Kinh tế Việt nam – nỗi lo giảm phát!

Cuối tháng 9/2010, trong một hội nghị báo chí về lĩnh vực thị trường tài chính và chứng khoán, tôi đã đưa ra quan điểm rằng phần lớn các tổ chức nước ngoài lớn chưa quan tâm tới Việt nam bởi họ e ngại
Lạm phát và lãi suất

Tính đến tháng 6/2011, chỉ số CPI ở mức 20.82% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với thời điểm cuối năm 2010 khi chỉ số CPI nằm trong khoảng 9-11%. Nếu tính từ đầu năm thì chỉ số này đã tăng 13.29%. Các con số này phần lớn cao hơn con số mục tiêu được chính phủ liên tục điều chỉnh trong thời gian qua, gần nhất là 17% cho năm 2011. Chỉ số CPI hàng tháng tuy vậy đang giảm dần, tháng 6/2011 chỉ còn 1.09% sau khi tăng mạnh vào tháng 4/2011 ở mức 3.32%.

Về phía lãi suất, mặc dù trần huy động là 14%, nhưng hầu hết quan điểm chung cho rằng mức lãi suất này thực tế không tồn tại. Báo cáo của Ngân hàng nhà nước trong tháng 5/2011 cho rằng mặt bằng lãi suất huy động trung bình khoảng 15.5% và cho vay khoảng 18.7%, có giảm so với trước đó nhưng tăng trung bình 3% so với thời điểm cuối năm 2010. Mặc dù vậy những con số này vẫn được cho là được báo cáo thấp hơn thực tế bởi Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay từ 18-22%, cá biệt lên tới 25-27%

Đồ thị 1: Xu thế chỉ số giá cả (đường đứt quãng là dự báo)



Tài khóa và đầu tư công

Việc mặt bằng lãi suất ở mức cao là điều thường thấy, nhưng không có nghĩa là thường đúng, trong phản ứng chính sách tiền tệ tại Việt nam. Bỏ qua những tranh luận về cách tiếp cận tiền tệ này, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng, việc chống lạm phát có thể sẽ chỉ thực sự thành công nếu đầu tư công được kiểm soát một cách hiệu quả. Báo chí dẫn nguồn từ Ủy ban Kinh tế quốc hội cho biết tổng giá trị cắt giảm đầu tư công tính đến tháng 5/2011 vào khoảng 80,550 tỷ đồng, khoảng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội[ii]. Thoạt nhìn, đây là một con số tích cực thể hiện sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, khi nhìn vào con số đầu tư từ ngân sách nhà nước của tổng cục thống kê, tính đến tháng 5/2011 thì tổng đầu tư từ ngân sách là 73,359 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2010, con số này là 45,623 tỷ đồng, thì cách nhìn nhận có thể sẽ thay đổi. Mặc dù đầu tư từ ngân sách không đồng nghĩa với đầu tư công, nhưng con số này cũng cho tôi một băn khoăn là liệu có phải chúng ta đã có kế hoạch đầu tư quá dàn trải để rồi ngay cả khi đang thực hiện cắt giảm theo Nghị quyết 11 của chính phủ thì đầu tư từ ngân sách vẫn tiếp tục ở mức cao nếu xét theo giá trị tuyệt đối? Nếu điều này là đúng, thì dường như kết luận sẽ là chính sách tài khóa đã đi theo hướng tốt, nhưng không phải tốt nhất, bởi thực tế là những khoản đầu tư được cắt giảm là những khoản đầu tư được dự kiến quá mức, trong khi chính sách tài khóa không hẳn là thắt chặt. Do vậy, tâm điểm tác động tới nền kinh tế trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục là chính sách tiền tệ.

Tiền tệ và tín dụng

Mặt bằng lãi suất cao làm giảm tăng trưởng tín dụng bởi một mặt không khuyến khích doanh nghiệp lành mạnh vay vốn trong khi các ngân hàng e ngại việc cho vay vốn đối với những doanh nghiệp kinh doanh rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh tín dụng phi sản xuất được khống chế ở mức 22% vào cuối tháng 6/2011 và 16% vào cuối năm 2011. Theo báo cáo của ngân hàng nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, tổng dư nợ tín dụng chỉ tăng 7.13% so với cuối năm 2010 trong khi mục tiêu của Ngân hàng nhà nước trong năm 2011 là 20%.

Trước đây, tình trạng này thường gắn liền với thanh khoản kém trong hệ thống ngân hàng, nhưng hiện tại thì điều này không còn đúng khi các thông tin mới nhất cho thấy hệ thống ngân hàng đang dồi dào thanh khoản[iv]. Cụ thể, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã giảm nhiệt trong vòng một tháng trở lại đây, với lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn ổn định ở mức 12-13%. Sự tham gia tích cực của các ngân hàng trong việc mua trái phiếu chính phủ có tỷ suất chỉ 13% so với lãi suất tái chiết khấu là 15% cũng là dấu hiệu cho thấy hệ thống ngân hàng đang thừa thanh khoản.

Tăng trướng tín dụng thấp so với mục tiêu trong khi nhu cầu doanh nghiệp cao, đồng thời thanh khoản trong hệ thống ngân hàng thuận lợi, cho tôi kết luận rằng mặt bằng lãi suất cao chính là rào cản cho các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận vốn tín dụng. Bản thân các ngân hàng do đã phải huy động lãi suất cao nên họ cũng chưa dễ dàng chấp nhận việc giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Nếu mặt bằng lãi suất cao mà tăng trưởng tín dụng tăng thì đó quả thực là một nguy cơ đối với nền kinh tế bởi khi đó tín dụng đã được luồn lách để đưa qua nhóm phi sản xuất vốn đang có nhu cầu cao và đang bị khống chế. Nền kinh tế sẽ phát triển khỏe mạnh nếu tín dụng phi sản xuất được khống chế và đồng thời mặt bằng lãi suất phải giảm xuống.

Nỗi lo giảm phát

Sâu chuỗi những lập luận rời rạc nêu trên cho phép tôi vẽ nhanh bức tranh kinh tế Việt nam hiện tại như sau: “Một nền kinh tế đang trải qua thời kỳ khó khăn do các chính sách thắt chặt; chỉ số giá cả CPI lên tới 20.82%; lãi suất cho vay ra nền kinh tế ở mức 20-22%; các ngân hàng không thiếu thanh khoản nhưng chưa sẵn sàng cho vay ra nền kinh tế do chi phí vốn cao trong khi các doanh nghiệp lành mạnh không thể có lãi với chi phí lãi vay quá cao; khoảng 30% doanh nghiệp đã bị phá sản; chính sách tài khóa không hẳn là thắt chặt và do vậy chính sách tiền tệ sẽ vẫn được dùng là công cụ chính để điều tiết kinh tế”.

Trong nền kinh tế này, nếu tiếp cận theo hướng khi nào lạm phát về mức mong đợi thì lúc đó mới giảm lãi suất thì có thể vòng luẩn quẩn mới lại tiếp tục bởi những chính sách giật cục sẽ mang lại những cú sốc với nền kinh tế. Phần lớn giới nghiên cứu đều đưa ra nhận định rằng chỉ số giá hàng tháng đã giảm và chỉ số giá theo năm được dự báo sẽ đạt đỉnh vào tháng 8/2011 ở mức khoảng 22%, cho thấy rằng xu thế lạm phát đang sẵn sàng để thay đổi theo hướng giảm xuống. Vấn đề mấu chốt của quan ngại lạm phát không còn nằm ở việc nó sẽ đạt mức bao nhiêu, mà là xu thế lạm phát có thay đổi hay không.

Theo đánh giá của cá nhân tôi, nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục ở mức cao, nền kinh tế Việt nam sẽ đối diện với nguy cơ giảm phát trong thời gian tới bởi sự sụt giảm của cả cung và cầu. Số liệu của tổng cục thống kê tính đến hết tháng 6/2011 cho thấy, trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa giảm đều trong thời gian qua, từ khoảng 25-26% cuối năm trước xuống 22-23% ở hiện tại, thì giá trị sản xuất công nhiệp đã có những sự sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây, giảm còn 9.7% so với trung bình khoảng 14% trước đó. Điều này phù hợp với quan sát về sự khó khăn của doanh nghiệp nêu trên và có nghĩa là thời kỳ khó khăn nhất của doanh nghiệp thực sự đang bắt đầu.

Sự khó khăn của doanh nghiệp trong nước và sự giảm sút của sản xuất nội địa cũng được nhìn thấy qua việc tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn trong nửa đầu năm (5.57% so với cùng thời kỳ năm trước) và giá trị thâm hụt thương mại gia tăng (liên tiếp từ tháng 2-5, thâm hụt thương mại trên 1tỷ đô la, tháng Sáu thâm hụt nhẹ là do xuất khẩu vàng). Với những diễn biến này, chúng tôi dự báo chỉ số giá sẽ giảm mạnh trong thời gian tới, và giảm thậm chí dưới 15% vào cuối năm 2011 nếu điều kiện hiện tại tiếp diễn[v].

Đồ thị 2 – Sản xuất công nghiệp và tổng mức bán lẻ hàng hóa (lũy kế so với cùng kỳ)



Đồ thị 3 – Cán cân thương mại

Đồ thị 4 – Tăng trưởng kinh tế 


Vài suy nghĩ thay kết luận

Mặc dù những suy nghĩ của tôi có thể không mang tính đại diện, nhưng nỗi lo giảm phát là có thật. Hay dùng từ ngữ nghe thực tế hơn, nguy cơ về việc đình đốn sản xuất là hiện hữu. Bài toán này chỉ có thể giải quyết được nếu mặt bằng lãi suất giảm xuống đồng thời quy định về tín dụng phi sản xuất được tuân thủ nghiêm ngặt. Xét ở khía cạnh công cụ tiền tệ, nếu đợi chỉ số giá giảm xuống để giảm mặt bằng lãi suất thì đó là công việc của thị trường. Còn nếu uốn các mức lãi suất cho vay theo hướng giảm xuống thì đó là công việc của nhà quản lý. Tôi cho rằng một khi các ngân hàng thừa thanh khoản, việc giảm lãi suất cho vay sẽ tạo ra thiệt thòi so với chi phí vốn nhưng điều này có thể còn có lợi hơn nhiều so với việc chờ cho vay lãi suất cao mà không cho vay được. Tôi nghĩ rằng việc khống chế mức trần lãi suất cho vay trong điều kiện hiện tại có thể sẽ không còn tạo ra nhiều sự phản đối như trước./.

Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2010 - VEPR