9/10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất tăng trưởng trong năm 2022

9/10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan trong năm 2022; chỉ duy nhất nhóm hàng sắt thép các loại giảm khá mạnh so với năm 2021.

10 nhóm hàng xuất khẩu

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam năm 2022 đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5%, tương ứng tăng tới 35,14 tỷ USD so với năm trước. Trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 7,43 tỷ USD; giày dép các loại tăng 6,15 tỷ USD; hàng dệt may tăng 4,82 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,74 tỷ USD; thủy sản tăng 2,04 tỷ USD…

Điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục dẫn đầu

Điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu trong tháng 12/2022 đạt trị giá 3,1 tỷ USD, giảm 31,4% so với tháng trước.

Tính cả năm 2022, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 57,99 tỷ USD, tăng 0,8% so với năm 2021. Trong đó xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 16,26 tỷ USD, tăng 7,1%; sang thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 11,88 tỷ USD, tăng 22,5%; sang EU đạt 6,7 tỷ USD, giảm 15,1%; sang Hàn Quốc đạt 5,05 tỷ USD, tăng 5,3%... so với năm trước.

Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt trị giá xuất khẩu trong tháng 12/2022 là 4,79 tỷ USD, tăng 17,6% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong năm 2022 đạt 55,54 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021.

Tính chung trong năm 2022, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Hoa Kỳ đạt 15,94 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước; sang thị trường Trung Quốc đạt 11,88 tỷ USD, tăng 7,3%; sang thị trường EU đạt 6,87 tỷ USD, tăng 4,7%; sang thị trường Hồng Kông đạt 5,88 tỷ USD, giảm 6,7%; sang thị trường Hàn Quốc đạt 3,38 tỷ USD, giảm 3,1%...

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác xuất khẩu trong tháng 12/2022 đạt 3,73 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước và tính chung cả năm 2022 đạt 45,75 tỷ USD, tăng 19,4% so với năm trước.

Các thị trường xuất khẩu chủ lực của nhóm hàng này là Hoa Kỳ đạt 20,18 tỷ USD, tăng 13,3%; EU đạt 5,76 tỷ USD, tăng 32,2%; Trung Quốc đạt 3,68 tỷ USD, tăng 28,3%; Nhật Bản đạt 2,76 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 2,73 tỷ USD, tăng 7%... so với năm 2021.

Hàng dệt may xuất khẩu trong tháng 12/2022 đạt trị giá 2,9 tỷ USD, tăng nhẹ 0,3% so với tháng trước. Tính cả năm 2022, xuất khẩu hàng dệt may của cả nước đạt 37,57 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2021.

Trong năm qua, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hoa Kỳ đạt 17,36 tỷ USD, tăng 7,9%; sang EU đạt 4,46 tỷ USD, tăng 34,7%; Nhật Bản đạt 4,07 tỷ USD, tăng 25,8%; Hàn Quốc đạt 3,31 tỷ USD, tăng 12,1%... so với năm 2021.

Giày dép các loại xuất khẩu trong tháng 12/2022 đạt 1,85 tỷ USD, giảm nhẹ 3,1% so với tháng trước. Tính chung cả năm 2022, xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam đã đạt xấp xỉ 23,9 tỷ USD, tăng tới 34,6%. Như vậy, quy mô xuất khẩu giày dép các loại năm 2022 đã tăng tới 6,15 tỷ USD so với năm trước.

Xuất khẩu giày dép các loại sang các thị trường chủ lực trong năm 2022 tăng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ đạt 9,62 tỷ USD, tăng 29,6%; EU đạt 5,91 tỷ USD, tăng 45,3%; Trung Quốc đạt 1,71 tỷ USD, tăng 7,3%... so với năm trước.

giày dép xuất khẩu
Trị giá và tốc độ tăng/giảm xuất khẩu giày dép các loại giai đoạn 2013-2022

Gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong tháng 12/2022 đạt trị giá 1,31 tỷ USD, tăng 11,5% so với tháng trước. Tính cả năm 2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 16,01 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm trước.

Trong năm qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ đạt 8,66 tỷ USD, giảm 1,3%; sang Trung Quốc đạt 2,15 tỷ USD, tăng 43,8% và Nhật Bản đạt 1,89 tỷ USD, tăng 31,4%... so với năm trước.

Hàng thủy sản xuất khẩu trong tháng 12/2022 đạt 755 triệu USD, giảm 4,4% so với tháng 11. Tính cả năm 2022, xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam đã đạt 10,92 tỷ USD, tăng 2,04 tỷ USD, tương ứng tăng 23% so với năm trước.

Tính chung trong năm qua, trị giá xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ đạt 2,13 tỷ USD, tăng 4% (tương ứng tăng 82 triệu USD); Nhật Bản đạt 1,71 tỷ USD, tăng 29% (tương ứng tăng 381 triệu USD); Trung Quốc đạt 1,57 tỷ USD, tăng 61% (tương ứng tăng 598 triệu USD) và EU đạt 1,3 tỷ USD, tăng 21% (tương ứng tăng 228 triệu USD) so với năm trước.

Xuất khẩu sắt thép giảm mạnh cả lượng và trị giá

Sắt thép các loại, sau 6 tháng xuất khẩu ở mức thấp nhất trong hai năm qua, xuất khẩu sắt thép đã có tín hiệu tăng trở lại khi lượng xuất khẩu tháng 11 tăng gần 11% so với tháng 10 và đến tháng 12 thì bật tăng mạnh, đạt 823 nghìn tấn, tăng 40,2% so với tháng trước đó; trị giá là 584 triệu USD, tăng 24,2%.

Tuy nhiên, so với năm trước, lượng sắt thép các loại xuất khẩu năm 2022 chỉ đạt 8,4 triệu tấn với trị giá 7,99 tỷ USD, giảm 35,9% về lượng và giảm 32,2% về trị giá (tương ứng giảm 3,8 tỷ USD).

sắt thép xuất khẩu

Lượng xuất khẩu sắt thép các loại trong năm 2022 chủ yếu sang các thị trường: ASEAN với 3,55 triệu tấn, giảm 7,1%; EU với 1,55 triệu tấn, giảm 15%; Hoa Kỳ với 682 nghìn tấn, giảm 35%... so với năm trước.

Đặc biệt, lượng xuất khẩu sắt thép các loại sang thị trường Trung Quốc chỉ là 99,2 nghìn tấn, trong khi con số xuất khẩu sang thị trường này của năm trước lên tới 2,63 triệu tấn.

Việt Hằng