Thị trường trong nước đóng góp tích cực trong quý I/2024
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa tháng 3 không có nhiều biến động; nguồn cung các hàng hóa dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân; giá một số hàng hóa nhóm lương thực, thực phẩm tương đối ổn định nhờ nguồn cung dồi dào (riêng giá lợn hơi tăng nhẹ).
Tuy nhiên, do sau dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng của người dân trở lại trạng thái bình thường nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 chỉ tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 tăng 13,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1% (quý I/2023 tăng 10,1%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I/2024 ước đạt 1.190,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,4% tổng mức và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%).
Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I/2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 9,8%; Hải Phòng tăng 9,7%; Khánh Hòa và Long An cùng tăng 9,1%; Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ cùng tăng 7%; Đà Nẵng tăng 5,9%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,8%; Hà Nội tăng 4,7%.
Bộ Công Thương đánh giá, nhìn chung, cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước đồng thời cho thấy kết quả rất khả quan trong quý I/2024, tiếp nối đà phục hồi cuối năm 2023, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế trong Quý đầu năm 2024.
Vì vậy, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, phát triển thị trường trong nước cũng như hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, ngành Công Thương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, cụ thể:
Tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thị trường trong nước bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân và doanh nghiệp.
Tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước (như: Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030…).
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trang thiếu hàng, sốt giá.
Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
Phối hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài Bộ chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.
Phối hợp triển khai các tiêu chí, tiêu chuẩn về hạ tầng thương mại (tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong giai đoạn 2021-2025; mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 11856) về chợ kinh doanh thực phẩm…).
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về kinh doanh xăng dầu
Liên quan đến lĩnh vực xăng dầu, tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý I/2024 tổ chức ngày 29/3/2024, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Thuý Hiền đã có trả lời về đề xuất các nội dung mới trong Nghị định thay thế Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, Bộ Công Thương đang phối hợp với các các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về kinh doanh xăng dầu, trong đó, cơ chế giá xăng dầu dự kiến sẽ tiến gần hơn với cơ chế thị trường và Nhà nước sẽ ban hành các nguyên tắc công thức tính giá để thương nhân kinh doanh xăng dầu chủ động quyết định mức giá bán, nhưng giá này không cao hơn mức giá theo công thức quy định.
Thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập và cần được nghiên cứu xem xét sửa đổi. Cụ thể, những nội dung về quy định về mức trích, chi và thời gian trích, chi liên quan đến quỹ bình ổn cũng sẽ được nghiên cứu, xem xét.
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công Thương phối hợp với Ban soạn thảo thống nhất công bố lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng liên quan kéo dài 60 ngày.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết thêm, nội dung dự kiến trong dự thảo mới sẽ có rất nhiều nội dung, tác động theo tư duy có nhiều đổi mới, vừa mang tính chất đảm bảo được mục tiêu cuối cùng là cân đối được cung cầu về xăng dầu nhưng vẫn phải đảm bảo không được thiếu hụt, đảm bảo an ninh về năng lượng.
Còn nội dung về giữ Quỹ bình ổn xăng dầu là nội dung gây nhiều tranh luận, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, có những điều đúng là cần điều chỉnh, do vậy Bộ Công Thương đã cụ thể hoá và sẽ đưa vào trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về kinh doanh xăng dầu.