Đổi mới sáng tạo tài chính và tăng trưởng kinh tế Việt Nam

ThS. HUỲNH THỊ THÚY VY (Học viện Hành chính Quốc gia)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu phân tích tác động của đổi mới sáng tạo tài chính lên tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ 1999-2017 tại Việt Nam bằng mô hình ARDL Bound Test. Bằng chứng thực nghiệm tìm thấy tác động tích cực của đổi mới sáng tạo tài chính lên tăng trưởng kinh tế với cả hai đại diện là tỷ lệ cung tiền M2/M1 và tăng trưởng tín dụng tư nhân bởi yếu tố ngân hàng trong ngắn hạn. Ngược lại, mối quan hệ này là ngược chiều trong dài hạn. Kết quả hàm ý quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách khi đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ, cũng như hiệu quả hoạt động của các ngân hàng trong khuôn khổ hội nhập tài chính.

Từ khóa: Đổi mới sáng tạo tài chính, tăng trưởng kinh tế, ARDL.

1. Giới thiệu

Lý thuyết phát triển kinh tế của Schumpeter (1911) cho rằng phát triển kinh tế được thúc đẩy bởi sự đổi mới trong các trung gian tài chính. Chủ đề về tác động của đổi mới sáng tạo tài chính lên tăng trưởng kinh tế đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Đổi mới sáng tạo tài chính đã làm thay đổi và tái cấu trúc lại các dịch vụ ngân hàng trên toàn cầu và tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế. Tuy nhiên, tác động này ở các nước đang phát triển vẫn chưa được theo đuổi rộng rãi. Các nghiên cứu về đổi mới tài chính ở các nước đang phát triển cho đến nay chủ yếu tập trung vào các vấn đề phúc lợi, đặc biệt là về tác động có bao gồm tài chính (Chibba, 2009). Từ góc độ lịch sử, Laeven và cộng sự (2015) chỉ ra rằng sự đổi mới sáng tạo tài chính là động lực đằng sau sự tăng cường tài chính và phát triển kinh tế qua nhiều thế kỷ. Đổi lại, Štreimikienơ (2014) tranh luận cụ thể hơn rằng đổi mới sáng tạo tài chính là động lực cho tăng trưởng kinh tế rộng. Mặc dù còn có nhiều bằng chứng tranh luận về mối quan hệ nhân quả, tuy nhiên cũng có sự đồng thuận rộng rãi rằng các hệ thống ngân hàng hoạt động tốt sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng (Demetriades & Andrianova, 2005).

Lerner và Tufano (2011) và Diễn đàn Kinh tế thế giới (2012) định nghĩa đổi mới tài chính như là hành động chế tạo và sau đó phổ biến các công cụ tài chính mới, công nghệ, thể chế, thị trường, quy trình và mô hình kinh doanh bao gồm ứng dụng mới các ý tưởng hiện có trong bối cảnh thị trường khác nhau. Đổi mới tài chính là kết quả mong muốn của những tham gia thị trường để thiết lập những cách mới, hiệu quả tăng lợi nhuận khi cung cấp hàng hóa và dịch vụ (Bilyk, 2006). Đổi mới tài chính liên quan đến việc vượt qua một khoảng thời gian trong công cụ tài chính và phương thức thanh toán giúp giảm chi phí và tăng lợi ích trên các tác nhân kinh tế. Frame và White (2000) liên kết sự xuất hiện của đổi mới tài chính với các yêu cầu thay đổi của khách hàng, điều kiện của nhà cung cấp, điều kiện môi trường, điều kiện chính sách và công nghệ. Đổi mới tài chính là một chủ đề cốt lõi cho các nhà nghiên cứu bởi đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và đến sự ổn định của hệ thống tài chính (Arnaboldi & Rossignoli, 2015; Lerner & Tufano, 2011).

Đổi mới tài chính đã trở thành một phần không thể thiếu trong sự phát triển của ngành tài chính và là yếu tố quyết định trong việc tạo ra hoạt động kinh tế mới của mỗi quốc gia (Bara & Mudzingiri, 2016). Tại Việt Nam, các tổ chức tài chính truyền thống hiện tại đang thực hiện phát triển các sản phẩm công nghệ tài chính thông qua việc hợp tác với các công ty Fintech. Theo khảo sát, có 82% các nhà cung cấp dịch vụ tài chính truyền thống có ý định hợp tác với các công ty Fintech trong 3 - 5 năm tới; 77% mong muốn sử dụng blockchain như là một phần của hệ thống hoạt động trong năm 2020 (Nguyễn Văn Tâm, 2018). Cho đến nay, không có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa đổi mới tài chính và tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Các nghiên cứu về chủ đề tài chính với tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào phân tích cấu trúc tài chính và phát triển tài chính lên phát triển kinh tế như Vo và cộng sự (2016), Anwar và Nguyen (2011).

Do vậy, nghiên cứu chính xác mối quan hệ giữa đổi mới sáng tạo tài chính và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam được xem là một chủ đề quan trọng khi mà trong thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã đưa ra rất nhiều các chương trình tái cấu trúc tài chính, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tài chính, phát triển hệ sinh thái công nghệ tài chính Việt Nam.

2. Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

  • Dữ liệu nghiên cứu

Nghiên cứu phân tích tác động của đổi mới sáng tạo tài chính lên tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ năm 1999-2017, dữ liệu được thu thập từ bộ Chỉ số phát triển thế giới (World Development Indicators - WDI) và Ngân hàng phát triển Châu Á (Asian Development Bank - ADB). Trong đó, để đo lường phát triển kinh tế, nghiên cứu sử dụng chỉ số GDP bình quân đầu người (GROWTH). Đối với biến đổi mới sáng tạo tài chính, tỷ số cung tiền M2/M1 (FIM2M1) và tăng trưởng tín dụng tư nhân bởi ngân hàng (FICRB) được sử dụng làm thước đo. Biến kiểm soát chi tiêu chính phủ trên GDP (GE).

Bảng 1. Thống kê mô tả các biến trong mô hình

thong-ke-mo-ta-cac-bien-trong-mo-hinh

  • Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng mô hình phân phối trễ tự hồi quy (AutoRegressive Distributed Lag - ARDL) để thiết lập mối quan hệ giữa đổi mới tài chính và tăng trưởng kinh tế. Mô hình ARDL có nhiều ưu điểm so với các phương pháp đồng liên kết, như: (1) ARDL thích hợp cho các nghiên cứu mẫu nhỏ trong khi các phương pháp đồng liên kết khác đòi hỏi kích cỡ mẫu nghiên cứu phải lớn; (2) ARDL không yêu cầu các biến trong mô hình phải cùng một độ trễ, có thể có độ trễ khác nhau I (0) và I (1). Do vậy, sử dụng phương pháp ARDL để phân tích mối quan hệ đồng liên kết trong ngắn hạn và dài hạn giữa đổi mới sáng tạo tài chính và tăng trưởng kinh tế Việt Nam là thích hợp nhất.

Theo Pesaran và cộng sự (2001), mô hình ARDL được biểu thị như sau:

mo-hinh-ardl

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

  • Kết quả kiểm định tính dừng

Trước khi thực hiện ước lượng mô hình ADRL, cần phải kiểm tra tính dừng của mô hình để đảm bảo không có biến nào dừng ở sai phân bậc 2 hay I (2). Bảng 2 báo cáo kết quả kiểm định tính dừng theo 2 phương pháp ADF (Augmented Dickey-Fuller) và PP (Philips-Perron). Kết quả cho thấy, biến tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo tài chính dựa trên tăng trưởng tín dụng tư nhân bởi yếu tố ngân hàng đều dừng ở sai phân bậc gốc, trong khi đó hai biến còn lại là cung tiền M2/M1 và chi tiêu của chính phủ dừng sai phân bậc 1. Do đó, khi các biến trong mô hình dừng ở các bậc khác nhau thì tiếp cận theo phương pháp ARDL để tìm mối quan hệ trong ngắn hạn và dài hạn là thích hợp nhất so với các phương pháp kiểm định đồng liên kết khác.

Bảng 2. Kết quả kiểm định tính dừng

ket-qua-kiem-dinh-tinh-dung

  • Kết quả kiểm định mô hình ARDL

Bảng 3 báo cáo kết quả ước lượng mô hình ARDL phân tích mối quan hệ giữa đổi mới sáng tạo tài chính với tăng trưởng kinh tế dựa trên thước đo tỷ lệ cung tiền M2/M1 và tăng trưởng tín dụng tư nhân bởi yếu tố ngân hàng, kết quả kiểm định đường bao (Bound Test) với FPSS lần lượt là 14,285 và 12,532, cho thấy có mối quan hệ đồng liên kết giữa đổi mới sáng tạo tài chính với tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất, với đại diện là tỷ lệ cung tiền M2/M1, bằng chứng thực nghiệm cho thấy có mối quan hệ đồng liên kết trong cả dài hạn và ngắn hạn của đổi mới sáng tạo lên tăng trưởng kinh tế. Thứ hai, với đại diện là tín dụng tư nhân bởi yếu tố ngân hàng chỉ tìm thấy mối quan hệ trong ngắn hạn không tìm thấy mối quan hệ trong dài hạn. Với cả 2 đại diện của đổi mới sáng tạo tài chính, kết quả đều cho thấy có tác động nghịch chiều với dấu âm trong hệ số dài hạn cả 2 biến (riêng đại diện tín dụng tư nhân bởi yếu tố ngân hàng hệ số không có ý nghĩa thống kê). Kết quả này phù hợp với phát hiện của Tyavambiza và Nyagara (2015) khi sử dụng cung tiền rộng (tỷ lệ M3 so với GDP) và Idun và Aboagye (2014) tìm thấy tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế trong dài hạn. Nhưng ngược với nghiên cứu của Ogunmuyiwa và Ekone (2010) là cung tiền phải có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế trong dài hạn. Ngược lại, với cả 2 đại diện đều cho thấy có tác động tích cực của đổi mới sáng tạo tài chính lên tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Idun và Aboagye (2014) khi cho rằng đổi mới sáng tạo tài chính có ảnh hưởng tích cực lên tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Điều này hàm ý, nền kinh tế Việt Nam có thể được kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn thông qua sự gia tăng trong cung tiền. Tăng cung tiền thông qua đổi mới sáng tạo tài chính làm giảm chi phí tài chính, chi phí hoạt động cho ngân hàng và tăng tín dụng có sẵn để cho vay. Điều này có tác động tích cực đáng kể lên tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong ngắn hạn, ngược lại trong dài hạn gây phản ứng nghịch chiều. Các kết quả kiểm định hậu nghiệm về tự tương quan, phương sai thay đổi và dạng của mô hình đều không bị vi phạm ở mức ý nghĩa 1%, do đó kết quả từ mô hình ARDL là đáng tin cậy.

Bảng 3. Kết quả kiểm định mô hình ARDL

ket-qua-kiem-dinh-mo-hinh-ardl

4. Kết luận và hàm ý chính sách

Nghiên cứu phân tích tác động của đổi mới sáng tạo tài chính lên tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong giai đoạn 1999-2017, bằng cách sử dụng mô hình ARDL Bound test. Bằng chứng thực nghiệm tìm thấy mối quan hệ đồng liên kết giữa đổi mới sáng tạo tài chính và tăng trưởng kinh tế Việt Nam với các kết quả giống nhau cả trong ngắn hạn và dài hạn cho dù sử dụng thước đo đổi mới sáng tạo nào. Cụ thể, cả tăng trưởng tín dụng bởi yếu tố ngân hàng và tỷ lệ cung tiền M2/M1 trong ngắn hạn đều tìm thấy tác động tích cực của đổi mới sáng tạo tài chính lên tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, trong dài hạn, kết quả tìm thấy mối quan hệ nghịch chiều giữa hai biến số này (riêng đại diện tăng trưởng tín dụng cá nhân hệ số không có ý nghĩa thống kê).

Kết quả tác động tích cực đổi mới sáng tạo tài chính lên tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn có thể giải thích là do, việc đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ đi đầu trong ứng dụng của công nghệ thông tin và truyền thông đã tăng cường hiệu quả hoạt động của các ngân hàng để huy động tiết kiệm và phân bổ chúng vào các khu vực sản xuất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, đổi mới sáng tạo tài chính tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, điều này có thể là bản chất của các sản phẩm sáng tạo trong các ngân hàng khuyến khích hoạt động rút tiền nhiều hơn. 

Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách nên xây dựng chính sách kinh tế theo cách thúc đẩy hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ hội nhập tài chính. Các ngân hàng đang thực hiện đổi mới nên được bảo vệ pháp lý cần thiết để cho phép thực hiện đổi mới nhiều hơn cho tăng trưởng. Sự bảo vệ pháp lý từ Chính phủ sẽ cho phép các ngân hàng kích thích những đổi mới sáng tạo khác. Các quy định trong hệ thống ngân hàng nên tập trung vào việc thúc đẩy hiệu quả và cạnh tranh lành mạnh cũng như thúc đẩy đổi mới tài chính. Những quy định như vậy nên tối đa hóa sự đánh đổi giữa thúc đẩy cạnh tranh sẽ tăng tín dụng phân bổ cho các khu vực sản xuất và giảm sự thất bại ngân hàng do cạnh tranh. Tuy nhiên, hoạt động đổi mới sáng tạo tài chính nên được điều chỉnh để khuyến khích tiết kiệm nhiều hơn rút tiền, để hoạt động đổi mới sáng tạo kích thích sự tăng trưởng kinh tế không những trong ngắn hạn mà lẫn trong dài hạn. Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam có thể được kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn thông qua sự gia tăng trong cung tiền. Tăng cung tiền thông qua đổi mới sáng tạo tài chính làm giảm chi phí tài chính, chi phí hoạt động cho ngân hàng và tăng tín dụng có sẵn để cho vay, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên trong dài hạn, các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc trong khi đưa ra chính sách tiền tệ cho phù hợp để qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Anwar, S., & Nguyen, L. P. (2011). Financial development and economic growth in Vietnam. Journal of Economics and Finance, 35(3), 348-360.
  2. Arnaboldi, F., & Rossignoli, B. (2013). Financial innovation in banking. Available at: http://convegni.unicatt.it/meetings_Arnaboldi_Rossignoli.pdf.
  3. Bilyk, V. (2006). Financial Innovations and the Demand for Money in Ukraine. Economics Education and Research Consortium. Available at: http://www.kse.org.ua/uploads/file/library/2006/klymenko.pdf.
  4. Chibba, M. (2009). Financial inclusion, poverty reduction and the millennium development goals, European Journal of Development Research, 21 (2), pp. 213-230.
  5. Demetriades, P.O., & Andrianova, S. (2005). Sources and effectiveness of financial development: what we know and what we need to know. Research Paper, UNU-WIDER, United Nations University. Available at: http://www.econstor.eu/handle/10419/63527.
  6. Idun, A., & Aboagye, Q. (2014). Bank competition, financial innovations and economic growth in Ghana. African Journal of Economic and Management Studies, 5(1), 30-51.
  7. Frame, W.S. & White, L.J. (2004). Empirical studies of financial innovation: lots of talk, little action? Journal of Economic Literature, 42(1), 116-144.
  8. Group, W.B. (2012). World development indicators 2012. World Bank Publications.
  9. Laeven, L., Levine, R., & Michalopoulos, S. (2015). Financial innovation and endogenous growth, Journal of Financial Intermediation, 24(1), 1-24.
  10. Lerner, J. & Tufano, P. (2011). The consequences of financial innovation: a counterfactual research agenda. National Bureau of Economic Research.
  11. Nguyễn Văn Tâm. (2018). Phát triển công nghệ tài chính tại Việt Nam. Cơ hội và thách thức. Tạp chí Tài chính, số 8.
  12. Pesaran, M.H., Shin, Y. & Smith, R.J. (2001). Bounds testing approaches to the analysis of level relationships, Journal of Applied Econometrics, 16(3), 289-326.
  13. Schumpeter, J. A. (1911). The theory of economic development. New York: Oxford University Press.
  14. Štreimikien, D.(2014). World economic forum 2012. Available at: http://www.mruni.eu/lt/mokslo_ darbai/ie/archyvas/dwn.php?id=310859.
  15. Tyavambiza, T. & Nyangara, D. (2015). Financial and Monetary Reforms and the Finance-Growth Relationship in Zimbabwe, International Journal of Economics and Financial Issues, 5(2), 590-602.
  16. Vo, X. V., Nguyen, H. H., & Pham, K. D. (2016). Financial structure and economic growth: The case of Vietnam. Eurasian Business Review, 6(2), 141–154.

 

FINANCIAL INNOVATION AND ECONOMIC GROWTH IN VIETNAM

Master. HUYNH THI THUY VY

National Academy of Public Administration

ABSTRACT:

This study analyzes the impact of financial innovation on economic growth for the period 1999-2017 in Vietnam by employing the ARDL Bound test. Empirical evidences of this study show that the financial innovation has a positive effect on economic growth (M2/M1 ratio and the growth of private credit supported by banking factor) in the short-term. However, in the long-term, the economic growth is negatively impacted by the financial innovation. These results are important for policy makers to develop monetary and banking policies in the context of financial integration.

Keywords: Financial innovation, economic growth, ARDL.