Đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế số

THS. BÙI THỊ XUÂN (Giảng viên khoa Quản trị kinh doanh - Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Nền kinh tế số sẽ mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và thách thức lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải tích cực, chủ động, chớp lấy thời cơ và khắc phục những khó khăn, thách thức để vươn lên. Bài viết chỉ ra giải pháp toàn diện đối với doanh nghiệp, người lao động và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo hướng nâng cao năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo.

Từ khoá: đổi mới sáng tạo, kinh tế số, hội nhập quốc tế, khoa học công nghệ.

1. Đặt vấn đề

Nền kinh tế số sẽ mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp nói chung không thể đứng ngoài cuộc mà cần phải tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ số, chớp lấy thời cơ và khắc phục những khó khăn, thách thức để vươn lên. Trong phạm vi bài viết này sẽ xem xét khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế số ở khía cạnh “Phát triển nguồn nhân lực”.

2. Khái niệm đổi mới sáng tạo

Luật Khoa học và Công nghệ (Luật số: 29/2013/QH13, ngày 18 tháng 6 năm 2013) đã chỉ rõ: “Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”.

Đổi mới sáng tạo được xem là một “khuôn khổ cho sự thay đổi”, dẫn đến hình thành các giải pháp có tác động tích cực đến thương mại, môi trường và xã hội.

Đổi mới sáng tạo thể hiện tính mới hoặc sự thay đổi cơ bản, qua đó tạo ra giá trị mới hoặc thay đổi các giá trị hiện có. Đổi mới sáng tạo có thể được thể hiện dưới hình thức sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình, phương pháp,…

“Tính mới hoặc sự thay đổi cơ bản” được thể hiện bằng việc tạo mới hoặc cải tiến (hoặc kết hợp) một sản phẩm, quá trình để hình thành sản phẩm, quá trình khác biệt đáng kể với sản phẩm, quá trình trước đó.

“Tạo ra giá trị mới hoặc thay đổi các giá trị hiện có” là việc đưa các giá trị mới vào trong các cấu phần khác hoặc trực tiếp đưa đến người sử dụng.

Đổi mới sáng tạo căn bản (Radical innovation breakthrough innovation)

Đổi mới sáng tạo căn bản được hiểu là đổi mới sáng tạo với một mức độ thay đổi cao. Đổi mới sáng tạo đột phá liên quan đến thực thể hoặc xác định thông qua tác động của nó. Đổi mới sáng tạo đột phá một khía cạnh khác so với Đổi mới sáng tạo liên tục để tăng sự đổi mới sáng tạo.

Đổi mới sáng tạo đột phá (Disruptive innovation)

Đổi mới sáng tạo đột phá giải quyết các vấn đề ít được quan tâm nhằm thay thế các sản phẩm, quy trình đã được thiết lập. Đổi mới sáng tạo đột phá tập trung vào các vấn đề cơ bản, đơn giản với hiệu suất thấp hơn.

So với các sản phẩm, quy trình đã được thiết lập, đổi mới sáng tạo đột phá có hiệu quả chi phí cao hơn, yêu cầu sử dụng ít tài nguyên hơn. Các sản phẩm, quy trình từ đổi mới sáng tạo đột phá được cung cấp với chi phí thấp hơn. Đổi mới sáng tạo đột phá tạo ra thị trường mới, giúp triển khai các mô hình kinh doanh để đạt được các giá trị mới.

3. Phân tích công cụ để phát triển nguồn nhân lực theo hướng nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo

3.1. Thang cấp độ tư duy

Công cụ nền tảng để xây dựng mục tiêu và hệ thống hóa các cấp độ tư duy là thang cấp độ tư duy do Benjamin S. Bloom thiết lập (1956). Sau đó được điều chỉnh, và gọi là Thang Bloom chỉnh sửa (Bloom’s Revised Taxonomy) bao gồm: Nhớ (Remembering), Hiểu (Understanding), Vận dụng (Applying), Phân tích (Analyzing), Đánh giá (Evaluating), Sáng tạo (Creating).

Vì vậy, năng lực tư duy sáng tạo được thể hiện qua ít nhất 5 cấp độ dưới đây.

1. “Nhận ra nhu cầu cần có cách tiếp cận mới”: là cấp độ thấp nhất (cấp độ 1), tương ứng với khi biết: xem xét lại cách tiếp cận truyền thống và tìm các giải pháp có thể có; sẵn sàng đón nhận ý tưởng mới;

2. “Thay đổi các cách tiếp cận hiện có”, là cấp độ cao hơn (cấp độ 2), xuất hiện khi biết: phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của các cách tiếp cận hiện có; thay đổi và làm cho các cách tiếp cận hiện có thích hợp hơn với nhu cầu;

3. “Đưa ra cách tiếp cận mới” là cấp độ 3, tương ứng với khả năng biết: tìm kiếm các ý tưởng hoặc giải pháp đã có tác dụng trong các môi trường khác để áp dụng chúng tại doanh nghiệp của mình; vận dụng các giải pháp đang có theo cách mới lạ hơn nhằm giải quyết vấn đề với hiệu quả cao hơn;

4. “Tạo ra khái niệm mới” là cấp độ cao hơn nữa (cấp độ 4) là khi có được khả năng: tổng hợp các khái niệm cần thiết để định hình một giải pháp mới; tạo ra các mô hình và phương pháp mới cho đơn vị;

5. “Nuôi dưỡng sự sáng tạo” là cấp độ cao hơn cả (cấp độ 5). Năng lực này chỉ có ở một số ít nhà quản lý, nghiên cứu, bao gồm: khuyến khích mọi người thử nghiệm ý tưởng mới khác hẳn cách làm truyền thống; hỗ trợ cho việc thử nghiệm ý tưởng mới nhằm biến ý tưởng thành hiện thực.

3.2. Mô hình 3 thành phần của tính sáng tạo

Ba thành phần của tính sáng tạo bao gồm: Sự thông thạo, kỹ năng tiếp cận và động lực. Trong đó:

- Sự thông thạo: Kiến thức về kỹ thuật, quy trình, trí tuệ.

- Kỹ năng tiếp cận, tư duy: Mức linh hoạt và sức tưởng tượng của con người khi tiếp cận vấn đề.

- Động lực: Sự đam mê bên trong để giải quyết những vấn đề sắp đến sẽ mang lại những giải pháp sáng tạo hơn so với những phần thưởng bên ngoài như tiền bạc. Thành phần này còn được gọi là động lực bên trong có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi môi trường làm việc.

4. Giải pháp toàn diện đối với doanh nghiệp, người lao động và nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo hướng nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo

Những nguyên nhân cản trở tư duy sáng tạo có thể liệt kê ra một số nguyên nhân như sau:

  1. Lối mòn tư duy.
  2. Tin vào kinh nghiệm.
  3. Sợ thất bại.
  4. Sợ bị chê cười.
  5. Không muốn chấp nhận những ý tưởng khác thường.
  6. Chấp nhận sự sẵn có.

Từ đó, ta có các giải pháp để phá vỡ những rào cản đó như sau:

4.1.  Đối với doanh nghiệp, nhà quản trị

Trao quyền

Nhiều chủ doanh nghiệp dù luôn miệng hô hào về đổi mới sáng tạo nhưng lại vô tình giết chết tư duy sáng tạo khi không hề trao quyền cho nhân viên. Việc của một người lãnh đạo là khuyến khích, thúc đẩy nhân viên để họ có thể phát huy tối đa tiềm năng của họ. Chính vì vậy, nhà quản trị vạch sẵn đường đi nước bước cho nhân viên hoặc ép buộc họ phải làm theo những khuôn khổ thông thường của mình, tức là đã tự triệt tiêu tư duy sáng tạo của cấp dưới. Thay vì vậy, hãy trao quyền cho họ để họ có thể tự do phát triển và hoàn thành công việc theo phương pháp riêng của mình. Đương nhiên, việc trao quyền ở đây không có nghĩa là để cho nhân viên muốn làm gì thì làm. Việc trao quyền phải đi cùng với những ranh giới nhất định sao cho họ vẫn có đủ không gian để sáng tạo mà không gây ảnh hưởng đến chính sách chung của tổ chức.

Trung thực

Một yếu tố quan trọng nữa khi xây dựng tư duy đổi mới sáng tạo chính là duy trì tính trung thực trong doanh nghiệp. Bản thân người lãnh đạo phải khuyến khích nhân viên bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời thể hiện thái độ tôn trọng đối với ý kiến của mỗi nhân viên. Đừng chỉ thu thập ý kiến mà không sử dụng chúng. Mỗi ý kiến nên được đưa ra để bàn luận, kể cả khi ý kiến đó có vẻ không hấp dẫn.

Xây dựng cộng đồng

Một bí quyết hữu ích để sáng tạo chính là xây dựng một cộng đồng chung. Việc duy trì một cộng đồng sẽ có ích trong việc kích thích nhân viên bày tỏ ý kiến cá nhân và giảm thiểu những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Cộng đồng càng rộng lớn, ý tưởng mà thu được càng nhiều và mức độ khả thi của ý tưởng lại càng tăng lên. Cộng đồng này có thể bao gồm nhân viên, nhà quản lý, nhà cung cấp, nhà phân phối, thậm chí là khách hàng.

Đổi mới từ chính lãnh đạo

Cuối cùng, để tư duy đổi mới sáng tạo được hoàn thiện và phổ biến đến toàn thể nhân viên, doanh nghiệp cần có những nhà lãnh đạo tài giỏi, có khả năng truyền cảm hứng và đam mê sáng tạo cho nhân viên, những người có tư duy rộng mở và sẵn sàng trao quyền cho nhân viên, cũng như những người tạo ra các cộng đồng chung.

4.2. Đối với người lao động

Người lao động nên làm gì để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Quan trọng nhất là học tập nâng cao trình độ học vấn. Phổ cập, nâng cao kiến thức phổ thông, học thêm ngoại ngữ, tin học,… giúp người lao động tiếp cận với máy móc công nghệ cao hoặc học thêm nghề mới dễ dàng hơn.Học tập nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để tạo ra sản phẩm nhanh nhất, hiệu quả nhất, tốt đẹp nhất; người lao động có thể điều khiển làm chủ các máy móc có giá trị cạnh tranh thay thế được máy móc thiết bị nhập ngoại; có thể nghiên cứu, ứng dụng robot, cánh tay robot vào sản xuất.

Học tập nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật. Học kỹ năng sống: kỹ năng làm việc nhóm, tác phong lao động công nghiệp; kỹ năng sử dụng thiết bị bảo hộ lao động, kỹ năng giải quyết tranh chấp, xung đột, kỹ năng chăm sóc sức khỏe bản thân, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con cái, kỹ năng ứng xử văn hóa, giao tiếp,… Đặc biệt, cần luôn chủ động tích cực xây dựng tính sáng tạo cá nhân trong tổ chức, tự ý thức phát triển bản thân, vận dụng linh hoạt các kỹ thuật rèn luyện tư duy sáng tạo: Minmap, Brainstorm, Scamper,…

4.3. Đối với Nhà nước, nhà quản lý

Trong bối cảnh mới, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tăng năng suất lao động quốc gia, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề đặt ra. Tăng cường nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nhân lực đối với phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các cấp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp/người sử dụng lao động và người dân. Nhất quán giữa chủ trương và hành động về phát triển con người, giữa ban hành chính sách và đảm bảo nguồn lực thực hiện. Coi đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển và phải đi trước một bước. Kế hoạch về nguồn nhân lực phải là cấu phần quan trọng trong mọi chương trình dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng môi trường làm việc, trọng dụng nhân tài đồng bộ, tạo cơ hội cho người tài phát huy năng lực và thu hút nhân lực trình độ cao.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, nhất là các trường đại học định hướng nghiên cứu. Nhà trường chủ động tiếp cận thị trường và tạo ra nhu cầu cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường kết nối đào tạo và sử dụng lao động. Tăng cường thông tin thị trường lao động. Mở rộng liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo, mở rộng môi trường và cơ hội thực hành và cơ hội việc làm cho học sinh/sinh viên.

5. Kết luận

Trong thế giới hiện đại, khi chuyển dần sang nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức và trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định. Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là cơ hội đồng thời mở ra những thách thức đối với việc phát triển nguồn nhân lực. Và định hướng nâng cao năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo chính là hướng đi đúng đắn và tất yếu của thời đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Kim Dung (2015), Quản trị nguồn nhân lực , NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh.
  2. Nhiều tác giả (2019), Tài liệu học tập Quản trị nhân lực, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp.
  3. Các sách, báo, tạp chí, website chuyên ngành. Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

 Innovation in the development of digital economy in Vietnam

Master. Bui Thi Xuan

Lecturer, Faculty of Business Administration

University of Economics - Technology for Industries

 ABSTRACT:

The development of digital economy brings great opportunities for Vietnam to grow and integrate into the global economy. Science, technology and innovation have become decisive factors for competitiveness. Vietnamese businesses are facing great opportunities and challenges. It is necessary for Vietnamese businesses to be proactive to take advantage of opportunity and overcome difficulties. This paper points out comprehensive solutions for businesses, employees and the government of Vietnam to develop human resources towards improving creative thinking and innovation capacity.

Keywords: innovation, digital economy, international integration, science and technology.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]