UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định số 940/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2040 (tỷ lệ 1/25.000).
Theo đó, phạm vi lập điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lạng Giang trên toàn bộ địa giới hành chính của huyện Lạng Giang. Ranh giới nghiên cứu được giới hạn phía Bắc giáp huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; phía Nam giáp thành phố Bắc Giang và huyện Yên Dũng; phía Đông giáp huyện Lục Nam; phía Tây giáp huyện Tân Yên, Yên Thế.
Quy mô diện tích nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch khoảng 244 km². Dân số trung bình hiện trạng toàn huyện năm 2022 khoảng 225.435 người, trong đó dân số đô thị khoảng 29.959 người, chiếm 13,29%; dân số nông thôn khoảng 195.476 người, chiếm 86,71%.
Về tính chất, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lạng Giang là trung tâm kinh tế phía Bắc của tỉnh Bắc Giang, đầu mối giao thông đường bộ của vùng, Quốc gia trên hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn, hướng tới đô thị loại IV và thị xã trong tương lai; là đầu mối giao thông đường bộ của vùng, Quốc gia. Là trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ Logistics, phát triển công nghiệp xanh; sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao; là vùng phát triển đô thị bền vững, hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại. Là trung tâm Tiểu vùng phía Bắc của các huyện Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang với thị trấn Vôi là đô thị trung tâm tiểu vùng. Là vùng phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng kết hợp văn hóa, di tích lịch sử. Là vùng phát triển kinh tế - xã hội gắn kết chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Mục tiêu nhằm cụ thể hóa những định hướng chiến lược phát triển của Quốc gia, Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể hóa mục tiêu nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao (đô thị nông thôn kiểu mẫu); đầu tư cơ sở hạ tầng để củng cố các tiêu chí hướng tới cả huyện Lạng Giang thành đô thị loại IV, phát triển các phân vùng đô thị và nông thôn hướng tới thành lập thị xã sau năm 2030.
Xây dựng huyện Lạng Giang trở thành đô thị xanh, phát triển bền vững, cực tăng trưởng kinh tế quan trọng, cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Bắc Giang. Bảo tồn di sản văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Làm cơ sở pháp lý cho các công tác quy hoạch xây dựng phát triển đô thị, nông thôn trong huyện; xây dựng các chương trình kế hoạch, dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm và đề xuất các chính sách phát triển, sử dụng hợp lý các nguồn lực.
Khoản 4 Điều 1 Quyết định số 940/QĐ-UBND của tỉnh Bắc Giang ban hành ngày 25/8/2023 nêu rõ Dự báo về nhu cầu đất đai, cụ thể:
* Giai đoạn đến năm 2030:
Đất phát triển xây dựng khoảng 10.600-12.000ha, trong đó:
+ Đất phát triển đô thị khoảng 1.100-1.400 ha (tăng khoảng 750-1.000ha so với năm 2022);
+ Đất phát triển dân cư nông thôn khoảng 1.400-1.600ha;
+ Đất phát triển công nghiệp khoảng 1.000-1.500ha;
+ Đất phát triển thương mại, dịch vụ khoảng 650-750ha;
+ Đất Quốc phòng khoảng 700-800ha;
+ Đất xây dựng cơ sở hạ tầng và chức năng phát triển khác khoảng 5.800-6.000ha. - Đất sản xuất nông - lâm nghiệp và các chức năng khác khoảng 12.400-13.800ha.* Giai đoạn đến năm 2040:
- Đất phát triển xây dựng khoảng 13.500 đến 15.500ha; Chiếm khoảng 55-60% diện tích đất tự nhiên, trong đó:
+ Đất phát triển đô thị khoảng 2.500-3000ha (tăng khoảng 1.400-1.600ha so với năm 2030); chiếm khoảng 17-22% diện tích nhu cầu đất phát triển xây dựng;
+ Đất phát triển dân cư nông thôn khoảng 1.200-1.700ha;
+ Đất phát triển công nghiệp khoảng 1.600-1.800ha;
+ Đất phát triển thương mại, dịch vụ khoảng 800-1.200ha;
+ Đất Quốc phòng khoảng 700-800ha;
+ Đất xây dựng cơ sở hạ tầng và các chức năng phát triển khác khoảng 6.000-7.000ha.- Đất sản xuất nông - lâm nghiệp và các chức năng khác khoảng 9.000-11.000ha, chiếm khoảng 40-45% diện tích đất tự nhiên đô thị.