3 yếu tố giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh liền 2 năm 2021-2022

Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021 nhận định rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi 3 yếu tố

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi ở mức 6,7% trong năm nay bất chấp sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 ở các quốc gia lân cận, và tăng lên 7,0% trong năm 2022, theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

 “Tiêu dùng nội địa trì trệ và sức cầu bên ngoài yếu do đại dịch COVID-19 làm giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm ngoái, nhưng đà tăng trưởng vẫn tiếp tục mạnh trong năm nay và năm sau, nhờ thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát sự lây lan của virus,” Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries phát biểu. “Nhưng năm nay và năm sau vẫn còn nhiều rủi ro đáng kể, trong đó có sự trở lại của các biến thể virus corona mới và sự chậm trễ trong chương trình vắc-xin của chính phủ.”

Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021 nhận định rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi 3 yếu tố. Trước hết ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu; thứ hai tăng đầu tư và thứ ba, mở rộng thương mại. Đà tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục, nhờ các chương trình cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và sự tham gia của Việt Nam vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các nền kinh tế phát triển. Giá dầu thế giới và tiêu dùng nội địa cùng gia tăng, dự kiến sẽ đẩy tỉ lệ lạm phát lên 3,8% trong năm nay và 4,0% trong năm 2022.

Báo cáo của ADB cũng cho biết, sự phục hồi nhanh hơn so với dự kiến ở Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và Mỹ sẽ cải thiện đáng kể triển vọng thương mại và tăng trưởng của Việt Nam, báo cáo nhận định. Tuy nhiên, tốc độ triển khai chương trình tiêm chủng COVID-19 không đồng đều trên toàn cầu có thể trì hoãn việc Việt Nam trở lại với mức tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch, do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế. Đầu tư tư nhân trong nước phục hồi nhanh chóng có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ bong bóng tài sản, nếu như tín dụng không được dẫn hướng vào các lĩnh vực sản xuất.

Báo cáo còn nhận định rằng Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng bao trùm bằng cách làm dịu đi tác động của đại dịch đối với nghèo đói và thu nhập. Báo cáo kêu gọi Chính phủ áp dụng một chiến lược bền vững, dài hạn để giúp đỡ cho sinh kế của người nghèo và người dễ bị tổn thương thông qua những biện pháp như đào tạo nghề và cải thiện tiếp cận với tín dụng vi mô cho các doanh nghiệp mới.

Phong Châu