Ngày 28/10/2023, cảng cạn Phú Mỹ tại Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chính thức đi vào hoạt động. Đây là cảng cạn đầu tiên tại tỉnh này và là cảng cạn thứ 3 ở phía Nam.
Cảng cạn Phú Mỹ được hình thành từ nhu cầu tối ưu hóa vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tới các hành lang kinh tế lân cận; trở thành trung tâm hậu cần của cảng biển; kết nối với các cảng cạn xa cảng biển gắn liền với các trung tâm phân phối tiêu thụ hàng hóa, các cửa khẩu đường bộ, đường thủy để nâng cao hiệu quả kết nối mạng lưới vận tải, thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm chi phí dịch vụ vận tải và logistics.
Cảng cạn Phú Mỹ do Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ (chủ đầu tư Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3) đầu tư có tổng diện tích gần 38 ha, chia làm 2 phân kỳ, trong đó phân kỳ 1 là 15ha đã được Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam công bố mở cảng cạn; Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan công nhận địa điểm thông quan hàng hóa tại và được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cảng cạn Phú Mỹ được quy hoạch theo phân khu chính như: Khu bến thủy nội địa với diện tích 8.835m2, chiều dài bến 581m. Khu đất kho hàng có tổng diện tích là 56.962 m², trong đó kho hàng tổng hợp bố trí 22.842 m², kho lạnh bố trí 3.956 m2 và kho CFS bố trí 30.164 m². Khu bãi với diện tích 167.423 m², trong đó bãi container hàng xuất nhập khẩu bố trí 20.000 m2; bãi container hàng nội địa bố trí 90.755 m², bãi container lạnh bố trí 12.603 m², bãi container rỗng bố trí 13.226m² và khu bãi hàng hở 30.839 m².
Điểm nổi bật quan trọng của Cảng cạn Phú Mỹ là kết nối đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt trong tương lai. Nhờ đó giúp các nhà đầu tư, chủ hàng vận chuyển hàng hóa thuận tiện, tối ưu nhất về chi phí.
Cảng nằm trong Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, tiếp giáp với sông Mỏ Nhát là tuyến vận tải thủy nội địa kết nối với vịnh Gành Rái, khu vực TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đồng bằng sông Cửu Long và xa hơn là Campuchia. Một mặt cảng tiếp giáp với đường Phước Hòa - Cái Mép, kết nối thuận lợi với đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải; cao tốc Bến Lức - Long Thành; Quốc lộ 51, cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu và đường hàng không, đường sắt trong tương lai.
Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Chính phủ phê duyệt, cảng cạn Phú Mỹ có năng lực thông qua khoảng 300.000 - 400.000 teu/năm sẽ góp phần nâng tầm vị thế trung chuyển hàng hoá, đóng góp lớn vào kinh tế và giao thông vận tải vùng. Trên cả nước hiện có 12 cảng cạn, trong đó, Cảng cạn Phú Mỹ là 1 trong 3 cảng cạn của miền Nam.
Việc sớm đưa cảng vào hoạt động sẽ tạo điều kiện giúp cảng biển khu vực Cái Mép-Thị Vải giải phóng nhanh hàng hóa, giảm áp lực cho cầu bến và bãi, tăng khả năng thông quan hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác cảng biển.
Hiện Cảng cạn Phú Mỹ đã ký kết thỏa thuận hợp tác mở bãi chứa (depot) container rỗng với hãng tàu MSC là hãng tàu số 1 thế giới hiện nay; thành lập liên doanh với Medlog là nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp trọn gói tại 70 quốc gia trên thế giới; hợp tác với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn trong việc trung chuyển hàng hóa giữa Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 với các cảng biển, ICD và Depot trong khu vực và ký hợp đồng nguyên tắc với 12 đối tác khác.
Theo số liệu của Bộ GTVT, tính đến thời điểm hiện nay, cả nước đã đầu tư, công bố và đưa vào khai thác 11 cảng cạn, ngoài ra 5 cảng thông quan nội địa - ICD đang hoạt động thuộc các vị trí được quy hoạch cảng cạn nhưng các chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi thành cảng cạn theo quy định.
Các cảng cạn này đều phân bổ tập trung trên 5 hành lang và khu vực kinh tế trong tổng số 15 hành lang và khu vực kinh tế có quy hoạch cảng cạn, trong đó hành lang kinh tế ven biển ở khu vực phía Bắc đã hình thành 4 trong tổng số 5 cảng cạn được quy hoạch.
Trên cơ sở Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 12/2017, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo lập và phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vào tháng 6/2018.