc đẩy mạnh tiêm chủng sẽ cho phép Ấn Độ thúc đầy việc mở cửa trở lại và hồi phục kinh tế nhanh hơn.