Công nghiệp tháng 3/2024 tăng 20%
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023, sản xuất công nghiệp trong quý I/2024 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 0,73%), đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (GDP quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023).
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,97%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,99%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,84% (sản lượng khai thác than giảm 0,3% và dầu mỏ thô khai thác giảm 3,2%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm.
Sản xuất công nghiệp tháng 3 tiếp tục cho thấy sự phục hồi tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng tới 20% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 5,9% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%), đóng góp 5,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,1% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,1%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,6%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 4,1% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3%), làm giảm 0,7 điểm phần trăm.
Sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng khi chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 tăng ở 54/63 địa phương. Đặc biệt, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao ở mức hai đến ba con số do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoặc ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (IIP của Trà Vinh tăng 102,%; Khánh Hoà tăng 37%; Bắc Giang tăng 23,9%; Thanh Hoá tăng 20%; Hà Nam tăng 17,2%; Quảng Ninh tăng 14%...).
Xuất siêu 3 tháng cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023
Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong Quý I/2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2024 ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 34 tỷ USD, tăng tới 37,8% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 14,3%); nhập khẩu ước đạt 31,08 tỷ USD, tăng 33,4% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 13,1%).
Tính chung quý I/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 11,6%); nhập khẩu ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 15,4%).
Trong quý I/2024, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 26,2%, tăng gần gấp đôi so với mức tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô (tăng 13,9%), cho thấy những nỗ lực của khu vực kinh tế trong nước trong việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong quý I/2024, có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,7%), nhiều hơn 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD).
Cán cân thương mại tháng 3/2024 tiếp tục thặng dư khoảng 2,93 tỷ USD, cao hơn so với mức thặng dư 1,45 tỷ USD của cùng kỳ năm trước, nâng tổng xuất siêu trong quý I/2024 là 8,08 tỷ USD (quý I/2023 xuất siêu 4,93 tỷ USD). Trong đó, xuất siêu sang Hoa Kỳ trong quý I/2024 ước đạt 22,7 tỷ USD tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 15,8%; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 50 triệu USD, giảm 27,7%. Ngược lại, nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 44,4%; nhập siêu từ Hàn Quốc ước đạt 6,2 tỷ USD, giảm 3,5%; nhập siêu từ ASEAN ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10,9%.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào
Thị trường hàng hóa tháng 3 không có nhiều biến động; nguồn cung các hàng hóa dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân; giá một số hàng hóa nhóm lương thực, thực phẩm tương đối ổn định nhờ nguồn cung dồi dào (riêng giá lợn hơi tăng nhẹ). Tuy nhiên, do sau dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng của người dân trở lại trạng thái bình thường nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thị trường trong nước tháng 3 chỉ tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 tăng 13,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1% (quý I/2023 tăng 10,1%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I/2024 ước đạt 1.190,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,4% tổng mức và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%).
Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I/2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 9,8%; Hải Phòng tăng 9,7%; Khánh Hòa và Long An cùng tăng 9,1%; Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ cùng tăng 7%; Đà Nẵng tăng 5,9%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,8%; Hà Nội tăng 4,7%.
Bộ Công Thương đánh giá, nhìn chung, cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước đồng thời cho thấy kết quả rất khả quan trong quý I/2024, tiếp nối đà phục hồi cuối năm 2023, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế trong Quý đầu năm 2024.
Nguyên nhân chủ yếu của những kết quả trên là do: (i) Hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm; (ii) Kết quả thu hút, giải ngân vốn FDI giúp tăng năng lực sản xuất trong nước; (iii) Sự phục hồi của thị trường thế giới, dần chuyển sang trạng thái mới, thích ứng với những biến động lớn các năm 2022, 2023; Số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng; (iv) Những nỗ lực trong việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ với các đối tác thương mại lớn của nước ta như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư; (v) Năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước được cải thiện.
Bên cạnh các kết quả tích cực nêu trên, tình hình phát triển ngành Công Thương trong Quý I/2024 còn hạn chế như chỉ số tồn kho sản phẩm chế biến, chế tạo có xu hướng tăng; thị trường trong nước tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu còn phụ thuộc một số thị trường chính; đóng góp của các doanh nghiệp trong nước vào XK còn hạn chế (28,1%).