
Một ví dụ điển hình cho cách tư duy công nghiệp giải quyết đầu ra nông nghiệp là sử dụng xăng sinh học ethanol phối trộn với xăng truyền thống. Trên thế giới, hai nước sản xuất ethanol lớn nhất là Mỹ và Brazil.
Sản lượng ethanol của Mỹ liên tục tăng từ năm 2000 và đạt mức kỷ lục khoảng 60,57 tỷ lít vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 8% mỗi năm. Trong đó, khoảng 7,19 tỷ lít được xuất khẩu, chủ yếu sang Canada. Phần lớn ô tô tại Mỹ sử dụng xăng pha 10% ethanol (E10), ngoài ra còn có E85 cho xe chuyên dụng. Hiện Mỹ và Brazil chiếm hơn 80% sản lượng ethanol toàn cầu, trong khi Mỹ sử dụng ngô làm nguyên liệu chính, thì Brazil sử dụng cả ngô và mía. Gần đây, Brazil cũng đã phát triển mạnh mô hình ethanol từ ngô theo cách của Mỹ, cho thấy ngô ngày càng trở thành nguyên liệu chiến lược trong ngành nhiên liệu sinh học toàn cầu.
Trong niên vụ 2023/24 (kết thúc tháng 3/2024), khu vực Trung Nam Brazil ghi nhận mức kỷ lục về sản lượng mía, đường và ethanol. Theo Hiệp hội Mía đường Brazil (UNICA), tổng lượng mía chế biến đạt 654 triệu tấn, tăng 19% so với vụ trước nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Sản lượng đường đạt 42,42 triệu tấn (tăng 25%), trong khi ethanol đạt 33,59 tỷ lít (tăng 16%). Các nhà máy ưu tiên sản xuất đường do giá thế giới cao, nâng tỷ lệ mía dùng cho đường từ 44,6% lên 48,8%. Đồng thời, sản lượng ethanol từ ngô tăng mạnh 41% lên 6,26 tỷ lít, chiếm gần 20% tổng sản lượng ethanol cả vụ.
Những kết quả ấn tượng mà Mỹ và Brazil đạt được không chỉ đến từ tiềm năng sẵn có của nông sản, mà quan trọng hơn là nhờ tư duy công nghiệp hóa toàn diện - từ quy hoạch nguyên liệu, đầu tư nhà máy, chính sách hỗ trợ nhiên liệu sinh học đến hệ thống phân phối đồng bộ. Từ câu chuyện ngô và mía, có thể thấy rõ rằng một loại nông sản sẽ mãi ở thế yếu nếu chỉ bán thô, nhưng có thể trở thành trụ cột của nền kinh tế nếu được đặt vào chuỗi giá trị công nghiệp. Đây chính là bài học thiết thực để Việt Nam tham khảo và vận dụng cho các cây trồng thế mạnh như sắn.
Tại Việt Nam, lộ trình áp dụng xăng E10 (10% ethanol trộn vào xăng truyền thống) dự kiến triển khai trên toàn quốc vào 1/1/2026 được kỳ vọng là cú hích lớn, góp phần phát triển ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp. Ethanol được sản xuất từ mía, sắn, ngô vốn là những cây trồng thế mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì dùng sắn cho sản xuất nhiên liệu trong nước, hiện nay tới hơn 80% sản lượng sắn lát khô lại xuất khẩu sang Trung Quốc, dễ bị ép giá và rủi ro thị trường.
Việt Nam là nước có năng suất sắn cao thứ 5 thế giới. Trong Đề án "Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5-12,5 triệu tấn. Trong đó, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, ethanol, mỳ chính...) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8-2,0 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam đạt 2,62 triệu tấn, trị giá 1,15 tỷ USD, giảm 11,1% về lượng và giảm 11,4% về giá trị so với năm 2023. Năm 2024, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 92,85% về lượng và chiếm 91,77% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 2,43 triệu tấn, trị giá 1,06 tỷ USD, giảm 9,8% về lượng và giảm 10,6% về giá trị so với năm 2023, do nhu cầu của Trung Quốc chậm nên giá sắn xuất khẩu trong mấy tháng cuối năm thường xuyên ở mức thấp. Giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn năm 2024 đạt mức hơn 440 USD/tấn, giảm 0,2% so với năm 2023.
Xét về toàn cục, xây dựng các nhà máy sản xuất ethanol, kho chứa, hệ thống phân phối nhiên liệu sinh học song song với phát triển ngành chế biến nông sản sẽ tạo ra chuỗi giá trị khép kín, giúp nông dân tránh rủi ro giá cả và thị trường.
Việc triển khai xăng E10 trên quy mô toàn quốc dự kiến từ 1/1/2026 không chỉ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện cam kết Net Zero, mà còn mở ra thị trường tiêu thụ bền vững cho cây sắn. Thay vì “giải cứu” một số nông sản, nhà máy ethanol sẽ là “đầu ra công nghiệp” ổn định và lâu dài cho người nông dân trồng sắn.
Nhìn từ bài học của một số nông sản Việt Nam “được mùa, mất giá”… đến cơ hội từ cây sắn trong lộ trình xăng E10, có thể thấy rằng, vấn đề đầu ra của nông nghiệp Việt Nam không thể tiếp tục được xử lý bằng các giải pháp tình thế hỗ trợ thu mua hay tăng cường quảng bá tạm thời. Thay vào đó, cần một chiến lược căn cơ hơn, đó là đưa nông nghiệp vào chuỗi giá trị công nghiệp hiện đại.
Để làm được điều đó, vai trò của chính sách Nhà nước là tối quan trọng: từ việc quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến, đến ưu đãi tín dụng cho các nhà máy chế biến nông sản nói chung, trung tâm logistics và hạ tầng năng lượng sạch. Nếu được thúc đẩy đúng hướng, công nghiệp hóa nông nghiệp sẽ không chỉ giúp người nông dân thoát khỏi cảnh bấp bênh giá cả, mà còn mở ra con đường để Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, có khả năng cạnh tranh toàn cầu và thực sự hội nhập vào nền kinh tế xanh – tuần hoàn trong tương lai.