Báo động tình trạng thừa cân béo phì tại Việt Nam

Được đánh giá là nước có tỷ lệ thừa cân béo phì khá thấp so với thế giới và khu vực, tuy nhiên, trong thời gian 10 năm trở lại đây, tỷ lệ thừa cân béo phì ở Việt Nam đã tăng gấp 2,2 lần. Tỷ lệ tăng cao nhất tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với tình trạng thừa cân béo phì, một điều đáng lo ngại chính là gánh nặng về mất cân bằng giữa một bên là suy dinh dưỡng ở khu vực nông thôn và một bên là thừa cân béo phì ở khu vực thành thị.

Nghiên cứu
Nghiên cứu tỷ lệ TCBP tại các quốc gia

Nguyên nhân của bệnh thừa cân béo phì và suy dinh dưỡng là gì? Cần có những biện pháp nào để can thiệp có hiệu quả tình trạng thừa cân béo phì và suy dinh dưỡng ở Việt Nam? Đó là những vấn đề được đưa ra thảo luận tại buổi Tọa đàm “Dinh dưỡng và những biện pháp can thiệp hiệu quả"do Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam và Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam (VINAFOSA) phối hợp tổ chức sáng nay.

Tọa đàm tập trung phân tích nguyên nhân nghịch lý vừa thừa cân béo phì (TCBP) vừa suy dinh dưỡng (SDD) tại Việt Nam, và đề xuất một số biện pháp can thiệp hiệu quả. Tham dự Tọa đàm có đại diện các cơ quan hữu quan, các chuyên gia dinh dưỡng, các chuyên gia kinh tế, pháp luật, các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ uống không cồn, và các cơ quan truyền thông, báo chí.

Nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì

Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TP. Hồ Chí Minh đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

TCBP là căn bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể chất; khẩu phần dư thừa chất bột tinh chế, quen sử dụng thực phẩm chế biến sẵn nhiều đường, nhiều chất béo, muối, sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều, và một số các nguyên nhân khác như di truyền, rối loạn nội tiết và chuyển hóa… Trong khi đó, SDD thường là hậu quả của bữa ăn nghèo nàn về số lượng và chất lượng.

Dinh dưỡng
Dinh dưỡng không hợp lý là một trong những nguyên nhân dẫn đến BPTC

Theo GS.TS. Phan Thị Kim, Chủ tịch Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng, Chủ tịch danh dự VINAFOSA, TCBP do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là do mất cân bằng dinh dưỡng và lười vận động. Do đó: Về dinh dưỡng, cần tập trung vào các giải pháp cung cấp chế độ ăn hợp lý, cân đối giữa các nhóm thực phẩm; Về lối sống, cần tăng cường hoạt động thể chất, vận động; Về phía các nhà sản xuất, cần cung cấp thông tin trên nhãn hàng hóa, thực phẩm; Các cơ quan hữu quan cần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, triển khai các chiến dịch/chương trình tuyên truyền giáo dục hiệu quả.

GSTS Phan Thị Kim
GS.TS. Phan Thị Kim, Chủ tịch Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng, Chủ tịch danh dự VINAFOSA

Kết quả nghiên cứu tại 11 nước châu Á (trong đó có Indonesia, Nhật Bản,…) đo hoạt động thể lực qua đếm bước chân hàng ngày, cho thấy mỗi ngày mỗi người Việt chỉ đi 3.600 bước, chỉ bằng 1/3 mức tiêu chuẩn 10.000 bước. So sánh trong 11 nước, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước lười vận động nhiều nhất.

Đi bộ
Việt Nam thuộc nhóm 3 nước lười vận động nhiều nhất Châu Á

Nghiên cứu của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, có ít nhất 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực. Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc – UNFPA, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, người dân hạn chế vận động và bị mất cân bằng dinh dưỡng. Người dân cần xây dựng thói quen vận động cũng như có kiến thức về dinh dưỡng, cân bằng.

Hậu quả của thừa cân béo phì và mất cân bằng dinh dưỡng

Tình trạng thừa cân kéo dài sẽ gây rối loạn chức năng trong cơ thể diễn tiến thành bệnh. Bệnh tiến triển âm thầm trong một quãng thời gian dài khiến việc điều trị, phục hồi sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém. Những bệnh lý phổ biến do thừa cân là:  Suy giảm hệ miễn dịch; Bệnh xương khớp; Bệnh tiểu đường; Bệnh lý tim mạch; Bệnh hô hấp; Bệnh tiêu hóa; Vô sinh; Biến chứng béo phì khi mang thai; Tác động đến tâm lý: tự ti khi giao tiếp, kém chủ động, dễ bị tác động tâm lý và trầm cảm hơn; Tỷ lệ tử vong của người béo phì cao hơn người bình thường…

Trẻ em
Kết quả nghiên cứu TCBP ở trẻ em trong khu vực

Đối với trẻ em, thừa cân, béo phì cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, việc dậy thì của trẻ, đồng thời để lại nhiều nguy cơ mắc bệnh khi trưởng thành.

Theo WHO, béo phì ở trẻ em là một trong những gánh nặng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21. Hậu quả của thừa cân, béo phì thường khó nhận biết ngay, nhưng không thể xem nhẹ. Khi trẻ béo phì chẳng may mắc những bệnh lý như tiêu chảy, viêm phổi,... bệnh thường có xu hướng tiến triển nặng hơn, thời gian điều trị kéo dài.

Có thể thấy, tác hại của béo phì với sức khỏe con người là rất nguy hiểm, nó sẽ gây ra nhiều bệnh lý, biến chứng tiềm ẩn đe dọa. Nguy hiểm hơn là tỉ lệ người mắc bệnh béo phì và thừa cân ngày càng tăng.

Cần làm gì để giảm thiểu tình trạng TCBP  

Dù tỷ lệ người béo phì tăng nhanh đặc biệt là trẻ em và trẻ vị thành niên nhưng Việt Nam chưa có bất kỳ trung tâm điều trị béo phì chuyên biệt, hoàn chỉnh nào. Thực tế, người bệnh béo phì đang điều trị tại các khoa như: Nội tiết, tim mạch, ung thư; tại các khoa phẫu thuật tiêu hoá, các khoa/trung tâm dinh dưỡng... Một số người tự điều trị (theo phương pháp truyền miệng, trên mạng hoặc tự mách nhau...) thậm chí không điều trị. Một trong những rào cản lớn của vấn đề này là Việt Nam không có thầy thuốc được điều trị chuyên về béo phì, cùng đó thiếu các chuyên khoa hỗ trợ như dinh dưỡng, tâm lý, cũng như không có sự phối hợp giữa các chuyên khoa...

ngnd--pgs-ts--pham-ngoc-khai--chu-tich-hoi-dinh-duong-viet-nam-1
NGND. PGS.TS. Phạm Ngọc Khái, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam

Chia sẻ tại Hội thảo, NGND. PGS.TS. Phạm Ngọc Khái, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam nhấn mạnh: “Đối với một đất nước đang trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam phải đối phó với gánh nặng kép về dinh dưỡng, đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 21. Để cải thiện vấn đề này cần có những nỗ lực liên ngành từ trung ương đến địa phương, cần tăng cường quản lý trong chuỗi cung ứng thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, cần nâng cao nhận thức và thực hành cho cả cộng đồng bao gồm cả lãnh đạo quản lý, người sản xuất, người chế biến, người kinh doanh và người tiêu dùng; Tất cả vì mục tiêu sức khỏe cho mọi người, hạn chế những hệ lụy bệnh tật. Cần hiểu rõ vai trò (% nguy cơ) của từng yếu tố nguy cơ để có bằng chứng khoa học cho can thiệp. Nhà nước cần tăng cường truyền thông với các loại hình, phương thức, nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng để nâng cao nhận biết nguy cơ, thực hành dinh dưỡng hợp lý để kiểm soát TCBP và các bệnh lý liên quan”…

PGS. TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam nhận định: "Vấn đề về dinh dưỡng cần được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, toàn diện, góp phần xây dựng các giải pháp hiệu quả, hướng vào xử lý gốc rễ các nghịch lý về dinh dưỡng ở Việt Nam, tránh những hệ luỵ không đáng có đối với đời sống kinh tế-xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nhiều khó khăn hậu Covid-19 và leo thang xung đột Nga-Ukraina. Các biện pháp chính sách và phi chính sách cần hướng đến ổn định nền kinh tế, truyền cảm hứng cho lối sống lành mạnh, vì sức khỏe cộng đồng.”

GSTS Nguyễn Văn Việt
PGS. TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam

Nhằm giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, và trí tuệ của người Việt Nam, ngày 05/01/2022 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 02/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, và trí tuệ của người Việt Nam.

Theo đó, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đã được đặt ra như: thực hiện chế độ ăn đa dạng, hợp lý và an ninh thực phẩm cho mọi lứa tuổi, mọi đối tượng theo vòng đời; cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em và thanh thiếu niên; kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì, dự phòng các bệnh mạn tính không lây, các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành; cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, thanh thiếu niên và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ; nâng cao khả năng ứng phó dinh dưỡng trong mọi tình huống khẩn cấp và tăng cường nguồn lực thực hiện; Tỷ lệ bệnh viện tổ chức thực hiện các hoạt động khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý cho người bệnh đạt 90% đối với tuyến Trung ương, tuyến tỉnh; 75% đối với tuyến huyện vào năm 2025 và phấn đấu đạt 100% đối với tuyến trung ương, tuyến tỉnh; 80% đối với tuyến huyện vào năm 2030.

Nguyên Vỵ