Chuyển dịch cơ cấu qua mỗi 5 năm
- Giai đoạn 1996 - 2000, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước tăng cao nhất (15,8%), sau đó là công nghiệp khai khoáng (14,5%) cuối cùng là công nghiệp chế biến (13,6%).
Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước sản xuất ra những sản phẩm có nhu cầu lớn và ưu tiên đầu tư nên duy trì được tốc độ phát triển tương đối ổn định. Sản lượng điện phát ra đã tăng từ 26,7 tỷ kWh năm 2000 lên 52,1 tỷ kWh năm 2005 và 91,6 tỷ kWh năm 2010. Sản lượng nước máy cũng tăng từ 780,2 triệu m3 năm 2000 lên 1180,4 triệu m3 năm 2005 và 1812,4 triệu m3 năm 2010.
Tính chung, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 1994 của ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước năm 2010 đạt 42,6 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần so với 12,9 nghìn tỷ đồng năm 2000. Do tăng trưởng ổn định nên tỷ trọng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp này trong tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp suốt giai đoạn 1996 - 2010 duy trì ở mức trên dưới 6%.
- Giai đoạn 2001 - 2005, công nghiệp chế biến bắt đầu nổi lên, dẫn dắt sự tăng trưởng toàn ngành với mức tăng 17,5%, sau đó là sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước tăng 14,1%, cuối cùng là công nghiệp khai khoáng 6,8%. Điều đó cho thấy, công nghiệp chế biến được đẩy mạnh theo đúng đường lối công nghiệp hóa mà Đại hội Đảng lần thứ VII, thứ VIII đề ra là “thực hiện quá trình công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa”, và chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ IX: “công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần và có thể rút ngắn thời gian so với các nước đi trước, vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt. Kết hợp phát triển các ngành có lợi thế và một số ngành công nghiệp nặng, một số ngành có công nghệ cao”.
- Giai đoạn 2006 - 2010, tuy bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 - 2009, nhưng công nghiệp chế biến tiếp tục dẫn đầu với mức tăng trưởng 15,7%, tiếp theo là sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước 10,5%. Riêng công nghiệp khai khoáng (bao gồm 4 ngành: khai thác than; khai thác dầu thô và khí tự nhiên; khai thác quặng kim loại; khai thác đá và khai thác mỏ khác) bắt đầu giảm tốc từ giai đoạn 2001 - 2005, luôn giữ mức tăng trưởng thấp nhất cho đến năm 2010, thể hiện chính sách hạn chế khai thác tài nguyên, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, dành cho chế biến sâu khi năng lực sản xuất trong nước được nâng lên, nhất là dầu khí.
- Tính chung 10 năm (2001 - 2010) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển tương đối cao với tốc độ bình quân mỗi năm tăng 16,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2010 theo giá so sánh năm 1994 đã gấp 4,61 lần năm 2000.
Tính trên tốc độ tăng trưởng, tăng trưởng công nghiệp qua mỗi 5 năm, từ 1996 - 2010 luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, và xét trên sự chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp, cho thấy công nghiệp hóa ngày càng gắn chặt với hiện đại hóa. Công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn nhất và xu hướng tăng dần qua các năm, từ 80,56% năm 1995 lên 90,02% năm 2010.
Hai ngành còn lại có tỷ trọng ít hơn nhiều, tương đương nhau và có xu hướng giảm, trong đó, giảm mạnh nhất là công nghiệp khai khoáng từ 13,44% năm 1995 xuống 4,7% năm 2010; sản xuất và phân phối điện, khí đốt và nước có mức giảm ít hơn, từ 6,0% năm 1995 xuống 5,26% năm 2010.