Buổi sáng nhồi bột làm bánh, trưa hấp, chiều chia phần đặt và đi giao. Đó là thời lịch biểu hàng ngày hiện nay của anh Nguyễn Duy Vĩ, "chủ thương hiệu" Ẩm thực nhà Bu với các "món đặc sản" chế biến là bánh lọc, bánh bèo và chả cây gốc Huế.
Vĩ kể rằng anh đã từng tham gia nhiều mảng kinh doanh, kể cả quản trị trong doanh nghiệp. Do mẹ là người Huế, anh khoái ăn đồ vặt xứ Huế, xong nhờ mẹ bày vẽ để biết cách làm, nấu cho bạn bè ăn chơi. Biết bạn bè "quen hàng", đặt bánh trực tuyến trên mạng xã hội Facebook, làm nên "thương hiệu" ẩm thực, lôi cuốn anh vào vị thế "ông chủ làm bánh lọc Huế" hồi nào không hay.
Hiện tại, Vĩ vẫn đảm nhận công việc ở doanh nghiệp, nhưng thời gian chuyển qua đầu tư chính cho làm và bán bánh. Ban đầu anh chỉ làm bánh lọc, giờ đã bán cả bánh bèo và chả cây. Mỗi tuần, Vĩ bán được khoảng 3.200 cái bánh lọc, 1.200 cây chả, 600 cái bánh bèo, chủ yếu bằng phương thức đi giao hàng trong khu vực nội thành TP.HCM, hẹn khách đến nhà lấy, và bán… cho bạn bè đem đi nước ngoài thưởng thức.
"Nhìn qua tưởng đơn giản, nhưng thực chất bán mấy đồ ăn vặt này tốn công rất nhiều, từ các khâu chọn bột làm bánh, chọn lá gói, cho đến cách nấu, cách hấp sao cho đúng quy trình "xứ Huế". Mình còn phải đặt mua nước mắm ruốc nguyên chất từ Huế vào để phục vụ khách ăn bánh lọc, nên khá kỳ công", Vĩ tâm sự như vậy.
Bánh lọc được nấu hấp theo phong cách xứ Huế mới thu hút được nhiều khách hàng.
Điều hứng thú với Vĩ, là hiện tại hầu như bạn bè, người quen đều chấp nhận các món ăn vặt của anh làm ra một cách tích cực. Nhiều bạn bè kết giao từ mạng xã hội cũng thường xuyên mua hàng của anh. Anh tả, nhiều người khá cầu kỳ trong cách ăn uống, chế biến, bảo quản thực phẩm, hầu như đòi hỏi phải thể hiện tinh chất ẩm thực dân gian càng nguyên vẹn càng tốt.
"Cái cảm giác ăn những món ăn dân dã của thời ôn mệ, thiệt tình đang được mấy bạn trẻ tại đây ưa thích. Phần lớn họ không hứng thú với mấy loại đồ ăn nhanh nữa, mà muốn được nêm nếm những đồ ăn bình dân, lâu đời". Chị Hồ Thị Huyền, chủ nhà hàng Cái Thùng Gỗ (Hai Bà Trưng, quận 3), cũng là 1 đầu bếp chuyên làm các món ăn vặt phục vụ giới trẻ Sài thành tâm sự như vậy.
Chị Huyền cho biết, những món ăn chị làm đều gắn liền với xứ quê nghèo đất Huế, như bún Hến, bánh nậm, bánh lọc… Vì yêu cầu của các thực khách khá tỉ mỉ, đòi hỏi phải đúng hương vị, nên hàng tuần chị phải đặt mua nguyên liệu chế biến từ Huế vào, kể cả bột lọc, ớt chỉ thiên…
Do bận rộn với nhà hàng có phong cách Âu, nên chị cũng không dành được nhiều thời gian cho các món ăn vặt, chủ yếu chỉ qua bạn bè đặt mua mới làm. Vậy mà có tuần, chị cũng bán ra hơn 4 ngàn cái bánh lọc Huế.
Bún Hến, 1 món ăn dân gian Huế đang "hút khách sành ăn" tại TP.HCM.
Hương vị dân gian… trực tuyến
Theo anh Thanh Tùng, một chuyên gia ẩm thực xứ Huế, sở thích quay lại hương vị dân gian thực sự đang là trào lưu đầy ấn tượng với các bạn trẻ ở đô thị lớn. TP.HCM, với số lượng bạn trẻ đa gốc gác đông đảo, lại càng là mảnh đất tiện lợi cho phong cách ẩm thực dân gian.
"Khi người ta đã quá ngán với bánh mì paté, những loại fastfood, kể cả mùi vị nhà hàng lớn, người ta sẽ trở lại với những gì ông cha từng thưởng thức, một cách đơn giản nhưng thiết thực, kích thích khứu giác, vị giác của mỗi người", anh Tùng nhấn mạnh.
Bởi thế, theo chị Huyền, không có gì lạ khi vỉa hè TP.HCM ngày càng xuất hiện nhiều món ăn vặt dân gian. Từ sắn luộc, bánh chưng chiên, cho đến xôi vò, xôi gấc, bánh lọc bánh bèo…, đâu đâu cũng hiện hữu những người quang gánh với đầy đủ hương vị dân dã. Theo xu thế, giờ đây các món ăn này lại lấn vào lãnh địa bán hàng trực tuyến, được đa số giới văn phòng TP.HCM yêu thích và ủng hộ.
Thế giới ăn vặt TP.HCM không ngừng phong phú với những món ăn thiên nhiên và dân dã.
Không ít bạn trẻ làm văn phòng tâm sự, việc mua một đùm bánh lọc Huế về văn phòng ăn là cả một thách thức, nhất là đi kèm theo đó có nước mắm ruốc. Chắc chắn sẽ không ai giấu được mùi mắm đó trong 1 phòng có máy điều hòa. Cho nên, để được thưởng thức, giới văn phòng phải "lẻn trốn" ra cửa, để có thể len lén nhai bánh, cắn chả… và hít hà vị ớt, vị mắm. Vậy mà ai cũng thích và mỗi ngày lại một tìm ra các đầu mối giao hàng "ngon hơn, dân dã hơn", từ trên các trang bán hàng trực tuyến.
Anh Vĩ nhìn nhận, có thể ở văn phòng nào đó, công ty nào đó, có các quy định rất khắt khe về chế
độ làm việc, tác phong công sở, như cấm ngủ trưa, cấm ăn mặc tuềnh toàng… Nhưng với giới văn phòng
và các bạn trẻ ở TP.HCM, món ăn vặt vẫn là điều không thiếu vắng được trong cung cách giao tiếp
hàng ngày; và đó chính là "lãnh địa" để những món ăn dân gian Việt Nam, luôn tồn tại rộn rã, ở đô
thị đậm màu sắc thương mại và hội nhập này.