Tờ Financial Times (Anh) dẫn nguồn tin từ các quan chức nước này cho hay Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond bày tỏ quan điểm muốn nước Anh tiếp tục bám sát các quy định của EU, nhằm đảm bảo sự tiếp cận tối đa thị trường châu Âu cho các tổ chức tài chính ở Trung tâm tài chính London, trong khi BoE lại phản đối bất kỳ sự thỏa hiệp nào có thể biến họ trở thành "những người tuân thủ luật chơi” (thay vì kiến tạo ra nó).
Hiện cũng tồn tại những mối quan ngại trong chính Trung tâm tài chính London rằng EU sẽ không chấp nhận đề xuất ban đầu của Anh về quy định đối với Trung tâm tài chính London, một kế hoạch công nhận chung có thể trao cho BoE quyền tự chủ về quy định mà ngân hàng này tìm kiếm.
Hồi tháng trước, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, đã khước từ việc đi tới một thỏa thuận thương mại đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, cũng như bác bỏ thông tin cho rằng EU rất cần Trung tâm tài chính này. Do vậy, thực tế cho thấy London có thể sớm cần một “Kế hoạch B” cho hệ thống quy định trong lĩnh vực tài chính sau Brexit.
Trong bối cảnh này, việc tìm kiếm một “Kế hoạch B” dường như đang tạo ra sự tranh cãi gay gắt, khi BoE tin rằng với quyết tâm đạt được một thỏa thuận thương mại trong lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Tài chính Hammond sẵn sàng nhất trí một thỏa thuận mà Brussels có thể duy trì ảnh hưởng lớn đối với Trung tâm tài chính London.
Mặc dù vậy, BoE vẫn bác bỏ việc có bất kỳ rạn nứt nào giữa ngân hàng này với Bộ Tài chính. Nguồn tin từ Bộ tài chính Anh cho hay hay hai bên đang làm việc chặt chẽ về Brexit trong một loạt vấn đề.
Quyết định về cơ chế quy định đối với Trung tâm tài chính London sẽ do Chính phủ đưa ra. Thủ tướng Anh Theresa May hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại trong lĩnh vực dịch vụ, bao gồm các quy định, với EU.