Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, tại Nghị quyết về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2023 của Chính phủ (số 95/NQ-CP ngày 7/7/2023), Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi), đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Theo đó, đề nghị xây dựng luật bao gồm 4 nhóm Chính sách: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; Nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.
Sau khi xem xét đề nghị của Chính phủ và chương trình công tác Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 41/2023/UBTVQH15 bổ sung dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
“Tuy đã được lùi 1 kỳ so với kế hoạch Chính phủ đề xuất, thời gian nghiên cứu, xây dựng luật còn rất ngắn, dự kiến ban soạn thảo phải trình Chính phủ hồ sơ dự án Luật trước ngày 10/6 để đảm bảo tiến độ. Do đó, đòi hỏi sự tập trung, tích cực, khẩn trương của cơ quan soạn thảo và Ban soạn thảo, Tổ biên tập”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Theo Cục Hóa chất, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) gồm 96 điều và được bố cục thành 11 chương:
- Chương I. Quy định chung;
- Chương II. Phát triển công nghiệp hóa chất;
- Chương III. Quản lý hóa chất trong vòng đời;
- Chương IV. Đăng ký và Cung cấp thông tin hóa chất và quảng cáo hóa chất;
- Chương V. Thực hiện cam kết quốc tế về quản lý hóa chất;
- Chương VI. Sản phẩm chứa hóa chất nguy hiểm;
- Chương VII. An toàn hóa chất;
- Chương VIII. Bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng;
- Chương IX. Chế độ báo cáo;
- Chương X. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất;
- Chương XI. Điều khoản thi hành.
So với Luật Hóa chất năm 2007, phạm vi điều chỉnh của Luật Hóa chất (sửa đổi) bổ sung thêm quy định về phát triển công nghiệp hóa chất, hóa chất trong sản phẩm. Cụ thể Luật này quy định về phát triển công nghiệp hóa chất, hoạt động hóa chất, hóa chất trong sản phẩm, an toàn trong hoạt động hóa chất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất, quản lý nhà nước về hóa chất.
Tuy nhiên, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) dự kiến quy định, giải thích từ ngữ phân định rõ các khái niệm “hóa chất” và “sản phẩm chứa hóa chất”, phân định rõ các loại “hoạt động hóa chất”, qua đó làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của Luật so với Luật Hóa chất năm 2007.
Các ý kiến tại cuộc họp đều nhận định Bộ Công Thương đã nghiêm túc, khẩn trương trong tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật trên cơ sở các ý kiến tại cuộc họp lần thứ nhất ngày 29/2/2024 của Tổ biên tập; đồng thời đánh giá cao chất lượng hồ sơ dự thảo Luật.
Các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật và cho rằng cần sớm đưa hồ sơ ra lấy ý kiến rộng rãi để kịp tiến độ trình Quốc hội.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị Cục Hóa chất phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ban soạn thảo, Tổ biên tập để chỉnh lý dự thảo. Trong đó, cần tập trung một số vấn đề:
Thứ nhất, cần rà soát, bảo đảm các chính sách, giải pháp thực hiện chính sách, quy định của dự thảo Luật thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng; đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Bảo vệ môi trường, Luật An toàn, vệ sinh lao động và các luật khác có liên quan; đảm bảo phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trường hợp thực sự cần thiết ban hành các quy định khác với luật hiện hành, đề nghị thuyết minh chi tiết và có đề xuất cụ thể.
Thứ hai, các quy định quản lý hóa chất cần đảm bảo tính hội nhập, phù hợp với xu thế quản lý hóa chất thế giới; tuân thủ các quy luật cạnh tranh, cung cầu của thị trường; và phù hợp với thực tiễn hoạt động hóa chất cũng như năng lực quản lý của Việt Nam.
Thứ ba, cần rà soát các nội dung phân công trách nhiệm đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành; tăng cường phân cấp, phân quyền quản lý cho chính quyền địa phương.
Thứ tư, thiết kế hệ thống thủ tục hành chính theo hướng đồng bộ, đơn giản hóa nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm và đơn giản hoá điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tương tự như trên, trường hợp cần thiết quy định thủ tục hành chính mới, cần làm rõ sự cần thiết và đánh giá tác động đầy đủ đổi với thủ tục.
Thứ năm, áp dụng tối đa công nghệ thông tin, chuyển đổi số, khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý hóa chất; tăng cường khai thác tính năng của Cơ sở dữ liệu hóa chất quốc gia hiện có.
“Để đảm bảo tiến độ được giao, đề nghị Ban soạn thảo chấp thuận để sau khi dự thảo được chỉnh lý, Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ban soạn thảo, Tổ Biên tập sẽ tiếp tục cho ý kiến đối với dự thảo đồng thời với quá trình tham vấn, lấy ý kiến”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết.