Bảo đảm dòng điện, nguồn cung xăng dầu, vật tư, nguyên liệu thời chiến

Lưới lửa phòng không tầm thấp, tầm cao của cán bộ, công chức, tự vệ các xí nghiệp, nhà máy ngành Công Thương không những góp phần cùng quân và dân miền Bắc đập tan các cuộc tập kích đường không chiến lược của Không quân Hoa Kỳ, mà còn bảo đảm cho dòng điện, nguồn xăng dầu, vật tư, nguyên liệu, hàng tiêu dùng lưu thông mạnh mẽ trên thị trường.
nguồn cung xăng dầu
Cán bộ, công nhân viên Nhà máy Điện Yên Phụ diễn tập đánh địch giáp lá cà tại Hà Nội, tháng 6/1966 (Ảnh: Trần Nguyên Hợi)

Nguồn cung xăng dầu, dòng điện, vật tư, nguyên liệu là mục tiêu đánh phá số 1 của không quân Mỹ trong những năm 1960-1970. Trong cuộc chiến vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, các cơ sở công nghiệp và thương mại thành lập các đội tự vệ, sẵn sàng đương đầu với các cuộc tập kích đường không, bảo đảm các điều kiện cho hoạt động sản xuất thời chiến.

Theo sách "Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010" trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, từ 18 đến 29/12/1972, nhiều cán bộ, công chức thuộc khối cơ quan các Bộ: Cơ khí và Luyện kim, Công nghiệp nhẹ, Nội thương, Ngoại thương, Vật tư đã trực tiếp tham gia vào các đơn vị tự vệ phòng không. Lưới lửa phòng không từ trên các nóc nhà 54 Hai Bà Trưng, số 7 Tràng Thi, 91 Đinh Tiên Hoàng, 21-23 Ngô Quyền đan dày đặc, góp phần tạo nên các hệ thống phòng không tầm thấp, tầm cao hiệu quả của quân và dân Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội nằm trong số mục tiêu hàng đầu của không quân Mỹ. Những đôi tay quen cầm thoi, dệt vải của chị em công nhân Nhà máy Dệt 8-3 đã buộc phải cầm súng. Hệ thống phòng không được triển khai nhanh chóng. Từ các cửa phân xưởng, hệ thống hào giao thông được xây bằng gạch chắc chắn, đường hào chữ chi chạy xung quanh nhà máy. Khi có báo động, công nhân xách súng chạy theo hào giao thông đến trận địa.

Năm 1966, Nhà máy tổ chức được một tiểu đoàn tự vệ gồm 5 đại đội, 134 trung đội, 2 tiểu đội trực thuộc; bộ phận hành chính tổ chức các đội công binh, hóa học, cứu sập, cứu thương, thông tin liên lạc… Phối hợp với trận địa cao xạ của Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô, tự vệ nhà máy bố trí lưới lửa theo hai tuyến: tuyến trên cao gồm 8 tổ súng trường, 2 đại liên, 1 trung liên, đặt trên nóc phân xưởng đay, sợi, dệt. Tuyến mặt đất gồm 7 tổ, bố trí trận địa ở phân xưởng Nhuộm, Thoi suốt, Cơ khí. Đội hình chiến đấu hiệp đồng chặt chẽ với trận địa của Nhà máy Cơ khí Mai Động, Nhà máy Kẹo Hải Châu, Nhà máy Xay Lương Yên, tạo thành lưới lửa phía Đông Nam thành phố.

Tại Nhà máy Liên hiệp Dệt Nam Định, có ngày, Mỹ ném bom 2-3 trận. Vì vậy, thời gian này, nhiều người gọi Nhà máy là “Cồn Cỏ của Thành Nam”. Từ tháng 7/1965 đến tháng 12/1972, máy bay Mỹ đã gây ra hậu quả rất nặng nề: phá hủy 22% thiết bị máy móc và 70% nhà xưởng, 151 cán bộ, công nhân viên chức hy sinh, 197 người bị thương.

Để bảo vệ sản xuất, Nhà máy thành lập 1 tiểu đoàn tự vệ (gồm 3 đại đội) và 1 trung đội trực chiến lưu động gồm 283 cán bộ chiến sỹ, trong đó có 131 là nữ dưới sự chỉ đạo của Tỉnh đội. “Đội bom mà sản xuất” là hình ảnh công nhân nhà máy dệt thời kỳ này. Vừa hăng hái sản xuất, lực lượng nhà máy còn tham gia chiến đấu tất cả các trận cùng quân và dân thành phố, đánh trả quyết liệt máy bay Mỹ. Có trận tự vệ nhà máy bổ sung, tăng cường 18 pháo thủ cho một đơn vị pháo cao xạ của bộ đội trên địa bàn thị xã Phủ Lý.

Không chỉ nam công nhân tham gia chiến đấu, mà các chị em công nhân cũng rất anh dũng trên mọi mặt trận, nhiều chị đã hy sinh khi tuổi đời còn trẻ, như chị Vũ Thị Minh Nguyệt, Đảng viên Đảng bộ nhà máy Dệt Nam Định. Chị Nguyệt đã cùng đồng đội đánh trả máy bay Mỹ 21 trận. Trận thứ 22 chiến đấu bảo vệ cầu Phủ Lý, diễn ra vào chiều ngày 07/7/1967, chị bị thương nhưng không cho đồng đội biết, vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.

Trong những trận quyết chiến bảo vệ sản xuất, bảo vệ nguồn lực của hậu phương miền Bắc để chi viện cho miền Nam, cán bộ, người lao động ngành Công Thương đã ghi nhiều chiến công vào trang Vàng lịch sử của dân tộc.

Khu Gang thép Thái Nguyên đã bắn hạ 59 máy bay của không quân Mỹ, 5 phi công Mỹ bị tự vệ bắt sống tại chỗ; Ngày 10/12/1967, chị Lưu Thị Xuân cùng tự vệ Nhà máy Dệt 8-3 bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ, ngày 13/8/1968, tự vệ 8-3 chỉ với 14 viên đạn 12 ly 7, lại bắn rơi một máy bay không người lái; tháng 7/1968, đội tự vệ của May 10 hiệp đồng với đơn vị bạn bắn rơi 1 máy bay phản lực Mỹ ở xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội; ngày 07/02/1972, lực lượng tự vệ của Đèo Nai đã anh dũng chiến đấu và bắn rơi được 1 máy bay Mỹ, góp phần vào thành tích bắn rơi chiếc máy bay thứ 200 của vùng Mỏ trên bầu trời miền Bắc;

Ngày 10/5/1972, tự vệ Nhà máy Điện Yên Phụ bắn rơi 1 máy bay F4; tự vệ Nhà máy Phân lân Văn Điển bắn rơi 1 máy bay F4 của Mỹ ngày 27/6/1972; tự vệ Kho xăng dầu Thượng Lý bắn rơi chiếc máy bay AD6 của Mỹ đêm 19/12/1972; đêm ngày 22/12/1972, tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động phối hợp với tự vệ Nhà máy Dệt kim Đông Xuân Hà Nội bắn rơi 1 chiếc F-111A “cánh cụp cánh xòe”…

Những chiến công đó không những góp phần cùng quân và dân miền Bắc đập tan các cuộc tập kích đường không chiến lược của Không quân Hoa Kỳ, mà còn bảo đảm cho dòng điện, nguồn cung xăng dầu, vật tư, nguyên liệu, hàng tiêu dùng lưu thông mạnh mẽ trên thị trường.

Đào Mạnh Đức