Ngành Điện cần khoảng 5-7 tỉ USD vốn đầu tư mỗi năm

Ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1208/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Tổng sơ đồ điện VII). Theo đó, ước tính, s
Cũng theo tính toán của Tổng sơ đồ điện VII, năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 75.000MW, trong đó: thủy điện chiếm 23,1%; thủy điện tích năng 2,4%; nhiệt điện than 48%; nhiệt điện khí đốt 16,5%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 5,6%; điện hạt nhân 1,3% và nhập khẩu điện 3,1%.

Năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 146.800MW, trong đó thủy điện chiếm 11,8%; thủy điện tích năng 3,9%; nhiệt điện than 51,6%; nhiệt điện khí đốt 11,8%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 9,4%; điện hạt nhân 6,6% và nhập khẩu 4,9%.

Để thực hiện mục tiêu và khối lượng quy hoạch được duyệt, dự kiến tổng vốn đầu tư cho toàn ngành Điện đến năm 2020 khoảng 929,7 tỉ đồng (tương đương với 48,8 tỉ USD, là khoảng 4,88 tỉ USD/năm). Trong cả giai đoạn 2011-2030, nhu cầu đầu tư khoảng 2.359 nghìn tỷ đồng (tương đương 123,8 tỷ USD). Với khoản tiền đầu tư khổng lồ này, ngành Điện đang đối mặt với nguy cơ thiếu vốn.

Phát biểu về vấn đề này với các phóng viên tại hành lang kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho biết, khó khăn lớn nhất của Tổng sơ đồ điện VII là việc huy động vốn. Mặt bằng giá mới đã tăng, như vậy đầu tư một nhà máy điện sẽ cao hơn, dẫn tới khả năng thu hút vốn sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, với việc mở ra thị trường hóa giá điện, cơ chế điều chỉnh giá điện để dần dần tiếp cận thị trường sẽ dần giải quyết được bài toán vốn. Mặc dù giá mới cải cách được một bước nhưng cũng là hướng mở ra để các nhà đầu tư sẵn sàng.

Khẳng định rõ hơn vấn đề này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, số vốn dành cho Tổng sơ đồ điện VII là rất lớn và với giá điện như hiện nay, ngành điện không có khả năng thu xếp đủ nguồn vốn cho đầu tư các dự án điện. Chính vì vậy, chiến lược phát triển ngành điện và quy hoạch tổng sơ đồ điện VII đã đề ra định hướng sẽ điều chỉnh giá điện tiến tới tiệm cận giá thị trường, từ đó tạo cơ hội hút đầu tư vào ngành điện và thúc đẩy sử dụng điện năng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ có chỉ đạo việc điều hành linh hoạt để vừa đảm đảm bảo nhu cầu vốn cho phát triển ngành điện, vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Ông Vượng cũng cho biết thêm, phấn đấu đến năm 2020, giá điện sẽ đạt khoảng 8-9 cent/kWh.

Để giải quyết bài toán vốn cho phát triển ngành Điện, Tổng sơ đồ điện VII đưa ra một số giải pháp từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ trong các doanh nghiệp ngành Điện thông qua việc nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp ngành Điện, bảo đảm có tích lũy, đảm bảo tỉ lệ vốn tự dó cho đầu tư phát triển theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế; tiến tới nguồn huy động vốn chính cho các công trình điện là vốn tự tích lũy của các doanh nghiệp. Phát triển các tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong ngành Điện có tín nhiệm tài chính cao để giảm chi phí huy động vốn cho các dự án điện, tự huy động vốn không cần đến sự hỗ trợ bảo lãnh của Chính phủ. Mặt khác, tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để đầu tư các công trình điện, áp dụng biện pháp chuyển tiết kiệm trong nước thành vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn đầu, Nhà nước bảo lãnh phát hành trái phiếu cho các dự án trọng điểm, cấp bách.

Tổng sơ đồ điện VII còn đề cập tới việc thực hiện liên doanh trong và ngoài nước nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xây dựng phát triển các dự án điện. Đồng thời thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp ngành Điện Nhà nước không cần giữ 100% vốn. ; Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển các dự án điện. ; Ưu tiên các dự án FDI có thể thanh toán bằng tiền trong nước, hoặc thanh toán bằng đổi hàng và không yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ. ; Tăng cường thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài bao gồm vốn viện trợ phát triển chính thức ưu đãi, viện trợ phát triển chính thức không ưu đãi, vay thương mại nước ngoài…

Bên cạnh các giải pháp về vốn, ngành Điện cũng thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành Điện. Giá bán điện cần kích thích phát triển điện, tạo môi trường thu hút đầu tư và khuyến khích cạnh tranh trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng điện. Đồng thời, đảm bảo thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý (thành phần đầu tư tái sản xuất mở rộng) nhằm bảo đảm các doanh nghiệp ngành Điện tự chủ được về tài chính.