Dữ liệu mới được Chính phủ Ấn Độ công bố ngày 31/8 cho thấy GDP quý 2/2020 của nước này đã giảm tới 23,9% so với cùng kỳ năm 2019 – mức giảm mạnh nhất kể từ khi nước này bắt đầu công bố dữ liệu GDP hàng quý vào năm 1996. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới, theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Các dữ liệu cho thấy đầu tư trong quý 2/2020 tại Ấn Độ đã giảm tới 47%, trong khi đó mức chi tiêu tiêu dùng giảm gần 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chi tiêu của Chính phủ Ấn Độ đã tăng 16% nhưng vẫn không đủ kìm hãm đà lao dốc của nền kinh tế nước này. Ấn Độ bắt đầu việc phong toả toàn quốc từ cuối tháng 3 với nhiều biện pháp phong toả thuộc hàng nghiêm ngặt nhất thế giới, đóng cửa gần như mọi lĩnh vực không cần thiết của nền kinh tế. Tuy nhiên, nỗ lực này chỉ trì hoãn sự lây lan của virus và nền kinh tế Ấn Độ vẫn bị tàn phá sau khi chính phủ nước này bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả kể từ tháng 5.
Hiện Ấn Độ đã ghi nhận hơn 3,5 triệu ca nhiễm và 60.000 ca tử vong vì Covid-19. Với hơn 75.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày gần đây, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Brazil và Hoa Kỳ để trở thành nước có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới.
Nhà kinh tế học Anagha Deodhar từ hãng môi giới chứng khoán ICICI Securities (Ấn Độ) nhận định sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ đồng nghĩa nền kinh tế nước này sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí là tiếp tục suy giảm tăng trưởng trong hai quý cuối năm trong bối cảnh các doanh nghiệp và người tiêu dùng Ấn Độ còn do dự trước các bất ổn do đại dịch Covid-19 gây ra. Bà Anagha Deodhar cho biết “Dịch Covid-19 đang lây lan nhanh đến khu vực nông thôn và các điểm nóng ở các siêu đô thị của Ấn Độ đang trở nên tồi tệ hơn. Điều đó khiến cho con đường phục hồi của nền kinh tế Ấn Độ trở nên dài hơn”.
Nhiều nhà kinh tế học nhận định GDP của Ấn Độ trong năm tài chính 2020/2021 (kết thúc vào tháng 3/2021) sẽ giảm 5% - mức giảm mạnh nhất của nước này trong hàng chục năm trở lại đây. Một số nhà kinh tế học cảnh báo việc suy giảm kinh tế của Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến chiến lược kiềm chế Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Châu Á, cũng như gia tăng áp lực lên giới lãnh đạo nước này trong việc nới lỏng các quy định việc làm, đất đai, đẩy nhanh cải cách kinh tế để tăng cường đầu tư và tạo việc làm.
Ông Nishant Bhatia, chủ một nhà hàng tại New Delhi, cho biết đã phải đóng cửa một trong hai nhà hàng và sa thải hơn một nửa trong số 50 nhân viên của mình dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Ông cho biết mặc dù các biện pháp phong toả được nới lỏng nhưng khách hàng vẫn không quay trở lại và ông sẽ phải đóng cửa nốt cửa hàng còn lại khi số tiền tiết kiệm đã cạn, thu nhập gần như không có vì dịch Covid-19. Công việc kinh doanh của ông đã tồn tại qua mọi đợt suy thoái kinh tế trong suốt 22 năm vừa qua.
"Mọi người vẫn sợ hãi khi đi ăn ngoài vì không ai muốn đặt tính mạng của mình vào rủi ro", ông Nishant Bhatia cho biết. Khu vực New Delhi bắt đầu nới lỏng một số hạn chế vào tháng 5, dẫn đến sự phục hồi trong hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, chi tiêu cho mọi thứ, từ điện thoại, ôtô đến đồ ăn nhanh vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế Ấn Độ đã gặp nhiều khó khăn. Trong năm tài khoá 2019, tăng trưởng GDP của Ấn Độ ở mức thấp nhất trong 11 năm, sụt giảm mạnh so với vị trí nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới chỉ vài năm trước đó. Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ cho biết tỷ lệ thất nghiệp trung bình của Ấn Độ trong quý 2/2020 ở mức 19,3%; trong tháng 4 và tháng 5, con số này ở mức hơn 23%. Sau khi kết thúc phong tỏa vào tháng 5/2020, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 11% trong tháng 6.
Bà Sonal Verma, nhà kinh tế trưởng về Ấn Độ tại hãng dịch vụ tài chính Nomura (Nhật Bản) cho biết, giai đoạn đầy thử thách đối với nhân viên cũng như các chủ doanh nghiệp nhỏ hiện tại có thể khiến chi tiêu ở Ấn Độ bị ảnh hưởng trong nhiều năm khi niềm tin của mọi người vào tương lai bị lung lay. Xu hướng tăng trưởng tiêu dùng sẽ thấp hơn" so với thập kỷ trước và người tiêu dùng sẽ cẩn trọng hơn vì sự bất ổn, theo bà Sonal Verma.