Giữ rừng đầu nguồn, nhiệm vụ bất khả thi?

Giải pháp giữ rừng, bảo tồn rừng không thiếu, thậm chí quá đầy đủ. Chắc chắn những người đang cầm cây bút trong tay để phê duyệt quy hoạch, đầu tư các dự án sử dụng tài nguyên rừng đủ trí óc để hiểu n

Tin bài liên quan:

Thủy điện đắt hay rẻ

Giám đốc Trần Văn Mùi, giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (thuộc tỉnh Đồng Nai, là 1/13 vùng ưu tiên bảo tồn của khu vực Đông Nam Á, 1/200 vùng sinh thái quan trọng thế giới, tiếp giáp với Vườn quốc gia Cát Tiên) cho biết trong khu này có trên 200 km đường khai thác cũ, phần lớn các tuyến đường giao thông đều đi xuyên qua rừng, luôn có người và xe qua lại, có gần 6.000 hộ với gần 27.000 nhân khẩu thuộc 3 xã sống xen lẫn trong rừng và ven rừng. Phía Bắc và phía Tây khu bảo tồn giáp ranh với tỉnh Bình Phước và Bình Dương, đây là khu vực các tỉnh này chủ trương phát triển cây cao su và lập trang trại, gây ra áp lực rất lớn cho khu bảo tồn.

Theo số liệu năm 2008, trong Rừng Cấm Cát Tiên có chừng 4000 nhân khẩu sinh sống và canh tác, có khoảng gần 2000 ha lúa nước trồng ngay trong đất Vườn. Còn ở ven Rừng Cấm, số liệu ông Trần Văn Thành, giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên cung cấp cho chúng tôi khi thực hiện loạt bài này (tháng 4-2010) là 200.000 người, sinh sống trong 36 xã, thị trấn. Chỉ một bước là vào rừng! Khu bảo tồn Vĩnh Cửu cũng vậy, dân vùng giáp ranh thường xuyên vượt sông Mã Đà, sông Bé vô rừng đẵn cây, săn thú.

Bảo tồn quả là bài toán quá khó đối với những người được giao nhiệm vụ.

Trang trại xóa sổ rừng

Chỉ cách một dòng sông, bên này là tháp canh lửa chống cháy rừng của  Trạm kiểm lâm Phước Sơn (xã Phước cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) luôn có người đứng canh từng đốm lửa, vệt khói trong vòng cung núi bao quanh thung lũng, bên kia là lâm trường Thống Nhất (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Lâm trường- chắc chỉ còn cái tên, bởi toàn bộ các ngọn đồi trong tầm mắt đều đã trọc lóc.

Trạm trưởng Phước Sơn, anh Phạm Hồng Thái kể, mới cách đây ba năm bên đó vẫn là rừng. Nhưng dân lên phá rừng trồng cao su, trồng điều, tỉnh cũng bùi tai cho chuyển mục đích sử dụng rừng thành đất nông nghiệp. Mà điều-cao su được coi là cây lâm nghiệp nên những vườn điều-cao su mênh mông nghiễm nhiên được coi là thành tích góp phần "phủ xanh đất trống đồi trọc", đẩy mạnh kinh tế địa phương.

Không tỉnh nào chợt nhớ-dù được các nhà khoa học liên tục nhắc nhở- rằng hệ sinh thái đơn điệu của những vườn cây đơn nhất đã xóa sổ hệ sinh thái tự nhiên phong phú của rừng. Một vườn cao su-điều chỉ tồn tại nhiều nhất vài ba chục năm, đặc biệt khi tàn là tàn hàng loạt, sẽ nhổ tận gốc khả năng tái tạo liên tục cũng như chức năng giữ đất, giữ nước ngầm của rừng, ẩn chứa các đe dọa cho hệ sinh thái toàn vùng, đặc biệt ở hạ du.

Rừng núi thuộc các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên (Lâm Đồng), hầu hết chỉ còn là đồi trọc đỏ lói hoặc lởm chởm gốc cây cháy đen sì, dù nơi này chỉ mới cách Vườn quốc gia Cát Tiên vài km (ảnh).

Bài toán quy hoạch toàn vùng đối với thủy điện mà các nhà khoa học cảnh báo các địa phương trong lưu vực sông Đồng Nai một lần nữa được đặt lại ở khía cạnh bảo tồn rừng quốc gia, ở mọi tầm mức và góc độ.

Năm 2003, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra quyết định 173/2003 QĐ-Ttg điều chỉnh ranh giới Vườn quốc gia Cát Tiên, cắt một số diện tích sát vùng đệm Vườn ra khỏi Vườn, giao cho các tỉnh lân cận. Anh Phạm Hồng Thái kể, huyện Cát Tiên đã lấy hơn 300 ha sát vùng lõi Cát Lộc (nơi cư ẩn của tê giác một sừng, đang có nguy cơ tuyệt chủng) giao cho một doanh nghiệp. Nhưng mục đích "làm giàu rừng" (không biết bằng cách nào) của dự án có tên Thắng Lợi đó, sau không thành vì dân xung quanh xâm canh hết, không thu hồi được. Ví thử nó thành, doanh nghiệp làm một khu "du lịch sinh thái" (mô hình đang được các tỉnh lưu vực sông Đồng Nai khuyến khích)  nhằm "khai thác các thế mạnh du lịch rừng, thác, sông suối" như một bản báo cáo đầu tư thủy điện đề cao, thì chắc chẳng mấy chốc các chú tê giác cầu tự Cát Lộc sẽ ngồi vuốt sừng mà ngâm tập thể bài "Ngậm một khối căm hờn trong cũi sắt"!

Kiểm lâm Phước Sơn từng phát hiện có diện tích đất sâu trong rừng bảo tồn quốc gia được cấp sổ đỏ hẳn hoi. Lần về gốc tích, mới hay đó là sổ đỏ thật nhưng do mấy anh xã làm lụi.

Đó chỉ là một ví dụ nhỏ xíu cho tầm nhìn quản lý, quy hoạch đất rừng. Ở Quảng Nam, 58 dự án thủy điện đã được cấp phép. Ở Huế, 7.000 ha ruộng đang cháy khô vì thủy điện Hương Điền thượng nguồn sông Bồ (xã Hương Vân-Hương Trà) khăng khăng không chịu xả nước. Mặc lòng, những địa phương có rừng đang là những nơi sốt sắng phá rừng nhất.

Đau lòng kiểm lâm

Vậy còn kiểm lâm? Cái ngành Nhà nước trao cho quyền năng giữ rừng?

Quy định của ngành, trung bình mỗi kiểm lâm viên phải phụ trách 1.000 ha rừng. Một tháng ít nhất 2 tuần trong rừng. Mang trong balô xoong nồi, gạo muối, cá khô, đến đâu nấu ăn đến đó. Đêm giăng võng, căng tăng lên cây ngủ. Mỗi người một balô nặng ba bốn chục ký, vai mang súng, thắt lưng mang còng, từng nhóm tuần tra mải miết trong núi, mỗi ngày đi bộ ít nhất 6 tiếng. Mưa-mặc áo mưa đi. "Có bữa ăn xong còn nửa nắm cơm, miếng cá khô nhỏ, nghĩ chiều nay về trạm nên ăn xong bỏ luôn. Ai dè chiều đổ mưa, suối ngập lớn không qua được, phải quay lại lượm miếng cơm, miếng khô đã bỏ mà ăn, thấy ngon chưa từng có"-anh Mai Quang Lâm, trạm kiểm lâm Phước Sơn kể.

Xe đi công tác - tự mua. Đi đường rừng mau hư - tự sửa. Gạo muối mang đi rừng - tự lo. Tất cả gói gọn trong khoản lương khoảng một triệu đồng khởi điểm. Những người làm 20-25 năm, lương chưa tới 5 triệu đồng. Cộng 150.000 đ công tác phí một tháng, thêm một khoản phụ cấp độc hại, ưu đãi nghề đâu chừng đó nữa. Hết!

Có những người vợ con ở cách trạm có 15 km mà cả tuần chưa về được một lần, vì mắc trực, mắc gác, mắc tuần tra.. và mắc.. tiền!

Không chỉ được đãi ngộ quá thấp, kiểm lâm còn thường xuyên đối mặt với nguy hiểm. Không kể chuyện vượt suối, leo dốc đứng chênh vênh bên vực, ngủ đêm hàng tuần trong rừng.. mà là đối phó với kẻ phá rừng.  "Lâm tặc" dân nghèo chỉ dám phá rừng làm rẫy, đặt lưới bắt chim thú, đốn trộm vài cây gỗ và luôn bỏ chạy khi bị phát hiện. Đáng sợ là những lâm tặc thực sự, có bảo kê, phá rừng hàng loạt bằng cưa máy và chở bằng xe ra khỏi rừng. Những người này sẵn sàng ăn thua đủ với kiểm lâm, kể cả bằng bạo lực. Đã có những kiểm lâm viên hy sinh, có những kiểm lâm viên đi tù vì chống trả kẻ phá rừng đang có súng trong tay (trong cuộc xô xát, kẻ phá rừng bị chết). Đã có quá nhiều minh họa.

Có nhiều trạm kiểm lâm ở sâu trong rừng đến giờ vẫn chưa có điện. Cũng đừng tưởng ở rừng thì tha hồ trồng rau nuôi gà cải thiện, vì trồng rau thì thú ra phá, còn quy định cấm nuôi gà nuôi chó: nuôi gà sợ lây bệnh cho thú, nuôi chó thì chó cắn sủa thú.

Một kiểm lâm viên có 25 năm trong nghề nói với tôi, chỉ cần có được một trong ba lý do sau thì rất nhiều kiểm lâm viên sẽ chuyển việc ngay. Ba lý do đó là (1) thu nhập tốt hơn, (2) gần gia đình hơn hoặc (3) điều kiện làm việc đỡ vất vả hơn.

Tôi chua xót nhận ra sự mâu thuẫn đáng sợ. Những chiến sĩ kiểm lâm ngày đêm đổ mồ hôi và cả máu để giữ từng gốc cây, giọt nước cho tài sản thiên nhiên quý giá của tổ quốc thì chỉ được trả tiền công rẻ mạt, trong khi đó chỉ với một chữ ký vô trách nhiệm, các cấp quản lý rất cao đã thản nhiên xóa sổ hàng ngàn hàng ngàn ha rừng và mua két cất tiền cho bản thân mình.

***

Theo thông lệ báo chí, bài cuối của loạt bài này phải nêu được giải pháp. Nhưng giải pháp nào mới là bản chất đây? Bởi đã quá rõ ràng, giải pháp giữ rừng, bảo tồn rừng không thiếu, thậm chí quá đầy đủ. Chắc chắn những người đang cầm cây bút trong tay để phê duyệt quy hoạch, đầu tư các dự án sử dụng tài nguyên rừng đủ trí óc để hiểu những giải pháp đó. Nhưng vấn đề ở chỗ họ biết mà không làm.

Với mục đích phát triển hài hòa giữa khai thác tiềm năng và bảo tồn thiên nhiên, Ủy ban thế giới về đập (WCD) đưa ra 7 nguyên tắc căn bản khi chuẩn bị một dự án thủy điện. Đó là: Có sự chấp thuận của dân chúng; Đánh giá các phương án; Xem xét các đập hiện tại; Đạt mục đích bền vững cho các con sông và sinh kế; Công nhận quyền và lợi ích hợp pháp và chia sẻ lợi ích; Bảo đảm sự tuân thủ; Chia sẻ các sông xuyên biên giới. Nhưng, khi bàn bạc về khả năng áp dụng 7 nguyên tắc này tại Việt Nam trong hội thảo về tác động của thủy điện đối với lưu vực sông Đồng Nai tổ chức tại Cát Tiên giữa tháng 4 vừa qua, ngay giám đốc  ngành môi trường ở các địa phương ảnh hưởng bởi thủy điện ở sông ở các địa phương mà đất rừng đang bị xóa sổ để làm thủy điện cũng thống nhất thừa nhận: khó thực hiện.

Thực trạng Việt Nam chưa thể có sự chia sẻ công bằng lợi ích giữa nhóm người bị tác động và chủ đầu tư, còn sự phát triển bền vững chỉ có thể đạt được ở các quốc gia phát triển-họ nhận định.

Hoàng Xuân