Theo cập nhật mới đây từ Chứng khoán Dầu khí, S&P Global dự báo vốn đầu tư toàn cầu cho phân khúc thượng nguồn ngành dầu khí sẽ phục hồi với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 4% trong giai đoạn 2023 - 2027. Trung Đông dự kiến là khu vực dẫn dắt hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí (E&P) toàn cầu, theo sau là các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á.
Đáng chú ý, tại khu vực Đông Nam Á, mức giá hòa vốn của các dự án khai thác dầu ở khoảng 50 - 60 USD/thùng. Do đó, ngay cả khi giá dầu thô Brent được dự báo duy trì ở vùng 70 - 80 USD/thùng trong năm 2025 thì vẫn cao hơn nhiều so với mức hoà vốn sản xuất, từ đó thúc đẩy hoạt động E&P tại đây. Điều này sẽ tiếp tục tạo ra khối lượng công việc lớn cho các doanh nghiệp dầu khí.
Tại Việt Nam, “siêu” dự án khí điện Lô B - Ô Môn với tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD được coi là động lực tăng trưởng chính của ngành dầu khí. Hiện tại, dự án này vẫn chưa có Quyết định đầu tư cuối do vướng mắc ở khâu Hạ nguồn, gồm Hợp đồng mua bán điện (PPA) cho các nhà máy điện Ô Môn 1,2,3,4 và Hợp đồng Bán khí (GSA) cho 3 nhà máy điện Ô Môn 2,3,4.
Tuy nhiên, với việc các gói thầu lớn như EPCI 1 và EPCI 2 thuộc khâu thượng nguồn đã được triển khai xây dựng, và vai trò chiến lược trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, FID đối với toàn bộ chuỗi dự án Lô B - Ô Môn sẽ sớm chính thức được thông qua.
Ngoài ra, loạt dự án dầu khí mới như Lạc Đà Vàng, Cá Tầm, và Sư Tử Trắng 2B… đã và sẽ được triển khai trong giai đoạn 2025 - 2026. Theo đó, các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn trong nước, điển hình là Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS - sàn HoSE), sẽ hưởng lợi lớn, theo Chứng khoán Dầu khí.
Với thế mạnh là doanh nghiệp xây lắp cơ khí, công trình dầu khí ngoài khơi (M&C) hàng đầu Việt Nam, loạt dự án dầu khí trên sẽ tạo nguồn việc lớn cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí.
Chứng khoán Dầu khí hiện ước tính lượng backlog trong mảng M&C của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong giai đoạn 2024 - 2025 dự kiến sẽ lên tới 34.206 tỷ đồng (tương đương 1,34 tỷ USD), gồm 12.749 tỷ đồng trong năm 2024 (tăng 14% so với năm 2023) và 21.457 tỷ đồng trong năm 2025 (tăng 68% so với năm 2024). Đây đều là những giá trị cao kỷ lục trong ít nhất 10 năm trở lại đây kể từ thời kỳ “vàng son” gần nhất của ngành dầu khí Việt Nam.
Đáng chú ý, Chứng khoán Dầu khí nhận định riêng dự án Lô B sẽ tạo ra khoản doanh thu lên đến 5,8 tỷ USD cho Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí trong suốt vòng đời dự án, xuất phát từ các hợp đồng xây lắp cơ khí (M&C) triển khai từ năm 2024 và 01 hợp đồng cho thuê kho nổi chứa dầu (FSO) bắt đầu từ năm 2028.
Trong đó đầu tháng 9/2024, liên danh Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí - McDermott (Hoa Kỳ) đã được trao thầu toàn diện cho gói thầu EPCI 1. Gói thầu này có giá trị khoảng 1,1 tỷ USD, trong đó phần việc của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí là khoảng 550 triệu USD.
Đồng thời, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC - công ty con của Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí với tỷ lệ sở hữu 100% cũng được trao thầu toàn diện cho gói thầu EPCI 2 với giá trị 400 triệu USD.