TÓM TẮT:
Trong bối cảnh công nghệ, tri thức và sáng tạo đang trở thành yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, thì doanh nghiệp đổi mới sáng tạo giữ vai trò trung tâm trong quá trình phát triển. Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức trong quá trình đổi mới sáng tạo. Giải pháp là cần tạo môi trường thể chế pháp luật thuận lợi, thúc đẩy phát triển các ngành, các lĩnh vực liên quan đến đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Ví dụ như việc nghiên cứu của các trường đại học, công nghiệp phụ trợ, công ty khởi nghiệp, phát triển văn hóa doanh nghiệp…
Từ khóa: Đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiềm năng, hạn chế.
1. Hạn chế của đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp
- Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng như mức độ sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 còn thấp.
Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam xếp hạng 67/141 quốc gia về năng lực đổi mới sáng tạo, đạt hệ số điểm 61,5 điểm. Trụ cột Năng lực đổi mới sáng tạo tăng 6 bậc (từ thứ hạng 82 lên thứ hạng 76). Trong đó, Mức độ tinh thông của người mua tăng 46 bậc; Mức độ phát triển các cụm ngành tăng 33 bậc; Hợp tác đa bên tăng 17 bậc; Tính đa dạng của lực lượng lao động tăng 16 bậc; Chi phí R&D tăng 6 bậc.
Mặc dù Việt Nam có những cải thiện đáng kể về điểm số và thứ hạng của hầu hết các chỉ số thành phần trong 8/12 trụ cột nêu trên, song có đến 8/12 chỉ số trụ cột hiện ở thứ hạng thấp hoặc rất thấp. Các trụ cột có thứ hạng dưới thứ hạng chung về năng lực cạnh tranh (thứ 67) gồm Thể chế (89); Cơ sở hạ tầng (77); Y tế (71); Kỹ năng (93); Thị trường sản phẩm (79); Thị trường lao động (83); Mức độ năng động trong kinh doanh (89); và Năng lực đổi mới sáng tạo (76).
Năm 2019, ngoại trừ Singapore và Việt Nam, các nước còn lại trong khu vực ASEAN đều giảm điểm hoặc giảm bậc. Trong đó, Malaysia, Thái Lan tăng điểm, nhưng giảm bậc (mỗi nước giảm 2 bậc); Indonesia và Philippines giảm điểm và giảm bậc (Indonesia giảm 5 bậc; Philippines giảm 8 bậc); 2 nước Lào và Campuchia vẫn ở cuối bảng xếp hạng. Tuy có sự cải thiện nhanh, nhưng năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam vẫn chỉ đứng thứ 6 trong ASEAN, sau Singapore (thứ 1), Malaysia (thứ 27), Thái Lan (thứ 40), Indonesia (thứ 50) và Philippines (thứ 64).
- Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam được cải thiện
Theo báo cáo vừa được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố trong năm 2019, chỉ số GII năm 2019 của Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 3 bậc, lên vị trí 42 trên 129 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng so với năm 2018. Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng các hoạt động đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với nhóm dẫn đầu, bao gồm Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Malaysia, và thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan. Dù có mức tăng ấn tượng, nhưng theo đánh giá thì vẫn khá khiêm tốn và còn nhiều việc phải làm để cải thiện chỉ số này. Nhất là cần cải thiện các nhóm chỉ số về môi trường kinh doanh, thị trường vốn và đầu tư, ứng dụng công nghệ.
- Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn khiêm tốn
Năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đưa ra các ý tưởng mới, cho dù là sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường hoặc quy trình sản xuất mới để tăng tính cạnh tranh, là rất thấp. Dù mức độ hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường các hoạt động đổi mới cao hơn so với Thái Lan và Malaysia, nhưng mức chi tiêu của các doanh nghiệp vào R&D tại Việt Nam vẫn thấp nhất trong số 10 quốc gia được so sánh.
Doanh nghiệp chưa thực sự là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, chưa có nhiều sản phẩm công nghệ được thương mại hóa. Hàng hóa Việt Nam tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu hiện nay vẫn khó cạnh tranh bằng sự khác biệt, mà chủ yếu vẫn là về giá. Số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tương đối nhiều, nhưng chỉ có 23,9% là thành lập trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và rất ít trong số đó được coi là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các doanh nghiệp chưa quan tâm đến hoạt động R&D, do hầu hết đều là các doanh nghiệp hoạt động trong nhóm ngành công nghệ thấp. Chỉ có 17,3% số doanh nghiệp được coi là hoạt động trong các ngành công nghệ cao. Đây là thực trạng chung của nhiều sản phẩm hàng Việt xuất khẩu hiện nay, khi các hoạt động đổi mới sáng tạo vẫn còn quá khiêm tốn, dù lĩnh vực công nghiệp chế biến đang là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu. Ngành khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.
- Các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lao động rất nhỏ
Số liệu thống kê cho thấy, tính toàn bộ doanh nghiệp trong cả nước, số doanh nghiệp có lao động dưới 10 người chiếm 68%, từ 10 người đến 49 người chiếm 25% và từ 50 người đến 199 người chiếm 5%. Như vậy, có đến 93% số lượng doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 50 người và 98% số lượng doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 200 người. Số lượng doanh nghiệp có lao động từ 200 người trở lên chỉ chiếm 2%. Điều này khiến cho các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc nâng cao năng lực đầu tư, cải tiến và nâng cấp công nghệ để bắt kịp với yêu cầu phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, yếu tố tích cực là cách mạng công nghiệp 4.0 có thể đem đến nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ ngay khi các doanh nghiệp khởi nghiệp có được ý tưởng tốt, do các điều kiện để hiện thực hóa các ý tưởng hiện đã thuận lợi hơn nhiều so với trước đây. Nhân sự của các doanh nghiệp cũng cho thấy, tỷ trọng cán bộ nghiên cứu và kỹ thuật trong các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp quy mô lớn chỉ ở mức dưới 40%. Đối với một doanh nghiệp có quy mô trung bình thì nhân lực kỹ thuật chỉ chiếm tỷ lệ 36,4%, tiếp đến là nhân lực hỗ trợ với 29,5%. Còn lại là nhân lực cho các vị trí công việc thông thường khác.
2. Đề xuất giải pháp
- Hỗ trợ đổi mới về khoa học công nghệ
Hiện có nhiều chương trình tại Việt Nam nhằm hỗ trợ đổi mới về khoa học công nghệ như: Chương trình Hỗ trợ Sáng tạo Việt Nam; một chương trình hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu chuỗi giá trị thực phẩm tại Đồng bằng sông Hồng; Chương trình IPP; Dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (FIRST); Dự án đổi mới sáng tạo hướng tới người có thu nhập thấp (VIIP) và Trung tâm Sáng tạo Khí hậu Việt (VCIC), đã tài trợ khoảng 190 triệu USD cho các công ty đổi mới công nghệ tại Việt Nam. Vì vậy, đây là thời điểm đúng lúc và cần thiết để phát triển hệ thống giúp đỡ các công ty cải tiến công nghệ, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập nhằm hưởng lợi từ các cải tiến cộng nghệ và nguồn vốn. Đồng thời kết nối các bên liên quan trong khu vực, tạo ra sức mạnh tổng hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Thúc đẩy công nghiệp phụ trợ
Đầu tư nước ngoài vẫn được kỳ vọng là một trong những động lực lớn thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ. Sự yếu kém về năng lực của các ngành công nghiệp phụ trợ khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó khăn trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng (liên kết dọc) với các nhà đầu tư nước ngoài. Mức độ tham gia hạn chế của các công ty trong nước vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tính hiệu quả của tiếp thị không cao và mức độ ủy quyền trong doanh nghiệp thấp. Tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của các doanh nghiệp nông nghiệp còn quá ít (chỉ dành 1,6% trên tổng doanh thu cho R&D, quá thấp so với các nước ASEAN).
Những ngành chi nhiều nhất cho đổi mới công nghệ và R&D lại nằm trong nhóm có mức tăng trưởng thấp (thuốc hóa dược, thiết bị điện, máy móc chuyên dụng hay chế biến cà phê). Trong khi những ngành có mức tăng trưởng cao (từ 40% trở lên) lại là những ngành có chi phí R&D và đổi mới công nghệ thấp nhất hoặc bằng không (chế biến thực phẩm, điện tử, dệt may). Cho dù đối với những ngành chế biến và sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng của việc chế biến và xuất khẩu các sản phẩm này mang lại cho Việt Nam rất hạn chế. Ví dụ như lắp ráp và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ mới cho Samsung chỉ mang lại cho Việt Nam hơn 1% giá trị gia tăng từ tổng kim ngạch xuất khẩu, do hầu hết các phụ tùng, linh kiện đều được sản xuất ở nước ngoài và vì vậy không thực sự thúc đẩy tăng trưởng.
Là quốc gia hấp dẫn dòng vốn FDI (đặc biệt là trong ngành điện tử trong vài năm gần đây, với hàng chục tỷ USD đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel, LG, Microsoft), thì các nghiên cứu gần đây cho thấy sự yếu kém của các ngành công nghiệp phụ trợ. Thực tế, vẫn còn rất ít doanh nghiệp trong nước có khả năng tiếp nhận công nghệ mới thông qua các liên kết ngược chiều hoặc xuôi chiều với các doanh nghiệp FDI.
- Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp chú trọng tính sáng tạo với các ý tưởng mới
Các biện pháp chính sách cần đặt trọng tâm vào khuyến khích hoạt động R&D, đầu tư để nâng cao trình độ, khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ trong các doanh nghiệp. Đây là cách thức hiệu quả để làm nền tảng cho đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tăng trưởng nhanh dựa trên các ý tưởng, sáng kiến mới. Bởi số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tại Việt Nam tăng tương đối nhanh trong những năm gần đây.
Mặc dù vậy, hầu hết doanh nghiệp hiện có của Việt Nam đều là các doanh nghiệp nhỏ với tiềm lực hết sức hạn chế cả về vốn, lao động cũng như trình độ khoa học - công nghệ. Do tính chất của doanh nghiệp khởi nghiệp là hướng tới tăng trưởng nhanh, yếu tố đổi mới sáng tạo chính là mấu chốt của vấn đề để xác định đúng doanh nghiệp khởi nghiệp. Từ đó cần có các chính sách khuyến khích phù hợp giúp cho các doanh nghiệp này thực sự đi đúng hướng và tranh thủ được các cơ hội của bối cảnh phát triển mới.
- Thúc đẩy mối liên kết giữa trường đại học, cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp
Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã có ý thức và nỗ lực đổi mới sáng tạo, nhưng họ chưa có được sự hợp tác, hỗ trợ cần thiết từ các trường đại học và cơ sở nghiên cứu. Chìa khóa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo là gia tăng sự lưu thông, liên kết ý tưởng, và phối hợp thực hiện giữa các phần tử trong xã hội. Tuy nhiên, đây chính là một điểm yếu cơ bản của Việt Nam, khi vẫn chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa 3 đối tượng chính cần tham gia vào những nỗ lực đổi mới sáng tạo là doanh nghiệp, trường học cùng các tổ chức nghiên cứu, và Nhà nước. Đặc biệt là sự phối hợp liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu, còn rất mờ nhạt.
Để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia cần tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với các trường đại học, viện nghiên cứu theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm; các trường đại học là chủ thể nghiên cứu, coi nghiên cứu là nhiệm vụ bắt buộc. Chính phủ cần quan tâm đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, hình thành các trường đại học nghiên cứu mạnh. Đổi mới sáng tạo chủ yếu phải xuất phát từ những nguồn lực của thị trường tự do. Phần đầu tư của Nhà nước chỉ nên dành cho những giải pháp đổi mới sáng tạo thuộc khu vực công, hoặc đóng vai trò làm nền tảng ban đầu để tạo định hướng cho khu vực tư tham gia.
Đổi mới công nghệ chỉ là một phần của hoạt động đổi mới sáng tạo, nhiều doanh nghiệp có thể gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình một cách đáng kể chỉ nhờ vào những đổi mới sáng tạo rất nhỏ, không có gì bí mật, và không phải khi nào cũng có thể coi là bí quyết hay sáng chế công nghệ để có thể đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các quốc gia không thể chỉ tập trung ưu tiên nguồn lực đổi mới công nghệ cho các loại công nghệ cao. Những công nghệ ở mức thấp cũng vô cùng quan trọng, vì giúp thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên diện rộng, và tạo nền tảng cần thiết trước khi có thể phát triển, ứng dụng những công nghệ cao hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đặng Thu Giang, Cao Thu Anh (2016), Vai trò của Nhà nước trong thúc đẩy hoạt động Khoa học và Công nghệ, Tạp chí Tài chính, tháng 4-2016.
- Phạm Ngọc Minh (2014), Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 4-2014.
- Phùng Xuân Nhạ, Lê Quân (2013), Đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 4-2013, Tập 29.
- Bùi Nhật Quang (2017), Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10 năm 2017.
- World Bank (2019), Đánh giá Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, Báo cáo tóm tắt.
Solutions to solving challenges hindering the innovation process of enterprises
Ph.D Nguyen Ngoc Minh
Faculty of Fundamental Economics
University of Economics - Technology for Industries
ABSTRACT:
When technology, knowledge and creativity become key factors in determining the competitiveness and economic growth of each country, innovation and innovative enterprises play a central role in the development process. Although Vietnamese businesses have great potential, they are facing many challenges hindering their innovation processes. In order to help Vietnamese businesses speed up their innovation processes, it is necessary to create a favourable legal institutional environment and promote the development of industries and fields related to the innovation of enterprises such as researches of universities, supporting industries, start-ups and corporate culture development.
Keywords: Innovation, innovative enterprises, potential, shortcoming.