PV: Xin ông cho biết, đâu là thế mạnh và những điểm nổi bật trong sản xuất công nghiệp và thương mại của Bắc Kạn đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn 2016 - 2020?
Ông Hoàng Hà Bắc: Tỉnh Bắc Kạn có nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là chì, kẽm, sắt, vàng, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng, tài nguyên rừng và những sản phẩm đặc sản của địa phương... rất thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp khai thác, các ngành sản xuất, chế biến, các sản phẩm hàng hóa công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.
Giai đoạn 2016 - 2020 ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước tăng trưởng nhất định, dự báo Tổng sản phẩm ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2016 - 2020 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 13,78%/năm. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ngành công nghiệp - xây dựng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,72%/năm, tăng 2,5% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 dự báo có mức tăng trưởng bình quân 10,66%/năm. Dự báo đến năm 2020 tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu GRDP của tỉnh (theo giá hiện hành) đạt 15,35% và riêng ngành công nghiệp là 6,42%. Đến hết năm 2020, tỷ lệ số hộ trên địa bàn tỉnh sử dụng điện lưới quốc gia ước đạt 98%.
Tỉnh Bắc Kạn hướng đến tập trung phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm là thế mạnh, có giá trị gia tăng cao. Phát triển mạnh các sản phẩm công nghiệp có giá trị kinh tế như chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng như: Chì kim loại, sắt xốp, ván ép , ván MDF, viên nén gỗ, gạch không nung, miến dong, Cucumin nghệ ...
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ có bước phát triển và tăng trưởng tương đối nhanh so với các khu vực nông, lâm, thuỷ sản và công nghiệp - xây dựng; Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2016-2020 dự báo có mức tăng trưởng bình quân là 9,4%/năm.
Giai đoạn 2016-2020, thị trường ổn định và phát triển. Lượng hàng hoá phục vụ nhân dân dồi dào, phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua bán trao đổi hàng hoá và tiêu dùng của nhân dân; Hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại có bước phát triển tích cực, môi trường đầu tư được cải thiện, sản xuất; hạ tầng thương mại ngày càng được quan tâm, chú trọng đầu tư ...
PV: Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Sở Công Thương đã có những hoạt động gì cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo điều kiện cho doanh nghiệp địa phương tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh?
Ông Hoàng Hà Bắc: Để góp phần hỗ trợ, xây dựng doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, vì sự phát triển của tỉnh Bắc Kạn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thời gian qua bên cạnh việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc triển khai thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục hành chính, Sở Công Thương Bắc Kạn còn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp qua các hoạt động khuyến công và hoạt động xúc tiến thương mại, cụ thể:
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư cải tiến dần công nghệ sản xuất, thay thế dần các thiết bị lạc hậu, đồng bộ hoá công nghệ trong những ngành có lợi thế. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tìm kiếm, mở rộng thị trường, tham gia các Hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để trưng bày, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông - lâm sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia tiến trình hội nhập và phát triển.
Bên cạnh đó, hàng năm Sở Công Thương đã tích cực tham mưu UBND tỉnh Bắc Kạn triển khai đồng bộ các giải pháp thuộc lĩnh vực ngành quản lý và phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
PV: Giai đoạn tiếp theo, ngành Công Thương Bắc Kạn sẽ định hướng phát triển như thế nào? Thưa Ông!
Ông Hoàng Hà Bắc: Năm 2020, là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020.
Dịch bệnh Covid-19 khiến ngành Công Thương bị tác động không nhỏ, gây nhiều khó khăn cho sản xuất công nghiệp, một số doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Công nghiệp thiếu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất, điển hình như ván dán, chì kim loại.
Đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ giảm sâu so với cùng kỳ, đặc biệt là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống bị ảnh hưởng lớn do giảm lượng khách du lịch trong và ngoài nước dẫn đến doanh thu giảm so cùng kỳ năm trước.
Do đó, Sở Công Thương đã xây dựng kịch bản tăng trưởng theo từng quý của năm 2020.
Thường xuyên rà soát, tăng cường liên kết, bảo đảm nguồn cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu; tối ưu hoá đầu vào, đầu ra cho hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP của tỉnh; hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, công bố chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ các sản phẩm nông sản chất lượng cao hoàn thiện thủ tục để đủ điều kiện xuất khẩu (miến dong, Cucumin nghệ...);
Về mặt lâu dài, trong những năm tới phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản và dược liệu, sản xuất vật liệu xây dựng và phát triển dịch vụ là tiền đề để định hướng cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu Ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Xin trân trọng cảm ơn Ông.!