Dữ liệu mới nhất của Văn phòng Thống kê Quốc gia Ấn Độ cho thấy GDP trong quý 3/2020 của nước này đã giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. GDP của Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba khu vực Châu Á, đã sụt giảm kỷ lục 24% hồi quý 2/2020 khi nước này phong toả toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Với sự sụt giảm GDP 2 quý liên tiếp, Ấn Độ đã rơi vào suy thoái kỹ thuật.
Cơ quan thống kê Ấn Độ cho biết “Với mục tiêu kiềm chế sự lây lan của đại dịch Covid-19, các biện pháp hạn chế đã được áp dụng đối với các hoạt động không cần thiết trong quý 2/2020. Mặc dù các biện pháp phong toả đã dần được nới lỏng nhưng chúng vẫn gây tác động đến các hoạt động kinh tế trong quý 3/2020”.
Mặc dù hoạt động sản xuất tại Ấn Độ đã ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng trở lại nhưng khối ngành dịch vụ tại đây vẫn sụt giảm mạnh tới hai chữ số trong hai quý liên tiếp. Mức chi tiêu của Chính phủ Ấn Độ cũng giảm mạnh trong thời gian qua, một phần do “phản ứng chưa tương xứng với tình hình đại dịch Covid-19”, nhà kinh tế học cấp cao Shilan Shah từ hãng phân tích Capital Economics nhận định.
Trong khi đó, ông Priyanka Kishore, giám đốc phụ trách khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á tại hãng Oxford Economics, nhận định “Việc Ấn Độ thiếu các chính sách tài khoá toàn diện sẽ kìm hãm đà phục hồi tăng trưởng của nước này trong tương lai”. Nhiều nhà kinh tế học đều cho rằng nền kinh tế Ấn Độ đang trải qua một chặng đường khó khăn. Ông Shilan Shah dự báo chính sách tiền tệ của Ấn Độ sẽ tiếp tục được nới lỏng trong tương lai gần.
Việc hãng dược phẩm AstraZeneca công bố kết quả thử nghiệm tích cực của vaccine phòng ngừa Covid-19 là tin tốt với Ấn Độ do đơn hàng vaccine Covid-19 của nước này có quy mô lớn nhất thế giới và vaccine của AstraZeneca sẽ được sản xuất tại nội địa thông qua một hãng dược Ấn Độ. Ông Shilan Shah nhận định “Tin tức về vaccine Covid-19 là tín hiệu tích cực nhất cho thấy Ấn Độ có thể sớm chấm dứt đại dịch, chính sách giãn cách xã hội đang gây sức ép lên nền kinh tế nước này”.
Tuy nhiên, các khó khăn trong việc phân phối có thể khiến vaccine Covid-19 khó có thể đươjc phổ biến rộng rãi trước nửa cuối năm 2021. Bên cạnh đó, các hoài nghi về bằng chứng thử nghiệm có thể khiến quá trình cấp phép vaccine Covid-19 bị trì hoãn.