Hội nghị VMRT có ý nghĩa hết sức đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng, tác động sâu sắc, toàn diện trên toàn cầu và gây ra những hậu quả chưa từng có cho tất cả các nền kinh tế.
Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6 năm 2020 của Ngân hàng thế giới (WB), GDP toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay do các biện pháp đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.
Theo nghiên cứu của Đơn vị hỗ trợ chính sách APEC (PSU), GDP của toàn khu vực APEC dự kiến giảm 2,7% trong năm 2020 (tương đương 2,1 nghìn tỷ USD) và 23 triệu lao động rơi vào tình cảnh mất việc. Đại dịch COVID-19 đã khiến cả thế giới đối mặt với những thách thức mới, chưa từng có và không nền kinh tế nào có thể đơn phương ứng phó.
Phát biểu tại Hội nghị, các thành viên APEC đều nhất trí hơn bao giờ hết, tất cả Chính phủ và người dân trong khu vực và trên toàn cầu cần chung tay đoàn kết, tăng cường hợp tác ở mọi cấp độ với quyết tâm và trách nhiệm cao để sớm khống chế dịch bệnh và giải quyết hiệu quả các hệ lụy kinh tế - xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra.
Nhiều thành viên đề cao vai trò quan trọng của việc tăng cường trao đổi, minh bạch thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để hỗ trợ các nền kinh tế, đặc biệt những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch sớm vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Về phương hướng trong thời gian tới, APEC cần tiếp tục huy động toàn diện các nguồn lực để giúp các thành viên xử lý những hậu quả nặng nề của đại dịch, nhanh chóng phục hồi kinh tế; phát huy vai trò là diễn đàn hàng đầu về hội nhập kinh tế khu vực, duy trì đà hợp tác và liên kết của APEC; khẳng định tính linh hoạt, khả năng thích ứng cao trong hình hình mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân các thành viên APEC vì những mất mát to lớn do đại dịch COVID-19 gây ra. Cơ bản kiểm soát tốt dịch COVID-19, Việt Nam đã bước sang trạng thái “bình thường mới”, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, vừa không chủ quan trong phòng, chống dịch hiệu quả.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định hơn bao giờ hết, các nền kinh tế cần tăng cường đoàn kết quốc tế, huy động các nguồn lực, ứng phó hiệu quả với đại dịch. Cùng với nỗ lực xử lý những hậu quả nặng nề của đại dịch, các nền kinh tế cần có kế hoạch phát triển hậu COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, gắn với bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là nhóm người nghèo, dễ bị tổn thương, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Duy trì chuỗi cung ứng, liên kết kinh tế khu vực, bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, có thể dự đoán và ổn định là điều kiện thiết yếu để thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu trong giai đoạn đầy thách thức này.
Thứ trưởng cho biết, là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ trì và tham gia nhiều cuộc thảo luận, nỗ lực tìm tiếng nói chung, có những sáng kiến thúc đẩy hành động chung trong phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân, phục hồi nền kinh tế giai đoạn hậu COVID-19.
Cụ thể Việt Nam đã đưa ra Sáng kiến về Kế hoạch Hành động Hà Nội về phục hồi kinh tế ASEAN, bao gồm các nội dung về duy trì các cam kết mở cửa thị trường để đảm bảo an ninh lương thực và tăng cường khả năng phục hồi và tính bền vững của chuỗi cung ứng khu vực; xây dựng các nền tảng tạo thuận lợi thương mại hiện có trong ASEAN để thúc đẩy và hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng; và tận dụng công nghệ và thương mại số để hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tiếp tục hoạt động.
Việt Nam tin tưởng sâu sắc rằng, trước thách thức lớn nhất kể từ khi thành lập, APEC sẽ tiếp tục phát huy ý chí và sức mạnh của mỗi thành viên, cũng như tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế mạnh mẽ để cùng vượt qua, cùng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho khu vực và mọi người dân.