"5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh" để đạt và vượt các chỉ tiêu 2024

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt, kịp thời, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh".
tăng trưởng kinh tế
Quý I/2024, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh".

Kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi tích cực

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I tiếp tục phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, tạo đà phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 3,97%, tính chung quý I tăng 3,77% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, nhu cầu ngoại tệ trong nước được đáp ứng, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.

Kim ngạch xuất nhập khẩu quý I tăng 15,5% so với cùng kỳ; ước xuất siêu đạt 8,08 tỷ USD. Trong quý I, giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch, cao hơn 3,32% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 5,2% so với cùng kỳ, tiếp tục tạo đà bứt phá cho các quý tiếp theo.

Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi và chuyển biến tích cực. Khu vực nông nghiệp và dịch vụ duy trì tăng trưởng, lần lượt tăng 2,98% và 6,12% so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%... Du lịch phục hồi nhanh, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch COVID-19). 

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ.

Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và có các dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế của nước ta trong năm 2024.

Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã bám sát thực tiễn, nhất là đối với những vấn đề phát sinh và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời hơn, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hài hòa giữa xử lý tình huống trong ngắn hạn và phát triển trong trung, dài hạn.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, kinh tế - xã hội của nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được; nhưng cũng không bi quan, lo sợ nếu tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức hơn.

Phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2024, các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ, các Chỉ thị, Công điện và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đề cao trách nhiệm, quyết liệt, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần "5 quyết tâm", "5 bảo đảm", "5 đẩy mạnh"; chủ động tham mưu, đề xuất và xử lý công việc theo thẩm quyền; kiên định, thực hiện nhất quán định hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội; tranh thủ tận dụng tối đa thời cơ, thuận lợi, nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, nỗ lực vượt qua thách thức để thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng.

Tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo, điều hành các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, có giải pháp đột phá tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước; mở rộng, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, đẩy mạnh quản lý thu thuế thương mại điện tử, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu và dịch vụ ăn uống, nhà hàng…; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư.

Đồng thời, chủ động, nắm chắc tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, nhà ở và các hàng hóa thiết yếu. Chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá phù hợp, hiệu quả các mặt hàng do Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, nhất là đối với việc điều chỉnh học phí, tính chi phí nhân công trực tiếp, chi phí quản lý vào dịch vụ khám, chữa bệnh, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Chú trọng phát triển thị trường trong nước; thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Chủ động đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch, nhất là dịp cao điểm du lịch hè 2024. Khẩn trương triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường lớn, tiềm năng, đẩy mạnh phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu; tạo thuận lợi thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa.

Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia, như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các dự án cao tốc Đông – Tây; sân bay, cảng biển; đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh. Đẩy nhanh việc hoàn thiện, thẩm định, trình phê duyệt các quy hoạch còn lại trong hệ thống quy hoạch quốc gia; khẩn trương ban hành và triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt. Khôi phục và phát huy đà tăng trưởng ngành công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm. Chủ động xây dựng kế hoạch, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chủ động ứng phó với các diễn biến, yếu tố rủi ro có thể phát sinh. Tăng cường công tác quản lý và thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường vàng.

Tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng. Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Tiếp tục phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước. 

Đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ để tổ chức thực thi phương án đơn giản hóa và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Tập trung triển khai các nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số theo chủ đề năm 2024 "Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững". Khẩn trương rà soát lại các hệ thống công nghệ thông tin, thực hiện đúng và nghiêm túc các yêu cầu về an toàn, an ninh mạng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Khẩn trương báo cáo kết quả xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm của bộ, cơ quan, địa phương gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp, đồng thời gửi Văn phòng Chính phủ để theo dõi, hoàn thành trước ngày 15 tháng 4 năm 2024.

Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, bảo đảm đủ điều kiện để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép thi hành sớm hơn các Luật này. Giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo.

Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ khẩn trương có ý kiến về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.

thị trường hàng hóa
Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, năng lượng và hàng hóa thiết yếu khác

Nhiệm vụ cụ thể của Bộ Công Thương

Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương trong tháng 4, quý II/2024 và thời gian tới. Theo đó, Bộ Công Thương có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

- Theo dõi sát diễn biến thị trường, nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, năng lượng và hàng hóa thiết yếu khác để kịp thời có phương án quản lý, điều tiết sản xuất hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định giá cả thị trường. Chủ động có các biện pháp từ sớm, từ xa theo thẩm quyền và quy định để đảm bảo cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, tuyệt đối không để thiếu điện, thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

- Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn, khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, phát triển điện khí, điện gió, điện sinh khối và điện sản xuất từ rác thải theo đúng kết luận của Thường trực Chính phủ tại các Thông báo số 112/TB-VPCP ngày 22 tháng 3 năm 2024 và 129/TB-VPCP ngày 29 tháng 3 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2024. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, quy định của Nhà nước về tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về việc triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII bảo đảm vững chắc cung ứng đủ điện cho quốc gia và các vùng, miền theo dự báo nhu cầu điện hàng năm; chủ trì, phối hợp với các địa phương khẩn trương tổng hợp, hoàn thiện danh mục các dự án nguồn điện theo yêu cầu của Kế hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét, phê duyệt trước ngày 30 tháng 4 năm 2024, trong đó ưu tiên phát triển các dự án điện sinh khối, điện sản xuất từ rác.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ, cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cam kết trong các FTA đã ký kết (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA…); đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, tập trung thúc đẩy đàm phán, ký kết FTA với các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), khu vực Mỹ La-tinh; tiếp tục mở rộng xuất khẩu vào khu vực châu Phi, thị trường Halal; hoàn tất đưa vào thực thi FTA với Israel.

- Thực hiện hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để mở rộng tiêu dùng nội địa. Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; kịp thời điều tra, xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định, bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Tinh thần "5 quyết tâm"

1. Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra của năm 2024.

2. Quyết tâm thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm "thắng không kiêu, bại không nản".

3. Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, đồng thời thúc đẩy phòng chống tiêu cực lợi ích nhóm.

4. Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường phân cấp phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

5.Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Thực hiện tốt "5 bảo đảm"

1. Bảo đảm thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Lãnh đạo chủ chốt, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

2. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững.

3. Bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường: hàng hóa, dịch vụ; lao động; bất động sản; vốn (ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu); khoa học công nghệ... Thúc đẩy phát triển các loại thị trường mới như thị trường tín chỉ các-bon, thị trường dữ liệu và nâng hạng thị trường chứng khoán.

4. Bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

5. Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Tập trung thực hiện "5 đẩy mạnh"

1. Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), đồng thời bổ sung và nâng cao chất lượng tăng trưởng của các động lực mới (tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức...).

2. Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

3. Đẩy mạnh 03 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại.

4. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế để góp phầncủng cố, tăng cường vai trò và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

5. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, tạo đồng thuận xã hội.

Xuân An