Thanh Hoá nỗ lực bình ổn giá

Câu chuyện bình ổn giá thị trường lại trở nên “nóng” hơn khi nhiều mặt hàng hoá lần lượt “đội giá – leo thang” khiến người tiêu dùng trở nên “chóng mặt”. Nằm trong tình trạng chung của cả nước, Thanh

Giá cả leo thang

Thị trường giá cả hàng hoá trong thời gian vừa qua không có biến động nhiều. Tuy nhiên, có một số nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân tăng cao, cụ thể mặt hàng lương thực, thực phẩm (gạo, rau, củ, thịt lợn, thịt bò, cá) và một số mặt hàng trong danh mục bình ổn giá như: xi măng, sắt, thép, thuốc chữa bệnh cho người... Riêng mặt hàng gas tiếp tục tăng thêm 25.000 đ/bình 12kg, đây được xem là mức tăng khá mạnh và là tháng thứ 3 liên tiếp giá gas tăng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 1,24%, so với tháng 9. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,77%, lương thực tăng 4,92%, thực phẩm tăng 1,17%. Theo ghi nhận tại các chợ đầu mối và trung tâm thương mại ở Thành phố và các huyện trong những ngày vừa qua, thóc gạo tẻ thường phổ biến từ 6.500 đ/kg đến 7.000 đ/kg, gạo tẻ thường có giá 10.500 đ/kg, gạo tám thơm từ 13.000 đ/kg đến 17.000 đ/kg. Giá đường sữa giao động ở mức từ 5 - 10%, nguyên nhân là nhu cầu đường sữa trên thị trường không lớn, lượng cung nhiều. Giá các mặt hàng thực phẩm khô như mộc nhĩ, nấm hương, đậu xanh xay bỏ vỏ, lạc nhân, tỏi tăng khoảng 5.000 đ/kg. Như vậy, mặt hàng lương thực có tăng nhưng không đáng kể. Rất có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng nhẹ từ nay đến tết Nguyên đán, nguyên nhân mưa lũ kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu dùng.

Tại một số chợ lớn, trung tâm buôn bán giá cả leo thang từng ngày nên người mua cũng hạn chế về khối lượng làm cho hàng hoá trở nên ế ẩm. Tại chợ Điện Biên, chợ Nam Thành, Tây Thành - thành phố Thanh Hoá thịt lợn hơi phổ biến từ 30.000 – 35.000 đ/kg, thịt lợn mông sấn từ 65.000 đ/kg – 70.000 đ/kg, thịt lợn ba chỉ từ 55.000 đ/kg – 60.000 đ/kg; thịt bò đùi từ 100.000 đ/kg – 130.000 đ/kg, thịt gà công nghiệp có giá từ 65.000 đ/kg – 75.000 đ/kg, tăng từ 7 – 8% so với tháng 9. Theo một số tiểu thương thì các loại mặt hàng này có khả năng sẽ còn tiếp tục “leo thang” từ nay đến Tết. Nguyên nhân là do ở một số huyện có lợn bị nhiễm dịch tai xanh đang bị cấm, mức độ tiêu dùng và dịp tết sẽ tăng. Mặt hàng hải sản cũng tăng cao mực tươi có giá từ 95.000 – 100.000 đ/kg, tôm sú có giá 200.000 đ/kg, tôm khô loại 1 giá 550.000 – 650.000 đ/kg… nguyên nhân do mưa, lũ kéo dài, thuyền bè phải treo bờ liên tục làm giảm tỷ lệ sản lượng hải sản của tỉnh. Qua thống kê 10 tháng đầu năm toàn tỉnh cho thấy, tổng giá trị sản xuất chỉ đạt 81 tỷ đồng, giảm 1,2% so với tháng trước, sản lượng thuỷ sản đạt 8,6 nghìn tấn, giảm 1,2% so với tháng trước. Riêng thị trường rau, củ, quả sau vài ngày tăng lên mức đỉnh điểm từ 4.000 – 5.000 đ/bó, thì nay đã “hạ nhiệt” xuống mức xuất phát điểm là 1.500 đ/bó, chỉ còn lại mặt hàng cà chua, đậu phụ miếng và trứng vịt là vẫn đang ở mức đỉnh điểm nhưng đang có dấu hiệu giảm nhẹ. Theo một số tiểu thương cho biết: Nguyên nhân giá rau củ các loại giảm là do các vùng nguyên liệu trong tỉnh đã bắt đầu vào mùa.

Giá mặt hàng phân bón trên thị trường giao động từ 10 -12%, nguyên nhân tăng được xác định là do phần lớn nguyên liệu sản xuất phân đều nhập ngoại, do giá ngoại tệ tăng, giá các loại phân đang lưu thông trên thị trường như u rê Trung Quốc có giá 6.000 – 6.500 đ/kg, đạm Phú Mỹ từ 7.000 – 7.500 đ/kg, phân NPK Lâm Thao từ 3.000 – 3.200 đ/kg, phân kali từ 7.000 – 7.200 đ/kg. Mặt khác, một số công ty, xí nghiệp trong tỉnh vừa đổi mới dây truyền sản xuất có năng suất và sản lượng lớn cung cấp cho thị trường trong địa bàn và tỉnh ngoài.

Hàng hoá “đội giá” trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong cả nước, đặc biệt các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, qua 10 tháng đầu năm, nền kinh tế Thanh Hoá vẫn có những “tín hiệu” phát triển tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 10 tháng ước đạt 18.657 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch, tăng 27% so với cùng kỳ, điều này chứng tỏ thị trường tiêu thụ của Thanh Hoá luôn ổn định và tăng trưởng mặc dù giá cả hàng hoá biến biến động dữ dội trong toàn quốc.

Tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiến độ đầu tư cơ bản

Trước những diễn biến phức tạp về giá cả thị trường, để bình ổn giá là biện pháp cấp bách, tuy nhiên phải mang chính sách chiến lược. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ra quyết định số 1304/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 13,5% trở lên trong năm 2010.

UBND tỉnh Thanh Hoá đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thực hiện tốt công tác chăm sóc bảo vệ cây trồng vụ chiêm xuân, huy động mọi nguồn lực và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống cháy rừng, chống hạn, đảm bảo đủ nước tưới cho các loại cây trồng vụ chiêm xuân và nước sinh hoạt cho nhân dân.

Sáng ngày 11/11, Sở NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị giao ban sản xuất vụ đông và triển khai sản xuất vụ chiêm xuân 2010 – 2011, phấn đấu diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 211.000 ha và sản lượng lương thực đạt 788,7 nghìn tấn. Trước đó, ngày 9/11 toàn tỉnh đã gieo trồng được gần 51.400 ha cây trồng vụ đông, đạt 85,6% kế hoạch, tăng 9,5% so với cùng kỳ, trong đó có 20.188 ha ngô, 8.500 ha đậu tương, 1.721 ha lạc, 14.220 ha rau đậu các loại… Hiện nay, các địa phương đang tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây màu, tiếp tục gieo trồng một số loại cây chịu lạnh. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNN cũng phải tìm cách tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tu bổ, kiên cố hoá các công trình đê điều, hồ đập, thuỷ lợi, âu tránh bão cho tầu thuyền, các dự án vượt lũ.

Bên cạnh đó, tỉnh giao cho Sở Công Thương đề nghị các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải triệt để chấp hành qui định về quản lý giá, sản xuất kinh doanh theo đúng qui định của pháp luật, không tăng giá bất hợp lý; tổ chức tốt, hiệu quả hệ thống phân phối, khai thông thị trường; tích cực tham gia vào việc bình ổn giá thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Giao cho Chi cục quản lý thị trường tích cực trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát giá cả hàng hoá đề xuất với UBND tỉnh có biện pháp điều chỉnh hợp lý. Đặc biệt, theo dõi thị trường và công bố giá gạo hàng tháng cho các huyện có xã biên giới theo quyết định số 30A của Chính phủ và giá gạo cho Khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) phục vụ cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Hiện nay, Chi cục đã ký cam kết niêm yết giá và bán theo giá niêm yết với 25.416 cơ sở kinh doanh thương mại và công nghiệp ổn định thường xuyên trên toàn tỉnh.

10 Tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 14.126 tỷ đồng, bằng 81% kế hoạch, tăng 23,5% so với cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 305,8 triệu USD, bằng 87% kế hoạch; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14,1 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ; Tổng giá trị thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản ước đạt 3.442 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch. Tất cả yếu tố trên là cơ sở để từ nay đến cuối năm Thanh Hoá bình ổn giá, ổn định an sinh xã hội và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 13,5% trở lên.