Thông báo biểu dương, đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực, cố gắng, phấn đấu, phát huy tiềm năng, thế mạnh và đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Tỉnh đã đề ra, thể hiện quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm về sự phát triển của địa phương, tất cả vì một Bạc Liêu phát triển xanh, nhanh, hài hòa và bền vững, người dân Bạc Liêu được ấm no, hạnh phúc.
Bạc Liêu có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, hydrogen,…) và phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là thủy hải sản, đặc biệt là 02 sản phẩm gạo và tôm; Bạc Liêu có truyền thống lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc, là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử Nam Bộ, con người Bạc Liêu giản dị, cần cù, sáng tạo, phóng khoáng, thân thiện, mến khách.
Diện mạo và tiềm lực kinh tế của Tỉnh trong những năm qua chuyển biến đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước khẳng định vị thế trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Tỉnh tăng 9,6%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15%; thu ngân sách nhà nước (thu nội địa) tăng 10,67%.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng. Đời sống của người dân được nâng cao, an sinh xã hội được bảo đảm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, ổn định.
Tuy nhiên, Bạc Liêu còn một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại cần khắc phục như: Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn FDI chưa nhiều; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu trong thời gian tới tỉnh Bạc Liêu tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI với trọng tâm là 3 đột phá chiến lược về: Hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và phát triển nguồn nhân lực.
Đồng thời, phát huy tối đa nội lực đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình; phát triển hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới. Nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, quan tâm công tác đào tạo, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu xây dựng các trường dạy nghề, đại học phù hợp với lợi thế, chiến lược phát triển của Tỉnh.
Nâng cao chất lượng du lịch, đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với truyền thống văn hóa lịch sử đặc sắc; cần vận động, khơi dậy tinh thần vươn lên làm giàu tại chỗ của người dân; giữ gìn bản sắc văn hóa, du lịch vùng Nam Bộ.
Chú trọng công tác quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, mở ra không gian phát triển mới, vừa khắc phục tồn tại hạn chế, khó khăn, thách thức; trong quy hoạch phải dành những vị trí thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh tạo công ăn việc làm và của cải vật chất. Khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để sớm triển khai, thực hiện.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ; phát huy thế mạnh, tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển năng lượng tái tạo (trong đó có điện gió, điện mặt trời, hydrogen,…) đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông sản chủ lực.
Tỉnh cần phát triển toàn diện kinh tế biển, nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi bền vững và tạo việc làm cho lao động địa phương; kiên quyết chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Xây dựng nông thôn mới trên quan điểm nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Nghiên cứu xây dựng trung tâm chế biến thức ăn gia súc và thủy sản cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Bạc Liêu.
Triển khai nghiêm túc, quyết liệt 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, huy động cả hệ thống chính trị kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từng dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, làm tốt công tác phối hợp với các địa phương khác. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả; thực hiện tốt cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng theo thẩm quyền, gắn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị.
Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng; huy động nguồn lực toàn xã hội, trong đó có hợp tác công tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và giải ngân vốn đầu tư công; tạo sự chuyển biến rõ nét về hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng tăng cường tính liên kết nội tỉnh và liên kết vùng.
Thủ tướng cũng yêu cầu Tỉnh khắc phục triệt để tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng dịch COVID-19, không để xảy ra dịch chồng dịch. Bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo, người yếu thế, làm tốt chính sách với người có công, gia đình chính sách, không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai không có Tết; chuẩn bị đủ nguồn cung hàng hóa, kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, giải quyết tốt các vấn đề xã hội….