Chống lạm phát và bão giá ở châu Á

Nhiều chính phủ châu Á đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát và đà tăng giá. Tuy nhiên, giá lương thực liên tục tăng đẩy lạm phát ở châu Á tăng cao, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân có

Nguy cơ tái nghèo

Theo ông Nagesh Kumar, giám đốc Ủy ban Kinh tế và xã hội Liên Hiệp Quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Á là nơi có 980 triệu người thu nhập dưới 1,25 USD/ngày và dùng phần lớn số tiền thu nhập để mua thực phẩm. Do đó, ông cảnh báo: lạm phát tăng đẩy giá cả tăng ảnh hưởng đến đời sống người dân, “làm họ khổ sở thêm và điều kiện dinh dưỡng của họ sẽ xấu đi. Đối với những người đang ở trên ngưỡng nghèo, giá lương thực tăng sẽ đẩy họ xuống tình trạng nghèo túng”.

Ở Trung Quốc, người dân phải đối mặt với sức ép tăng giá và lạm phát. Trong tháng 1-2011, lạm phát tăng 4,9% (tháng 12-2010 là 4,6%), trong đó giá thực phẩm tăng tới 10,3%. Các nhà phân tích nhận định Trung Quốc sẽ phải đối đầu với lạm phát tăng cao hơn trong những tháng tới vì chính phủ không thể tăng nhanh nguồn cung cấp thực phẩm.

Đáng ngại hơn, như Bloomberg News ngày 21-2 cho biết, giá xăng dầu tại Trung Quốc lại vừa tăng lên do giá xăng dầu thế giới tăng. Tuy mức tăng rất thấp, chỉ 0,05 USD/lít, nhưng giới quan sát lo ngại đợt tăng đầu tiên trong năm nay sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực chống lạm phát của nước này.

Ở Indonesia, mức lạm phát công bố gần đây nhất là 7%, do chi phí lương thực và năng lượng tăng. Giá ớt - loại thực phẩm không thể thiếu trong khẩu phần ăn hằng ngày của người Indonesia - tăng gấp mười lần trong vài tháng qua do mưa lớn ảnh hưởng đến mùa thu hoạch.

Trong khi đó, lạm phát ở Ấn Độ tăng đến mức 8,2% trong đầu tháng 2-2011 và giá lương thực liên tục tăng cao khiến nhiều gia đình không dám mua thịt và rau quả để ăn hằng ngày. Giá rau quả tươi tại Ấn Độ tăng 16%, đặc biệt giá hành tây tăng gấp ba lần vào tháng 1-2011, giá thực phẩm tăng liên tục cũng khiến các chủ nhà hàng Ấn Độ điêu đứng.

Cảnh giác với tình trạng bất ổn tiềm tàng, các chính phủ châu Á đang nỗ lực kềm giữ giá thực phẩm để đảm bảo ổn định kinh tế. Các ngân hàng trung ương khu vực, từ Trung Quốc, Hàn Quốc tới Ấn độ, Indonesia, Thái Lan liên tục nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, theo một báo cáo của Ngân hàng Credit Suisse, các chính phủ châu Á đang phải đối mặt với một tình thế khó khăn: nếu tăng lãi suất quá nhanh sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng nếu tăng quá chậm thì không kiểm soát được lạm phát.

Bên cạnh tăng lãi suất, chính phủ các nước châu Á cũng đã sử dụng các biện pháp trực tiếp để kiểm soát giá lương thực - vốn là nguyên nhân số 1 gây lạm phát tại châu Á và thế giới.

Ấn Độ đã mở cửa kho dự trữ lúa gạo và cam kết tiếp tục không áp thuế đối với dầu thực vật nhập khẩu. Indonesia quyết định thu mua thêm gạo nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và tăng kho dự trữ.

Hàn Quốc xuất kho dự trữ để cung cấp cho thị trường trong khi thúc đẩy việc cắt giảm thuế nhập khẩu bắp, lúa mì và những lương thực đầu vào của các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày.

Trung Quốc cũng vừa đầu tư 1 tỉ USD để chống chọi với tình trạng thiếu hụt lương thực do hạn hán hiện nay. Bắc Kinh còn quyết liệt loại bỏ tình trạng đầu cơ lương thực, và chính quyền một số địa phương đã đưa ra các biện pháp kiểm soát trực tiếp giá một số loại lương thực.

“Lạm phát tại châu Á là một trong số những yếu tố nhạy cảm nhất và có thể gây ra một cú sốc giá lương thực trên thế giới, ảnh hưởng đến đời sống nhiều người dân, dù các nước có trợ cấp lương thực và có các biện pháp kiểm soát giá lương thực đi nữa”, AP dẫn báo cáo của Credit Suisse.

Nhà phân tích chứng khoán Nicolas Cashmore cho rằng lạm phát tại một số nước châu Á phản ánh sự gia tăng của thu nhập và tăng trưởng kinh tế. “Lạm phát với mức độ vừa phải là tốt vì nó chứng tỏ mức cầu tăng và chứng tỏ nền kinh tế đang lớn mạnh” - AP dẫn lời ông Cashmore.

Thế nhưng, những đợt tăng giá ồ ạt chính là dấu hiệu của một đợt lạm phát giá lương thực mới, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu tương tự như năm 2008 và các quốc gia châu Á sẽ phải tiếp tục đối diện với vòng xoáy lạm phát để bảo vệ người dân, theo kết luận của các nhà kinh tế trong bản báo cáo của Ngân hàng toàn cầu Credit Suisse.