Nhập than cho nhiệt điện, không có gì đáng lo!

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào: “Nguồn tin khan hiếm than và đối tác không bán than cho Việt Nam là không đúng… Đứng về mặt cân bằng năng lượng, chúng ta hoàn toàn ổn định”

Trước nguy cơ thiếu điện mùa khô do chúng ta phụ thuộc quá lớn vào thủy điện, việc đa dạng các nguồn điện như: nhiệt điện, điện hạt nhân, năng lượng tái tạo... là rất cần thiết. Trong khi phát triển điện hạt nhân hay điện năng lượng tái tạo tốn rất nhiều tiền thì nhiệt điện lại có ưu thế vốn đầu tư ban đầu thấp. Đáng ngại là trong khi nguồn than trong nước không đáp ứng được cho việc quy hoạch phát triển các nhà máy nhiệt điện, thì than vẫn được xuất đều đều. Phóng viên Báo TNVN phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào để làm rõ vấn đề này. 

PV: Thứ trưởng đánh giá thế nào về kế hoạch phát triển các nhà máy nhiệt điện trong Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2005-2015 (Tổng sơ đồ 6)? 


“Hiện nay, than đang đáp ứng thừa nhu cầu ở trong nước cho nên vẫn phải xuất. Chúng ta xuất đa phần là than chất lượng cao, dùng cho luyện kim, luyện thép, chứ không dùng cho nhiệt điện. Than dùng cho nhiệt điện ở trong nước chỉ là than cám, than vụn, thậm chí tận thu ở các bãi thải. Kể cả sau này phải nhập khẩu hàng trăm triệu tấn than thì mình vẫn phải xuất một phần than chất lượng tốt, chứ không phải hoàn toàn ngừng hẳn, nhưng lượng than xuất sẽ giảm xuống còn 1-2 triệu tấn. Nếu không xuất, Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam khai thác lên, ai bỏ tiền ra mua lượng than đó dự trữ? Cái đó là phi kinh tế.” 

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Về thủy điện, chúng ta đã xây dựng gần hết rồi, hiện chỉ còn thủy điện Lai Châu 1.200MW; còn các thủy điện nhỏ, tổng công suất 4.500MW sẽ được xây dựng từ từ mỗi năm chỉ được khoảng 300MW. Vì thế, tổng sơ đồ điện 6 phải chuyển sang 3 hình thức phát triển nguồn điện mới là: nhiệt điện than, nhà máy điện hạt nhân và năng lượng mới tái tạo. Tại sao phải tập trung vào nhiệt điện than, vì nó khả thi nhất trong giai đoạn trước mắt. Vốn đầu tư của 1 dự án không lớn, trong khi chúng ta lại có nguồn than trong nước. 

Hiện nay, với công suất và khả năng của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam thì từ sau năm 2015, nguồn than trong nước chỉ đáp ứng được khoảng trên một nửa cho các nhà máy nhiệt điện. Trước tình hình như vậy, Bộ Công thương đã tính toán và phối hợp với các bộ, ban, ngành quy định, các nhà máy điện phía Bắc từ miền Trung trở ra sẽ dùng than trong nước. Tuy nhiên, có một số nhà máy điện ở khu vực khác do tính cấp bách sẽ được dùng than trong nước, ví dụ như Vĩnh Tân 1... 

Còn các nhà máy nhiệt điện xây dựng ở miền Nam, Chính phủ đã quy định, tốt hơn hết là nhập khẩu than nước ngoài. Vì thế, việc chúng ta phải nhập 50% than không có vấn đề gì cả. Lúc thừa thì chúng ta xuất, còn khi cần thì lại nhập. Nhưng nguyên tắc chung sẽ phải giảm dần xuất khẩu khi mà các nhà máy nhiệt điện của nước ta bắt đầu phát triển. 


Hiện nay, Bộ Công thương đã ký ghi nhớ với Bộ Tài nguyên và khoáng sản của Australia, họ sẵn sàng cung cấp than cho Việt Nam. Indonesia, Nga cũng sẵn sàng cung cấp than cho ta. Ngoài ra, các doanh nghiệp thực hiện đầu tư theo hình thức BOT đã cam kết tự nhập khẩu than. Cho nên, đứng về mặt cân bằng năng lượng thì hoàn toàn ổn định, không có vấn đề gì. 

PV: Thế nhưng, hồi đầu năm 2010, khi 3 tập đoàn: Than và Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam có đề án trình Chính phủ xin thành lập Ban chỉ đạo nhập khẩu than, lại cho rằng, Việt Nam khó có thể đàm phán mua than vì thị phần than của các nước đối tác đã có nước khác nắm giữ rồi? 

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Thông tin này không chính xác, bởi lúc đó các doanh nghiệp tự đi làm theo con đường riêng lẻ. Thông thường, các hợp đồng mua bán than được trao đổi ở cấp Chính phủ, sau đó các doanh nghiệp mới tập trung làm. Chính phủ đã giao Bộ Công thương chỉ đạo chung vấn đề này để giao cho 1 đơn vị. Ví dụ, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam sau khi làm cảng xong sẽ làm đầu mối ký kết các hợp đồng nhập than về. Cho nên, nguồn tin khan hiếm than và đối tác không bán than cho Việt Nam là không đúng. Chính phủ Australia khẳng định sẽ cung cấp cho Việt Nam hàng trăm triệu tấn than, thậm chí họ còn cấp cả mỏ than để mình trực tiếp sang tiến hành khai thác hoặc liên doanh khai thác. 

PV: Nhiều người băn khoăn, tại sao chúng ta không tạm dừng việc xuất khẩu than để có thể kéo dài thời gian không phải nhập khẩu than?
 

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Cái đó hoàn toàn không chính xác và phi kinh tế. Một doanh nghiệp không thể khai thác than lên, rồi chất đống để đấy. Ai chi tiền cho người ta sản xuất than ra để dùng tất cả ở trong nước? Hơn nữa, xuất khẩu được giá cao dùng để mua máy móc, thiết bị và bù lại nguồn than bán rẻ ở trong nước. Than trong nước bán cho sản xuất hóa chất, xi măng, cho các nhà máy nhiệt điện hiện nay giá vẫn thấp hơn giá thị trường. Vì thế, tôi cho rằng, việc khai thác than lên, dự trữ để đấy là phi kinh tế và không thực tế. 

Vấn đề cân đối năng lượng nằm trong chính sách chung, còn xuất - nhập khẩu chỉ là kinh doanh thường nhật, hôm nay chúng ta xuất nhưng ngày mai chúng ta có thể phải nhập. Ví dụ, trước đây chúng ta xuất khẩu dầu thô, nhưng bây giờ mình có nhà máy lọc dầu thì lại nhập khẩu, chứ không thể bảo mình có mấy mỏ dầu thì cứ để đấy, đợi đến bao giờ có nhà máy lọc dầu thì sẽ khai thác. 

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!.