Hội thảo thuộc chuỗi Hội thảo tham vấn ý kiến xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) tại 3 miền Bắc, Trung, Nam đã bắt đầu từ ngày 18/3/2024, với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia trong nước và quốc tế cùng đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất khu vực phía Bắc.
Hội thảo ngày 19/3/2024 đã thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia giàu kinh nghiêm, các doanh nghiệp lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hoá chất như: đại diện Tổng Cục Hải quan, các Tập đoàn lớn như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ - Vinacomin, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH TOTO Việt Nam, Công ty TNHH Hóa chất Petrolimex, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang….
Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận sôi nổi về 04 chính sách tại dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), cụ thể:
- Chính sách 1: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại.
- Chính sách 2: Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời.
- Chính sách 3: Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm.
- Chính sách 4: Nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.
Một số vấn đề nổi bật được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận sâu và đưa ra các kiến nghị có giá trị thể hiện sự nghiêm túc trong quá trình nghiên cứu, trăn trở và mong muốn xây dựng ngành công nghiệp hoá chất và hệ thống quản lý hiện đại đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Theo đó, ngành công nghiệp hóa chất là ngành công nghiệp nền tảng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền công nghiệp chung. Thực tế cho thấy, hóa chất đóng vai trò quan trọng và có mặt hầu hết các hoạt động kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp.
Tuy nhiên, do đặc thù của ngành công nghiệp hóa chất thường là các dự án công nghiệp với mức đầu tư lớn, sử dụng số lượng lớn lao động, thời gian hoạt động kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố hoặc phát thải hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường, nên nhiều địa phương có chủ trương không thu hút đầu tư dự án hóa chất, các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, dẫn tới còn dè dặt. Do vậy, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn và có tính ổn định để thu hút đầu tư trong hoạt động hóa chất.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến nhận định việc quản lý các sản phẩm chứa hoá chất nguy hiểm là cần thiết bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng và giảm thiểu áp lực cho hoạt động xử lý môi trường và phương án quản lý dựa trên hậu kiểm như Dự thảo đề xuất là phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới và giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Song, các sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm cần có các tiêu chuẩn, quy chuẩn để thuận lợi cho cơ quan hải quan trong công tác quản lý, đồng thời phải có hệ thống cơ sở phân tích đủ năng lực để kiểm chứng khi cần thiết. Nghiên cứu, xem xét bổ sung các quy định về xuất khẩu đối với hóa chất cấm, để đảm bảo điều chỉnh đầy đủ các hoạt động có thể phát sinh trên thưc tế.
Việc xác định hàng hoá là hóa chất, sản phẩm hóa chất bị điều chỉnh trong luật sẽ rất phức tạp, đặc biệt sẽ gây khó khăn với các đơn vị không phải chuyên ngành. Do vậy, đề thuận lợi cho việc giám sát hoạt động xuất, nhập khẩu và giảm thời gian, chi phí thông quan cho doanh nghiệp cần xác định rõ mã số HS của các hoá chất thuộc diện quản lý, điều chỉnh của Luật và các văn bản dưới luật.
Các đại biểu cũng thảo luận về việc nghiên cứu bổ sung các điều khoản quy định về an ninh hóa chất; huấn luyện an toàn hóa chất; tư vấn hóa chất; quy định về khoảng cách an toàn để tạo thuận lợi cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án (cần xây dựng quy định về khoảng cách an toàn theo hướng kết hợp với đánh giá rủi ro, cho phép áp dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp để giảm khoảng cách này, quy định rõ trách nhiệm việc thiết lập và quản lý, đảm bảo duy trì khoảng cách này phía bên ngoài khu vực quản lý của cơ sở hoá chất).
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét, bổ sung các quy định đối với tổ chức, cá nhân tư vấn xây dựng dự án hóa chất. Hiện nay, Bộ Xây dựng chỉ cấp chứng chỉ xây dựng cho tổ chức, cá nhân hoạt động đối với công trình công nghiệp, công nghiệp nhẹ, và công nghiệp nặng, không cấp riêng cho lĩnh vực hóa chất. Trong khi đó, các dự án hóa chất mang tính đặc thù, chuyên môn sâu, do vậy cần có các quy định riêng đối với hoạt động tư vấn xây dựng dự án hóa chất.
Bên cạnh đó, do các loại hóa chất thường có nhiều mục đích sử dụng khác nhau trong các ngành, lĩnh vực, vì vậy Luật Hóa chất sửa đổi cần có các quy định cụ thể, rõ ràng phạm vi quản lý của các cơ quan nhà nước, phân định rõ phạm vi quản lý của các ngành, lĩnh vực đảm bảo tất cả các hoạt động liên quan đến hóa chất nguy hiểm đều bị quản lý, đồng thời đảm bảo mỗi hoạt động hóa chất chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý ngành.
Phát biểu tại Hội thảo, lãnh đạo Cục Hóa chất đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đại diện các tổ chức, cá nhân đã quan tâm tham gia và đóng góp ý kiến tại Hội thảo để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi). Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được cơ quan thường trực xây dựng Dự thảo tập trung nghiên cứu và đề ra các phương án quản lý hiệu quả nhất.
Tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 7/7/2023, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) và đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.
Sau khi xem xét đề nghị của Chính phủ và chương trình công tác Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 41/2023/UBTVQH15 bổ sung dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 23/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật. Trong đó, Bộ Công Thương được giao chủ trì soạn thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 6/2024 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8/2024.